Giấy đi đường kèm xác nhận phường: Gian nan giấy phép nhỏ - to

Google News

Sáng ngày 10/8, UBND TP Hà Nội đã hủy quy định giấy đi đường phải có xác nhận của phường sau khi nhận nhiều phản hồi từ người dân cho rằng quy định quá nhiêu khê, nhiều thủ tục giấy phép "con".

Đi xin giấy rồi về tay không
Sau khi Hà Nội có văn bản yêu cầu giấy đi đường phải được sự xác nhận của UBND xã, phường nơi công ty, đơn vị đặt trụ sở hoạt động, sáng 9/8, anh Nguyễn Tuấn Anh (phường Xuân Phương, quận Nam Từ Liêm) lập tức tìm đến UBND phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy (địa bàn công ty anh đặt trụ sở làm việc) để xin dấu xác nhận. Tuy nhiên, vừa đến nơi, anh Tuấn Anh sững sờ vì cán bộ yêu cầu phải có giấy đăng ký kinh doanh của công ty và nhiều giấy tờ khác, trong khi anh chỉ là một trong hàng chục nhân viên của công ty đang.
Anh Tuấn Anh cho biết, công ty đã tạm dừng hoạt động 3 tháng nay vì dịch COVID-19, lãnh đạo chỉ bố trí 2 nhân sự đến công ty thay nhau trực an ninh và phòng cháy chữa cháy. Các bộ phận hành chính, nhân sự đã nghỉ làm việc tại nhà, lãnh đạo thì khó gặp trong mùa dịch thì sao có dấu đỏ và ký trực tiếp.
"Khi tôi ra UBND phường Dịch Vọng, Cầu Giấy, họ yêu cầu bắt buộc phải có các loại giấy tờ như: Giấy giới thiệu, giấy đăng ký kinh doanh, danh sách phân công lịch làm việc, phương án phòng chống dịch tại công ty, hợp đồng lao động của từng người, giấy đi đường theo mẫu và chứng minh thư. Trong khi tôi chỉ có giấy đi đường được cơ quan cấp trước đó nên đành ngậm ngùi về nhà và báo cáo xin nghỉ việc hôm nay rồi tính tiếp" - anh Tuấn Anh nói.
Giay di duong kem xac nhan phuong: Gian nan giay phep nho - to
 Người dân kéo đến UBND phường Yên Hòa để xin xác nhận giấy đi đường.
Ghi nhận của PV Báo Tri thức và Cuộc sống, tại trụ sở UBND phường Yên Hoà (quận Cầu Giấy), khoảng 15h30 ngày 9/8, có khoảng 60 người dân đứng chờ để xin dấu xác nhận vào mẫu giấy đi đường. Để đảm bảo phòng dịch, phường Yên Hòa chỉ cho 5 người mỗi đợt vào bên trong khuôn viên.
Ngay cổng trụ sở phường Yên Hoà có dán một mẩu giấy nhỏ hướng dẫn thủ tục xin cấp giấy đi đường. Trong đó về mặt hồ sơ pháp lý, các đơn vị cần giấy đăng ký kinh doanh và giấy chứng nhận địa điểm kinh doanh (nếu có). Người đến làm thủ tục còn phải mang theo phương án phòng chống dịch của đơn vị và kế hoạch hoạt động với các thông tin của những người liên quan như: Họ tên, ngày tháng năm sinh, thông tin giấy tờ tùy thân, số điện thoại, địa chỉ cư trú... Những thông tin này phải có xác nhận của đơn vị. Cùng với đó là hợp đồng lao động, chứng minh nhân dân của người lao động cùng giấy xác nhận đi đường.
Chị Nguyễn Thu Giang, nhân viên pháp chế của một công ty chuyển phát có trụ sở tại phường Yên Hòa, cho biết tới làm giấy đi đường cho hơn 100 nhân viên. Lúc hơn 16h, chị Giang vẫn chưa thể vào bên trong trụ sở phường vì lượng người tới đông. "Tôi đã chờ gần một giờ đồng hồ, cũng chưa biết là có làm được trong ngày hôm nay không" - chị Giang chia sẻ.
Ngồi bệt ở bậc thềm, chị Nguyễn Thị Thùy, Giám đốc Công ty TNHH dịch vụ thương mại Chibi Việt Nam cho hay, sáng cùng ngày chị ra trụ sở phường, nhưng phải quay trở về vì không chuẩn bị đủ các giấy tờ cần thiết. Tới buổi chiều, khi phường có hướng dẫn cụ thể chị mới hoàn tất thủ tục: "Hiện chúng tôi cũng chỉ biết nộp hồ sơ chứ không biết có được hay không, vẫn phải chờ đợi" - chị Thùy nói.
Trước đó, UBND TP Hà Nội đã ban hành văn bản siết chặt việc cấp và sử dụng giấy đi đường trong thời gian giãn cách xã hội theo Công điện số 18/CĐ-UBND ngày 06/8/2021 của Chủ tịch UBND Thành phố.
