Ngày 9/5, tổ đại biểu Quốc hội đơn vị 7 thuộc Đoàn Đại biểu Quốc hội TP HCM đã tiếp xúc cử tri quận 2. Tại buổi tiếp xúc, nhiều cử tri bức xúc về việc giá đất đền bù cho các hộ dân giải tỏa trong dự án khu đô thị Thủ Thiêm với giá rẻ mạt.
Cử tri Nguyễn Thị Bạch Tuyết, bày tỏ, gặp được đại biểu Quốc hội rất mừng, muốn trình bày tất cả tâm tư nguyện vọng.
Bà Tuyết cho hay, gia đình mình từng bám đất giữ làng, nuôi quân kháng chiến. Khi chính quyền giải toả 3.780 m2 đất nhà bà được chi trả 568 triệu đồng, vườn cây ăn trái trả hơn 3 triệu đồng.
|
Cử tri Nguyễn Thị Bạch Tuyết bật khóc khi nói đền giá đền bù rẻ mạt ở KĐT Thủ Thiêm. |
“Hơn 10 năm ôm gia đình tôi uất ức vì hơn 3.780m2 đất chỉ được đền bù 150.000 đồng, bằng tiền mua 3 tô phở. Cả nhà và tài sản gắn liền trên đất cũng được đền bù rẻ mạt. Hiện nay, sau bao nhiêu năm trở lại khu đô thị mới cũng chỉ thấy toàn dự án nhà ở mọc lên, giá bán hàng chục đến hàng trăm triệu/m2, nghĩ mà xót xa”, bà Tuyết nghẹn lời.
Cùng vấn đề này, cử tri Nguyễn Thị Ngọc Mỹ cho rằng, 22 năm trước quyết định của Thủ tướng Võ Văn Kiệt mang tính nhân văn, phân rõ khu vực trung tâm và tái định cư cho người dân Thủ Thiêm, chứ không phải lấy thêm đất của dân ngoài ranh, còn khu tái định cư thì phân bổ rải rác nhiều nơi.
Cử tri này cho hay, rất tâm đắc ý kiến của cựu Chủ tịch TP.HCM Võ Viết Thanh: "Đồng tiền đã làm biến dạng quy hoạch Thủ Thiêm".
“Tôi đồng ý với ý kiến này. Bởi từ khi được Thủ tướng phê duyệt quy hoạch, khu đô thị Thủ Thiêm đến nay còn dở dang, đất được giao cho nhiều nhà đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, bán hàng trăm triệu/m2. Trong khi nhà tôi bị thu hồi, được bồi thường chỉ 200.000 đồng/m2”, bà Mỹ bức xúc nói.
Mua nhà 50 cây vàng được đền bù 94 triệu
Còn bà Nguyễn Ngọc Thanh khóc, cho hay, gia đình mua căn nhà giá 50 cây vàng để ở, sau này chính quyền nói gia đình trong quy hoạch, được đền bù 94 triệu đồng. Sau đó, bố trí gia đình tới ở 1 chung cư, nhưng phải bỏ thêm 800 triệu mới được vào ở.
"Gia đình tôi đâu có nằm trong quy hoạch mà giải tỏa, tôi yêu cầu trả lại căn nhà ở phường An Khánh để sinh sống, hoặc một chỗ khác ổn định hơn”, bà Thanh yêu cầu.
Bên cạnh đó, cử tri quận 2 cũng bày tỏ bức xúc khi thu hồi đền bù tài sản cho họ với giá rẻ mạt nhưng khi công ty bán ra thì lại cao gấp hàng chục lần.
Cử tri Lê Thị Bạch Tuyết phản ánh: "Tôi đã gọi lên công ty Đại Quang Minh (chủ dự án khu đô thị Sala - P.V) để hỏi tìm mua nhà ở gần nơi ở cũ, thì được thông báo giá đất trên đúng con đường này là 350 triệu/m2 và đã bán hết. Nếu cần thì năm sau công ty sẽ báo lại nhưng lên tới giá 23 tỷ/1 căn”.
Từ đó, cử tri này đặt vấn đề đền bù cho người dân 18 triệu/m2, trong khi công ty bán ra thị trường giá 350 triệu/m2. Mức giá quá chênh lệch, chưa bằng số lẻ giá bán ra, thiệt thòi cho người dân...
“Tôi nghĩ như vậy là bóc lột dân quá, đa số người dân là nghèo, thiểu số mới là giàu”, bà Tuyết nhấn mạnh.
Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Phước Hưng, Chủ tịch quận 2 cho biết, không có chuyện đền bù đất giá rẻ bằng 3 tô phở ở dự án đường Lương Định Của.
Theo ông Hưng, dự án này được phê duyệt năm 2016, còn dự án 87 đã được phê duyệt trước đó. Hiện nay, dự án Lương Định Của đã được thẩm định. Lãnh đạo quận yêu cầu chủ đầu tư bồi thường đúng giá thị trường.
Tuy nhiên, các cử tri đã tỏ ra bức xúc về phần trả lời của đại diện lãnh đạo UBND quận 2.
Khu đô thị Thủ Thiêm tọa lạc bên bờ Đông sông Sài Gòn, đối diện quận 1, có tổng diện tích 657 ha được quy hoạch là trung tâm hiện đại và mở rộng của TP.HCM. Khu đô thị có các chức năng chính là trung tâm tài chính, văn hoá, thương mại, dịch vụ cao cấp, nghỉ ngơi, giải trí..
|
Một góc khu đô thị mới Thủ Thiêm nhìn từ trên cao. |
Để đầu tư xây dựng "siêu dự án" này, thành phố đã mất nhiều năm giải tỏa trắng gần như toàn bộ bán đảo Thủ Thiêm, khoảng 15.000 hộ dân đã di dời. Thành phố đã huy động gần 30.000 tỷ đồng để chi trả bồi thường, tái định cư.