Phiên tòa xét xử vụ án xảy ra tại Công ty cổ phần Tiến bộ Quốc tế (viết tắt là Công ty AIC) và những đơn vị liên quan đang nghị án và dự kiến sẽ tuyên án vào sáng 4/1/2023.
Một tình tiết khiến dư luận quan tâm đó là trong phần bào chữa cho cựu Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Trần Đình Thành, luật sư đã đề nghị HĐXX cho thân chủ của mình được hưởng bản án thể hiện sự khoan hồng đặc biệt.
Trao đổi với PV Tri thức và Cuộc sống, tiến sĩ Đặng Văn Cường – Giảng viên Khoa pháp luật, chính trị, Trường Đại học Thuỷ lợi cho biết, chính sách hình sự Việt Nam hiện nay thể hiện sự kết hợp hài hòa hai yếu tố khoan hồng và nghiêm trị.
|
Cựu Bí thư Đồng Nai Trần Đình Thành. |
Theo đó, sẽ khoan hồng với những người phạm tội lần đầu, vai trò giúp sức, thứ yếu, biết ăn năn hối cải, trong quá trình giải quyết vụ án đã tự nguyện bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả, ngăn chặn hậu quả do hành vi phạm tội gây ra, tích cực giúp đỡ cơ quan chức năng trong quá trình điều tra, phá án...Ngược lại sẽ nghiêm trị đối với những đối tượng chủ mưu, cầm đầu, thực hành tích cực, ngoan cố chống đối, tái phạm nguy hiểm, không nhận thức được hành vi, sai phạm.
Chính sách khoan hồng và nghiêm trị không chỉ áp dụng đối với các đối tượng phạm tội mà còn có thể áp dụng đối với mỗi loại tội phạm khác nhau. Ở mỗi thời điểm khác nhau, trước yêu cầu đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội, để thực hiện những nhiệm vụ, mục tiêu chính trị cụ thể, chính sách hình sự lại tập trung vào những nhóm tội, loại tội khác nhau để cho thấy sự khoan hồng hay nghiêm trị.
Ví như trong bối cảnh công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng tiêu cực đang ở điểm cao trào như giai đoạn hiện nay, nhóm tội phạm về tham nhũng và chức vụ sẽ có mức hình phạt nghiêm khắc. Khi thực hiện chủ trương tăng cường công tác thu hồi tài sản do tham nhũng, tội phạm về chức vụ mà có, đảm bảo hiệu quả trong công tác thu hồi tài sản, khuyến khích người phạm tội tham nhũng và chức vụ tự thú, đầu thú, tự nguyện bồi thường khắc phục hậu quả là việc nên làm, đây là những tình tiết giảm nhẹ đáng kể...
Thực hiện chính sách khoan hồng trong những vụ án cụ thể có những người phạm tội sẽ được miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt hoặc có thể được áp dụng hình phạt tù nhưng cho hưởng án treo... sẽ được áp dụng các biện pháp tư pháp khác để thay thế cho chế tài hình sự. Những nội dung này đã được quy định rất cụ thể trong bộ luật hình sự theo quy định tại Điều 8, Điều 29, Điều 54, Điều 59... và một số điều luật khác cũng như trong một số nghị quyết của hội đồng trong đó có Nghị quyết số 03/2020/NQ-HĐTP ngày 30/12/2020 Hướng dẫn xét xử tội phạm tham nhũng và một số tội phạm khác về chức vụ...
Thời gian gần đây, có nhắc đến "chính sách khoan hồng đặc biệt" nhưng đây là một khái niệm mới chứ không phải là một chính sách mới. Bản án của tòa án đòi hỏi luôn luôn phải thể hiện được sự khoan hồng của pháp luật nhưng cũng phải thể hiện tính nghiêm trị. Khoan hồng không đồng nghĩa với việc áp dụng sai pháp luật, miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt một cách tùy tiện, vô tội vạ.
Luật Hình sự năm 2015 có nhắc đến khái niệm "khoan hồng đặc biệt". Cụ thể, tại Điều 59 miễn hình phạt: Người phạm tội có thể được miễn hình phạt nếu thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 54 của Bộ luật này mà đáng được khoan hồng đặc biệt nhưng chưa đến mức được miễn trách nhiệm hình sự.
Như vậy, Bộ luật Hình sự có quy định về trường hợp miễn hình phạt. Nếu người thực hiện hành vi phạm tội không thuộc trường hợp được miễn trách nhiệm hình sự nhưng có nhiều tình tiết giảm nhẹ, có thể áp dụng quy định để chuyển khung, khoản hình phạt và đáng được khoan hồng ở mức độ "đặc biệt", có thể được xem xét miễn trách nhiệm hình sự.
Sự "đặc biệt" ở đây là khác với "khoan hồng thông thường", phổ thông, phổ biến, người được miễn hình phạt phải là người có những tình tiết, hoàn cảnh "đặc biệt" về nhân thân hoặc về hành vi mà xét thấy không cần phải áp dụng hình phạt cũng có thể đủ để giáo dục, cải tạo, răn đe, phòng ngừa chung cho xã hội.
