Giết con, tự sát... do trầm cảm
Ngày 18/11, chị L.H.T. (24 tuổi, ngụ P.Lộc Phát, TP.Bảo Lộc, Lâm Đồng) bực tức vì con trai (cháu L.T.Đ. 9 tháng tuổi) khóc lóc không chịu ngủ, chị bế cháu vào nhà tắm, dìm trong xô nước. Đến lúc không còn nghe cháu Đ. khóc, chị T. báo với em trai mình tên H. đang ngủ ở phòng bên cạnh ra xem thì phát hiện bé đã tử vong.
Được biết, chị T. bị bệnh trầm cảm hơn 2 năm nay và thường xuyên phải điều trị ở TP.HCM.
Ngày 17/11, chị T. vừa điều trị bệnh trầm cảm từ TP.HCM về thì xảy ra sự việc đau lòng này.
Theo báo cáo của Viện sức khoẻ tâm thần, BV Bạch Mai, mỗi năm Việt Nam có hơn 40.000 người tự tử do trầm cảm.
Theo thống kê của Thế giới, có tới 20% dân số bị trầm cảm. Trong đó có 5% số người bị trầm cảm thể nặng hoang tưởng, ảo thanh xui khiến, lo âu, buồn bực và có xu hướng tìm đến cái chết.
Vừa qua (ngày 8/11), tại TP HCM xảy ra vụ phát hiện thi thể cô gái tại chung cư bị lìa đầu. Do tại hiện trường nạn nhân mặc nội y, quần dài bị mắc kẹt giữa 2 chân, đầu lìa hẳn khỏi cổ cách thi thể khá xa nên ban đầu nhiều nhận định ban đầu cho rằng đây là vụ án mạng.
Tuy nhiên, mới đây CA TP HCM đã công bố nguyên nhân ban đầu do nạn nhân bị trầm cảm nhiều khả năng cô gái đã tự tìm đến cái chết sau những áp lực tinh thần.
Cũng với nguyên nhân bị mắc bệnh trầm cảm, ngày 11/11, tại chung cư Bắc Linh Đàm (Hà Nội) một nam thanh niên 21 tuổi đã tự tử trong tư thế treo cổ ngay sau khi gửi tin nhắn tuyệt mệnh đến người thân.
Trong quá trình điều tra, nạn nhân được xác định tên T. (trú tại huyện Đan Phượng, Hà Nội) T. là nhân viên của cửa hàng cầm đồ. Theo lời người bạn thân của nạn nhân, đêm trước ngày xảy ra sự việc T. có nhắn tin và gửi lời tạm biệt. Tuy nhiên, khuya nên người này đã đi ngủ đến sáng nay mới đọc được tin nhắn. Sáng hôm sau khi đi ra đến cửa hàng thì phát hiện T. đã tử vong.
|
Hiện trường nơi xảy ra sự việc đau lòng của T. |
Năm 2018, cả nước rúng động trước thông tin về vụ sát hại con trai và cháu gái của một người mẹ trẻ tại chung cư HH02, khu đô thị Thanh Hà Cienco (Hà Nội). Người phụ nữ gây án là chị S. (sinh năm 1985, Thanh Oai, Hà Nội). Nạn nhân là con trai của chị - bé H. (8 tuổi) và cháu gái là bé T. (6 tuổi).
Do phải liên tục chịu tang mất người thân (cha và chú), những cú sốc về tinh thần khiến chị đau khổ dẫn tới căn bệnh trầm cảm. Sau khoảng thời gian chữa trị bệnh tình không những không thuyên giảm mà còn có dấu hiệu nặng thêm, 2 tuần sau khi từ bệnh viện trở về nhà nhân lúc chồng đi vắng, bệnh tình tái phát. Chị S. đã lấy thắt lưng siết cổ con trai và cháu gái đến tử vong. Sau khi gây án, chị S. còn định nhảy lầu tự tử nhưng bất thành.
|
Hình minh họa. |
Từ những vụ án nêu trên, có thể nói bệnh trầm cảm là 1 “sát thủ” vô hình đứng đằng sau những vụ án mạng, vụ tự tử đau lòng.
Thực tế cho thấy trầm cảm là một căn bệnh nguy hiểm, khiến người bệnh suy sụp cả tinh thần lẫn thể xác. Người bệnh luôn có cảm giác lo lắng và sợ hãi kèm theo những suy nghĩ, ám ảnh về sự việc đã làm tổn thương mình. Họ chọn cuộc sống khép mình, cô độc để bảo vệ bản thân, khi sự sợ hãi trở nên trầm trọng hơn thì họ lựa chọn giải thoát cho mình bằng cách tìm đến cái chết hoặc gây ra cái chết để giải tỏa áp lực tinh thần. Đau đớn hơn, đa số nạn nhân lại là người thân trong gia đình.
Người bị bệnh trầm cảm có phải chịu trách nhiệm hình sự?
Về vấn đề này Luật sư Giang Hồng Thanh – Văn phòng luật sư Giang Thanh cho biết: “Đối với người phạm tội trong khi có năng lực trách nhiệm hình sự nhưng trước khi bị kết án đã mắc bệnh tới mức mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì căn cứ vào kết luận giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần, Tòa án có thể quyết định đưa họ vào một cơ sở điều trị chuyên khoa để bắt buộc chữa bệnh theo quy định tại Điều 43 Bộ luật Hình sự 1999 . Sau khi khỏi bệnh, người đó có thể phải chịu trách nhiệm hình sự.”
Cũng theo Luật sư trong trường hợp kết quả giám định pháp y cho thấy người phạm tội bị trầm cảm nhưng không đên mức độ mất khả năng nhận thức. Thì đây sẽ được coi là tình tiết giảm nhẹ tội.
Như vậy có thể thấy, không phải mọi trường hợp có tiền sử bị bệnh tâm thần hay đang bị bệnh tâm thần thì không phải chịu trách nhiệm hình sự. Do đó kết quả giám định pháp y tâm thần sẽ là yếu tố quan trọng để xác định người bị trầm cảm khi phạm tội giết người có bị truy tố trách nhiệm hình sự hay không.
Hiện nay bệnh trầm cảm phổ biến nhất ở độ tuổi từ 18-45, tỉ lệ ở phụ nữ lớn gấp đôi nam giới. Nếu được phát hiện sớm và điều trị đúng phác đồ, trầm cảm sẽ được chữa khỏi. Do đó, cần phát hiện sớm triệu chứng bệnh, đi khám đúng chuyên khoa, tránh dẫn đến những hậu quả đáng tiếc.
>>> Xem thêm video: Số người tự tử do trầm cảm đang ngày càng nhiều.
Theo VTV - Đài TH Việt Nam.
Mỹ Duyên