Theo thông tin từ Báo điện tử Chính phủ, ông Mai Văn Thép (tỉnh Đồng Tháp) làm nghề bẫy rắn, do dịch bệnh COVID-19 nên ông ở nhà. Ông Thép được biết Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ có hỗ trợ lao động tự do nên ông đã đề nghị Ấp hỗ trợ nhưng được trả lời nghề của ông không được hỗ trợ.
Ông Thép cho rằng, đã là lao động tự do tại sao lại phân biệt đối xử, phải mặc định là mua bán ve chai hay bán vé số mới được hỗ trợ, trong khi xã hội có nhiều ngành nghề khác như bẫy rắn, phụ hồ, xịt thuốc mướn, lao động chân tay...? Ông Thép đề nghị cơ quan có thẩm quyền quan tâm hỗ trợ để người dân an tâm chống dịch.
|
Ảnh minh họa. |
Nhận được thông tin cần hỗ trợ của ông Mai Văn Thép, UBND thành phố Sa Đéc đã chỉ đạo Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp UBND xã Tân Phú Đông, tiến hành kiểm tra rà soát như sau:
Theo quy định tại Khoản 1, Điều 1 của Quyết định số 964/QĐ-UBND-HC ngày 16/7/2021 của UBND tỉnh Đồng Tháp về việc hỗ trợ người lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp, quy định rõ các đối tượng được hỗ trợ làm việc tại các nhóm ngành, nghề, lĩnh vực như sau:
- Bán hàng rong, buôn bán nhỏ lẻ không có địa điểm cố định;
- Thu gom rác, phế liệu;
- Bốc vác, vận chuyển hàng hoá (tại các chợ, bến tàu, bến xe, bến cảng, nhà kho).
- Lái xe mô tô 02 bánh chở khách.
- Người tự làm hoặc làm việc tại các hộ kinh doanh trong lĩnh vực ăn uống, lưu trú (phục vụ bàn ăn uống, đầu bếp, phục vụ bếp, lễ tân, tạp vụ); chăm sóc sức khỏe (massage, xoa bóp y học, châm cứu).
Như vậy, trường hợp của ông Mai Văn Thép chưa thuộc đối tượng lao động tự do được hỗ trợ theo Quyết định 964/QĐ-UBND-HC. UBND thành phố xin ghi nhận những ý kiến đóng góp của ông và sẽ có kiến nghị lên trên.
|
Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa. |
Nhìn nhận vấn đề trên, đại biểu Quốc hội khóa XV Phạm Văn Hòa, đoàn Đồng Tháp cho rằng, người bắt rắn không được hỗ trợ cũng chưa hợp lý lắm vì công việc này không được thuê mướn hay hợp đồng với ai cả mà do cá nhân tự làm để kiếm kế sinh nhai, cũng giống như những người mò cua, bắt ốc, bắt chuột... tùy vào mùa nước, thời tiết, đặc thù của địa phương. Thực tế, số lượng lao động tự do này là rất lớn, đặc biệt là ở nông thôn.
Theo đại biểu Phạm Văn Hòa, việc hỗ trợ người dân cũng khá phức tạp, nhất là trong tình hình dịch bệnh COVID-19 căng thẳng. Nhân sự các cấp đều tham gia phòng chống dịch, lại đang trong thời gian giãn cách xã hội nên khó xác minh, điều tra. Vì vậy, trước mắt người dân nên chủ động kê khai, đăng ký để chờ chính quyền xem xét.
"Việc hỗ trợ cũng không nên cứng nhắc, phụ thuộc quá nhiều vào văn bản chỉ đạo. Chỉ cần xác minh đúng người là lao động tự do (không hợp đồng lao động) mà đang gặp khó khăn thì nên xem xét, hỗ trợ nhưng chắc chắn sẽ không được đầy đủ 100% vì còn do nhiều yếu tố. Trong đó, chủ yếu là phụ thuộc vào ngân sách của địa phương. Tỉnh giàu thì hỗ trợ được nhiều người nhưng tỉnh nghèo, eo hẹp thì phải cân nhắc, cầm chừng vì còn phải dự phòng, chi tiêu cho thiên tai, lũ lụt, hạn hán..." - đại biểu Hòa nói.
PGS.TS Bùi Thị An, đại biểu Quốc hội khóa XIII cũng cho rằng, nguyện vọng của ông Thép là hoàn toàn chính đáng và cần được chính quyền địa phương xem xét và giải quyết trên tinh thần “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” mà Đảng và Chính phủ đã phát động.
Theo bà An, Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ đã nêu rõ: đối với lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) và một số đối tượng đặc thù khác thì căn cứ điều kiện cụ thể và khả năng ngân sách của địa phương, các tỉnh, thành phố xây dựng tiêu chí, xác định đối tượng, mức tiền hỗ trợ nhưng mức hỗ trợ không thấp hơn 1.500.000 đồng/người/lần hoặc 50.000 đồng/người/ngày căn cứ theo thực tế số ngày tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của địa phương. Như vậy, trường hợp ông Thép hành nghề bắt rắn, không có hợp động lao động với đơn vị, công ty nào thì vẫn thuộc diện được hỗ trợ do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Tuy nhiên, do đây là ngân sách của địa phương nên địa phương cũng cần phải xem xét.
"Lãnh đạo địa phương, nhất là những cán bộ cơ sở sẽ là người dễ dàng tiếp cận, tìm hiểu và biết rõ được hoàn cảnh của ông Thép nói riêng và những người lao động nghèo, cần giúp đỡ tại địa phương nói chung. Nếu đúng ông Thép đang gặp phải khó khăn, cần được hỗ trợ thực sự thì chính quyền địa phương nên linh động, chủ động đề xuất giúp đỡ, cái gì tốt cho dân thì càng nên làm. Đừng quá cứng nhắc vì trong Quyết định có bao giờ ghi hết được các loại nhóm ngành, nghề, lĩnh vực. Điều này cũng thể hiện được tính gần dân, lắng nghe dân, hiểu dân và giúp nhân dân" - bà An bày tỏa quan điểm và cho biết, hiện nay có nhiều lãnh đạo UBND xã, phường, cấp cơ sở đã chủ động công khai số điện thoại để tiếp nhận những đề nghị, nhu cầu của người dân trong tình hình dịch bệnh COVID-19 và sẵn sàng xử lý "nóng", việc này nên được khuyến khích và nhân rộng vì hơn bao giờ hết người dân luôn muốn "kết nối" với lãnh đạo để được chia sẻ, hỗ trợ.
Hiểu Lam