Trong văn bản mới này, TP Hà Nội yêu cầu người đi đường xuất trình giấy đi đường theo mẫu kèm theo căn cước công dân/chứng minh thư nhân dân, lịch trực, lịch làm việc, văn bản phân công nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị... Điều này đã gây nên nhiều bất cập trong người dân, vì Công điện số 18 được ban hành vào tối Chủ nhật (ngày 8/8) và được áp dụng ngày ngày thứ Hai sáng hôm sau (ngày 9/8) nên nhiều người chưa nắm được quy định.
Giay di duong kem xac nhan phuong: Gian nan giay phep nho - to-Hinh-2
Mẫu giấy đi đường kèm chỉ đạo mới gây khó khăn cho người đi đường. Ảnh: Zing
Coi chừng phản tác dụng
Chuyên gia tâm lý Lê Thị Túy - Trung tâm tư vấn Tuổi trẻ hạnh phúc cho rằng, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn TP. Hà Nội chưa có dấu hiệu dừng lại, vẫn còn nhiều ca mắc mới, đặc biệt có nhiều ca trong cộng đồng. Việc TP. Hà Nội ban hành chỉ đạo mới, nhằm hạn chế số người ra khỏi nhà không có lý do chính đáng là cần thiết. Nhưng ban hành như thế nào, thực hiện ra sao thì phải suy xét kỹ lưỡng trước khi ban hành.
Một chỉ đạo mới ban hành vào tối muộn ngày Chủ nhật (ngày 8/8), nhưng lại áp dụng thực hiện từ sáng thứ Hai ngày hôm sau (ngày 9/8) là không hợp lý. Bởi theo chỉ đạo mới, người đi đường ngoài giấy tờ tùy thân (CMND/CCCD) và giấy đi đường theo mẫu cũ còn  phải có lịch trực, lịch công tác, làm việc... có xác nhận của UBND phường nơi sở tại (nơi cư trú, cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn phường đó). Nghĩa là từ lúc ban hành đến sáng thứ Hai ngày hôm sau người đi đường phải có đầy đủ giấy tờ, nếu không sẽ không được coi là ra đường có lý do chính đáng. Việc này là bất khả thi, vì trông thời gian ngắn như vậy, lại là ngày nghỉ, giờ nghỉ thì làm gì có ai cấp, phát cho người dân?
Giay di duong kem xac nhan phuong: Gian nan giay phep nho - to-Hinh-3
Nhiều chốt kiểm dịch ùn tắc sau khi TP Hà Nội siết chặt giấy đi đường.
Theo bà Tuy, khi có chỉ đạo mới của UBND thành phố, nhiều người dân thi nhau lên phường để xin giấy xác nhận, gây nên tình trạng quá tải, không đảm bảo khoảng cách an toàn khi xếp hàng chờ, nếu chẳng may có một ca lây nhiễm trong số những người đó thì hậu quả thật khó lường. Hơn nữa, tại các phường, quân số trực tại trụ sở là rất ít, vì đa số đều được điều động đến trực tại các chốt chặn. Nên việc quá tải là điều khó tránh khỏi.
"Việc người đến cơ quan, doanh nghiệp... làm việc phải xuất trình nhiều loại giấy tờ cũng tồn tại nhiều bất cập, khó chịu. Bình thường tại các chốt kiểm dịch chủ yếu kiểm tra giấy đi đường có hợp lệ hay không. Nay phải kiểm tra thêm cả lịch trực, phân ca, làm việc... rất mất thời gian, gây nên ùn tắc tại các chốt kiểm dịch. Hơn nữa, không phải cơ quan, doanh nghiệp nào cũng có sẵn lịch làm việc cho nhân viên của mình" - chuyên gia Túy nói.
"Việc ban hành chỉ thị mới để hạn chế số ca mắc tại cộng đồng là điều cần thiết, nhưng trước khi ban hành, chính quyền nên thăm dò trước ý kiến của nhân dân, xem nhân dân có đồng tình hay không chứ không nên đề xuất là làm. Đôi khi không thu được thành quả, mà còn phản tác dụng" - chuyên gia Túy bày tỏ quan điểm.
Hà Nội bỏ quy định ra đường phải có lịch trực, lịch làm việc
Sáng ngày 10/8, UBND Hà Nội thông báo về việc triển khai các chỉ đạo của UBND TP tại Công văn số 2562 ngày 7/8. Theo đó, Hà Nội bỏ quy định giấy đi đường phải có xác nhận của xã, phường, lịch trực, lịch làm việc, UBND cấp quận, huyện, cấp phường, xã không được quy định phát sinh thêm thủ tục, giấy tờ gây khó cho tổ chức, cá nhân. Trong quá trình tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát và hậu kiểm, trường hợp có khó khăn vướng mắc cần kịp thời báo cáo UBND Thành phố để xem xét, chỉ đạo giải quyết.
 
Hiểu Lam - Văn Đạt