Việc Grab thu thêm phụ phí nắng nóng khiến tài xế và hành khách bức xúc và cho rằng "ông vua xe công nghệ" đang tận thu trên công sức, mồ hôi của người lao động.
Grab với cách làm tận thu
Mới đây, Grab ra thông báo thực hiện phụ thu do thời tiết nắng nóng, việc tận thu này được thực hiện bắt đầu từ ngày 6/7. Cụ thể, tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, Grab thu thêm phụ phí nắng nóng 5.000 đồng với mỗi chuyến xe GrabBike và mỗi đơn hàng GrabFood, GrabMart. Còn mức phụ thu này với dịch vụ GrabExpress là 3.000 đồng một đơn hàng.
Tại các thị trường khác như Nghệ An, Thanh Hóa, Hải Phòng, Đà Nẵng, Huế... phụ thu thời tiết nắng nóng với các dịch vụ GrabBike và GrabFood đều là 5.000 đồng. Phụ phí sẽ được cộng trực tiếp vào giá cước hiển thị trên biên nhận khi tài xế nhận chuyến xe.
|
Grab "đẻ" ra phụ thu phí "thời tiết nắng nóng" là một hình thức tận thu từ khách hàng.
|
Theo lý giải của Grab, mức phụ thu này nhằm hỗ trợ giảm bớt vất vả cho tài xế khi thực hiện các đơn hàng. Đây cũng là ứng dụng gọi xe đầu tiên áp dụng chính sách phụ thu thời tiết nắng nóng như vậy. Thông thường, các hãng gọi xe chỉ áp dụng phụ phí vào dịp Tết Âm lịch với mức từ 10.000 đồng đến 15.000 đồng hay phụ phí ban đêm cho mỗi đơn hàng, chuyến xe.
Tuy nhiên, cách lý giải này đương nhiên không thể làm hài lòng những người sử dụng dịch vụ của Grab, đặc biệt khi nhìn vào cách “ông vua xe công nghệ” này đối xử với đội ngũ tài xế, vốn là đối tác của họ trong suốt nhiều năm qua. Cái gọi là “hỗ trợ giảm bớt vất vả cho tài xế” trên thực tế chỉ là tận thu từ mồ hôi lao động của người lao động.
Chia sẻ với Báo Tri thức và Cuộc sống, anh P.V.T, tài xế GrabBike bức xúc: “Hỗ trợ cho tài xế là cái cớ để hãng tăng giá cước của khách hàng, thực chất tài xế chúng tôi không nhận được bao nhiêu vì tiền phụ phí tăng thêm 5.000 đồng/chuyến lại được cộng dồn vào giá cước và hãng sẽ phân chia lại theo tỉ lệ chiết khấu".
Tương tự, một tài xế GrabBike khác cũng xác nhận, mức phụ phí "Thời tiết nắng nóng gay gắt" được Grad cộng trực tiếp vào giá cước. Bản thân tài xế cũng không mặn mà gì với khoản phụ thu này.
"Ví dụ, tôi chạy 1 chuyến xe được 100.000 đồng, theo tỉ lệ ăn chia 7/3, Grab sẽ nhận khoảng 30.000 đồng. Giờ cuốc xe sẽ được cộng thêm 5.000 đồng, tức là giá cước từ 100.000 đồng lên 105.000 đồng, Grab hưởng gần 31.500 đồng. Tại sao nói hỗ trợ tài xế mà Grab lại bỏ túi 1.500 đồng. Chưa kể, nếu hàng trăm, hàng nghìn, thậm chí hàng triệu chuyến/ngày, thì số tiền Grab thu về là rất lớn”, một nữ tài xế GrabBike đặt vấn đề.
Còn nhớ, cách đây không lâu, một làn sống phản đối Grab đã bùng lên dữ dội trên quy mô rộng khắp tại nhiều thành phố lớn trên cả nước. Mọi chuyện bắt nguồn từ việc Grab tăng tỉ lệ chiết khấu một cách vô lý khiến cho những “đối tác” của họ là đội ngũ tài xế thật sự “chịu không có nổi”.
Lần này, cái gọi là “phụ thu nắng nóng” mà Grab đưa ra đã hướng mục tiêu thẳng vào người tiêu dùng, không khác gì cái cách họ nhắm vào đội ngũ tài xế trước kia. Rõ ràng, bằng cách này hay cách khác, Grab vẫn tìm cách “bóc lột” người dùng qua các loại phí và “bóc lột” sức lao động của tài xế, khi họ được hưởng rất ít từ các loại phụ phí nhưng lại phải chạy xe vất vả trên đường.
Yêu cầu Grab báo cáo
Sau khi Grab tung chiêu phụ thu thời tiết nắng nóng gây bức xúc cho tài xế và khách hàng, đại diện Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người dùng (Bộ Công thương) cho biết, Cục đã có công văn số 785 gửi Công ty TNHH Grab.
Theo đó, Cục này yêu cầu Grab cung cấp danh mục và làm rõ các loại hình, mức phí và phụ phí hiện nay được cộng trực tiếp vào giá cước hiển thị. Đồng thời, cung cấp thông tin chi tiết về việc áp dụng thu thêm các loại phí và phụ phí hiện nay, bao gồm: Căn cứ, cơ sở và tiêu chí để áp dụng, thời gian áp dụng, việc phân chia lợi nhuận của các loại phí và phụ phí giữa Grab và lái xe, ...); Cùng các thông tin, tài liệu liên quan khác…Thông tin phải cung cấp trước ngày 18/7.
Dựa vào báo cáo đó, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người dùng sẽ có những đánh giá nhằm đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng.
Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho biết, Hội đã kiến nghị với các đơn vị khi thu phụ phí hay tăng giá cần cân nhắc thật kỹ lưỡng, làm sao gắn bó với người tiêu dùng lâu dài, chứ không thể ngày một, ngày hai để mất đi tính cạnh tranh.
Theo ông Hùng, hiện nay xăng dầu tăng giá đã đánh trực tiếp vào túi tiền người tiêu dùng, bằng chứng là giá mỗi cuốc xe Grab cũng tăng giá đáng kể. Nay lại thu phụ phí nắng nóng, chẳng khác nào "bóp cổ" người tiêu dùng.
"Bất kỳ sự tăng giá nào cũng phải hết sức chặt chẽ. Đành rằng có những mặt hàng không thuộc nhà nước quản lý nhưng người sản xuất, kinh doanh phải có sự chia sẻ với người tiêu dùng.
Bởi người tiêu dùng đã rất chia sẻ với người kinh doanh khi mà giá đầu vào sản xuất tăng thì đầu ra sản phẩm cũng tăng và người tiêu dùng chấp nhận mua bán, sử dụng dịch vụ ở mức giá cao hơn thường lệ", ông Hùng nhấn mạnh.
Thiên Tuấn