Gỡ khó khăn việc dừng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận

Google News

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Chính phủ sớm có phương án xử lý đối với các dự án năng lượng đã hoàn thành trước thời hạn quy định.

Ngày 13/4, tại tỉnh Ninh Thuận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải chủ trì Hội nghị “Báo cáo giám sát kết quả 05 năm thực hiện Nghị quyết số 31/2016/QH14 của Quốc hội về việc dừng thực hiện chủ trương đầu tư Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận”.
Tham dự Hội nghị có ông Vũ Hồng Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội; ông Lê Quang Huy, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, ông Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam...
Về phía tỉnh Ninh Thuận có các ông Nguyễn Đức Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Phạm Văn Hậu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Trần Quốc Nam, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy; cùng lãnh đạo các sở, ngành, địa phương liên quan.
Go kho khan viec dung du an dien hat nhan Ninh Thuan
 Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải chủ trì Hội nghị tại tỉnh Ninh Thuận.
Qua 5 năm triển khai Nghị quyết số 31/2016 của Quốc hội về dừng thực hiện chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận và Nghị quyết số 115 ngày 31/8/2018 của Chính phủ về một số cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ tỉnh phát triển kinh tế - xã hội, ổn định sản xuất và đời sống nhân dân giai đoạn 2018-2023, nhất là chủ trương xây dựng Ninh Thuận trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước đã tạo điều kiện giúp tỉnh ta thu hút được nhiều nhà đầu tư lớn, chiến lược; tạo sức lan tỏa trong việc thu hút đầu tư vào các lĩnh vực trọng điểm, đột phá...
Tuy nhiên trong quá trình tổ chức thực hiện Nghị quyết số 31/2016 của Quốc hội vẫn còn một số vấn đề vướng mắc về thể chế Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư công, chuyển đổi đất rừng, quy hoạch titan, vướng mắc về thủ tục đầu tư hạ tầng truyền tải để giải tỏa công suất các dự án năng lượng tái tạo nên nhiều cơ chế, chính sách chưa được thụ hưởng; Đề án, chính sách hỗ trợ cho người dân vùng xây dựng 2 nhà máy điện hạt nhân chưa triển khai nên đời sống của một bộ phận người dân ở các khu vực quy hoạch xây dựng Nhà máy điện hạt nhân còn nhiều khó khăn.
Hội nghị đã nhận được nhiều ý kiến tham luận của các Bộ ngành và Tập đoàn Điện lực Việt Nam dưới nhiều góc độ, nhất là đề xuất các phương án giải quyết để tổ chức lại sản xuất, ổn định đời sống cho người dân vùng Dự án; đề xuất rà soát lại cơ chế, chính sách đã đề ra tại Nghị quyết 115, kịp thời điều chỉnh trong trường hợp cần thiết, đảm bảo cơ chế, chính sách khả thi, thiết thực, trong đó quan tâm đến các chính sách chưa được thực hiện như hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng, các khu, cụm công nghiệp, áp dụng tỷ lệ cho vay lãi; Các cơ chế, chính sách hỗ trợ tỉnh Ninh Thuận phát triển kinh tế - xã hội...
Phát biểu tại hội nghị, ông Trần Quốc Nam, Phó Bí thư Tỉnh ủy Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Thuận đề nghị Quốc hội ủng hộ tỉnh đề xuất Chính phủ xem xét, chấp thuận chủ trương cho kéo dài thời gian thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù đối với tỉnh ban hành tại Nghị quyết 115/NQ-CP đến hết năm 2025. Và có những cơ chế, chính sách đặc thù để giúp tỉnh vươn lên, có điều kiện thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020-2025 và những năm tiếp theo. Đặc biệt là tạo điều kiện giúp tỉnh sớm phê duyệt Đề án hỗ trợ cho người dân vùng xây dựng 2 nhà máy điện hạt nhân.
Tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đánh giá cao kết quả đạt được sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 31 của Quốc hội và Nghị quyết 115 của Chính phủ về dừng thực hiện chủ trương đầu tư Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, tỉnh đã có sự phát triển vượt bậc, khá toàn diện trên tất cả các lĩnh vực.
Về nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ cần sớm tổng kết, đánh giá Nghị quyết số 115 và có phương án giải quyết đối với các cơ chế, chính sách chưa thực hiện và theo đề nghị của tỉnh được kéo dài đến năm 2025; nghiên cứu điều chỉnh phạm vi, nội dung cho phù hợp để sớm phê duyệt “Đề án ổn định sản xuất, đời sống Nhân dân và phát triển khu dân cư đối với các vị trí trước đây quy hoạch xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2” nhằm giúp người dân ổn định cuộc sống, phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cũng đề nghị Chính phủ sớm có phương án xử lý đối với các dự án năng lượng đã hoàn thành trước thời hạn quy định và có trong quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đề nghị xem xét Dự án đường dây 500 kV Ninh Sơn - Chơn Thành theo hình thức PPP; điều chỉnh quy hoạch đối với diện tích đất có titan. Khẩn trương rà soát lại các cơ chế, chính sách đã đề ra tại Nghị quyết số 115, kịp thời điều chỉnh trong trường hợp cần thiết, bảo đảm cơ chế, chính sách khả thi, thiết thực, đặc biệt quan tâm đến các cơ chế, chính sách chưa được thực hiện như: hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng, các khu, cụm công nghiệp; áp dụng tỷ lệ cho vay lại, bố trí 100% vốn đối ứng từ ngân sách Trung ương cho các dự án ODA; bố trí vốn cho Dự án liên thông giữa hồ chứa nước Tân Giang và Sông Biêu.
Trước mắt, xem xét chấp thuận đề nghị của UBND tỉnh, tiếp tục cho hưởng cơ chế, chính sách về tỷ lệ cho vay lại, bố trí vốn đối ứng từ ngân sách Trung ương theo Nghị quyết số 115 của Chính phủ. Sớm hoàn thành Quy hoạch tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2021 – 2030 để có phương án thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Go kho khan viec dung du an dien hat nhan Ninh Thuan-Hinh-2
 Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cùng đoàn công tác khảo sát thực tế khu vực dừng xây dựng Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận 1.
Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị tiếp tục chủ động phát huy lợi thế như tốc độ phát triển, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, tích cực huy động các nguồn lực xã hội, thu hút các nhà đầu tư chiến lược, làm tốt công tác tư tưởng cho Nhân dân, phát triển nhanh, bền vững kinh tế - xã hội, văn hóa, bảo đảm môi trường…
Qua kết quả khảo sát thực tế, đề nghị các Bộ ngành Trung ương căn cứ nhiệm vụ, thẩm quyền chủ động làm việc, hướng dẫn, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho tỉnh. Thường trực Ủy ban kinh tế của Quốc hội chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan tập trung hoàn thiện “ Báo cáo giám sát kết quả 05 năm thực hiện Nghị quyết số 31/2016/QH14 của Quốc hội về việc dừng thực hiện chủ trương đầu tư Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận” trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trong thời gian tới.
Thiên Tuấn