Đối với người thực hiện hành vi phạm tội mà thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, tự nguyện bồi thường khắc phục hậu quả, có nhân thân tốt, có thành tích suất sắc trong học tập, lao động, là người có công với cách mạng... đó là những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đã được quy định cụ thể tại điều 51 Bộ luật Hình sự. Trường hợp này tòa án có thể áp dụng điều 54 BLHS để chuyển khung hình phạt xuống khung liền kề nhẹ hơn hoặc áp dụng hình phạt ở khung thấp nhất của tội danh theo nguyên tắc mà Bộ luật Hình sự đã quy định, nếu yếu tố nhân thân và hành vi không có gì đặc biệt, không thể cho rằng đây là trường hợp áp dụng chính sách khoan hồng đặc biệt để miễn hình phạt cho bị cáo.
Đối với tội phạm về tham nhũng và chức vụ, chính sách chung là nghiêm minh, nghiêm trị, để răn đe, phòng ngừa chung cho xã hội. Tuy nhiên, chính sách hình sự đối với loại tội phạm tham nhũng và chức vụ cũng có những điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung trong mỗi giai đoạn cụ thể.
Nghị quyết số 03/2020/NQ-HĐTP của hội đồng thẩm phán cũng quy định nguyên tắc xử lý đối với tội phạm tham nhũng, tội phạm khác về chức vụ như sau: Việc xử lý tội phạm tham nhũng, tội phạm khác về chức vụ phải bảo đảm nghiêm khắc và tuân thủ triệt để các nguyên tắc của pháp luật hình sự, pháp luật tố tụng hình sự; Trong quá trình tố tụng, người phạm tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ đã chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ và đã hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn, không áp dụng mức cao nhất của khung hình phạt mà người phạm tội bị truy tố, xét xử.
Xem xét áp dụng chính sách khoan hồng đặc biệt miễn hình phạt theo quy định tại Điều 59 của Bộ luật Hình sự đối với trường hợp người phạm tội có ít nhất 2 tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 51 của Bộ luật Hình sự hoặc người phạm tội lần đầu là người giúp sức trong vụ án đồng phạm nhưng có vai trò không đáng kể nếu thuộc một số trường hợp như không vì động cơ vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác, mà chỉ vì muốn đổi mới, dám đột phá vì sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội và bảo vệ Tổ quốc; Người phạm tội là người có quan hệ lệ thuộc (như cấp dưới đối với cấp trên, người làm công hưởng lương, chấp hành nhiệm vụ theo chỉ đạo của cấp trên), không ý thức được đầy đủ hành vi phạm tội của mình, không vì động cơ vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác, không được hưởng lợi; Người phạm tội đã chủ động khai báo trước khi bị phát giác, tích cực hợp tác với cơ quan có thẩm quyền, góp phần hạn chế thiệt hại, chủ động nộp lại toàn bộ tài sản chiếm đoạt, đã khắc phục toàn bộ hậu quả và đã bồi thường toàn bộ thiệt hại do mình gây ra; thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, chủ động nộp lại toàn bộ tài sản chiếm đoạt, đã khắc phục toàn bộ hậu quả và đã bồi thường toàn bộ thiệt hại do mình gây ra."…
Đây là những chính sách xuyên suốt trong việc xử lý tội phạm về tham nhũng và chức vụ nói riêng và các loại tội phạm khác nói chung. Khi áp dụng pháp luật, các cơ quan tiến hành tố tụng sẽ phải xem xét đến trường hợp hành vi như vậy đã thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội phạm hay chưa, có thuộc trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự hay không, có thuộc trường hợp miễn trách nhiệm hình sự hay miễn hình phạt hay không. Không có chính sách khoan hồng đặc biệt đối với nhóm tội phạm nào, với người phạm tội cụ thể nào.
Theo quy định pháp luật, việc áp dụng miễn hình phạt chỉ có thể thực hiện đối với những trường hợp thực sự "đặc biệt" mà xét thấy không cần thiết phải áp dụng hình phạt cũng đủ để cải tạo, giáo dục, răn đe phòng ngừa chung cho xã hội cũng như đối với bị cáo. Người được miễn hành phạt phải thuộc trường hợp rất đặc biệt nhưng chưa đến mức được miễn trách nhiệm hình sự.
Bởi vậy, trong những vụ án có bị cáo là người có chức vụ, lợi dụng chức vụ quyền hạn để phạm tội, lợi dụng dịch bệnh để phạm tội, là người có vai trò chính, phạm tội rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng, ảnh hưởng đến uy tín của Đảng và Nhà nước, gây dư luận xấu trong xã hội... dù có thành khẩn khai báo ăn năn hối cải, dù bản thân có nhiều thành tích, nhân thân tốt, đã bồi thường thiệt hại khắc phục hậu quả, tích cực giúp đỡ cơ quan điều tra phát hiện xử lý tội phạm, đó chỉ là những tình tiết giảm nhẹ một phần trách nhiệm hình sự chứ không thể là căn cứ để miễn hình phạt, không thể cho rằng đó là trường hợp phải được "khoan hồng đặc biệt".
>>> Mời độc giả xem thêm video 5 năm qua, hơn 2.500 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng
Hải Ninh