Yên tâm lên kế hoạch ôn thi
Bộ GD&ĐT mới đây điều chỉnh khung kế hoạch thời gian năm học 2019-2020. Cụ thể: Kết thúc năm học trước ngày 30/6/2020; xét công nhận hoàn thành chương trình tiểu học và xét công nhận tốt nghiệp trung học cơ sở trước ngày 15/7/2020; hoàn thành tuyển sinh vào lớp 10 trước ngày 15/8/2020; thi THPT quốc gia từ ngày 23/7/2020 đến ngày 26/7/2020.
Căn cứ vào các mốc thời gian nêu trên, các địa phương chủ động điều chỉnh kế hoạch giáo dục năm học 2019-2020 và chuẩn bị năm học 2020-2021.
Trường hợp địa phương quyết định cho học sinh đi học trở lại muộn hơn trong tháng 3 thì phải căn cứ vào các mốc thời gian nói trên xây dựng kế hoạch học bù để bảo đảm chương trình, kịp thời gian kết thúc năm học và thi trung học phổ thông quốc gia của cả nước.
|
Lùi thời gian tổ chức kỳ thi THPT quốc gia 2020, giáo viên, học sinh yên tâm chuẩn bị kế hoạch ôn tập. |
Vui mừng trước thông tin này, em Nguyễn Huyền, học sinh trường THPT Việt Đức (Hà Nội) cho biết, khi kỳ thi THPT quốc gia năm nay được điều chỉnh lùi 1 tháng so với năm trước, đồng nghĩa học sinh cuối cấp có thêm thời gian ôn thi 1 tháng, kiến thức ôn tập sẽ nhuần nhuyễn hơn.
Trước đây khi chưa có thông báo lùi thời gian kỳ thi, hầu hết học sinh lớp 12 đều chung tâm trạng phấp phỏng, lo âu vì nghỉ ở nhà chỉ có thể tự ôn tập bài một phần, khó bám sát với đề thi. Các em còn lo ngại, nếu không lùi lịch thi, sẽ phải tập trung ôn tập gấp 4, 5 lần trước đây mới kịp tiến độ chương trình học.
Em Lê Hoàn Trí, học sinh trường THPT Chu Văn An (Hà Nội) cho biết, không riêng bản thân, khi cả nhà biết được thông tin lùi thời gian thi THPT quốc gia đều thở phào. Học sinh chúng em cũng bắt đầu yên tâm để xây dựng kế hoạch ôn tập và luyện đề thi dần.
Tập trung bồi dưỡng, chuẩn bị công tác kỳ thi
Không chỉ phụ huynh, học sinh, giáo viên cũng cảm thấy bớt lo lắng hơn khi Bộ GD&ĐT chốt thời gian diễn ra kỳ thi THPT quốc gia năm nay.
Cô giáo Nguyễn Lan Thư (Hà Nội) chia sẻ, ngay khi Bộ đưa ra quyết định thời gian kỳ thi, điều đầu tiên giáo viên nghĩ đến là xây dựng hệ thống các bài học, lộ trình ôn tập cho học sinh, vừa không áp lực, vừa đảm bảo kết quả cao cho các em.
Lùi thời gian 1 tháng để bù vào 1 tháng tạm nghỉ vừa qua là hoàn toàn hợp lý, giáo viên và học sinh đủ thời gian để dạy học hết chương trình lớp 12 cũng như ôn tập kỹ lưỡng hơn và không bị áp lực tâm lý.
Thậm chí, quyết định về thời gian trên có lợi cho học sinh thêm thời gian ôn tập, vì trong quá trình tạm nghỉ giáo viên vẫn giao bài tập, củng cố kiến thức đều đặn. Do đó, phụ huynh và học sinh hoàn toàn yên tâm về tiến trình ôn tập kỳ thi và hy vọng kết quả thi năm nay sẽ cao hơn năm học trước.
Thầy giáo Vương Đình Toản (Tuyên Quang) cho rằng, khi Bộ GD&ĐT chốt thời gian diễn ra kỳ thi cũng chính là xác lập tư tưởng cho học sinh cuối cấp gấp rút, nghiêm túc hơn trong chuẩn bị ôn tập bài.
Nhiều học sinh và phụ huynh bắt đầu lo lắng về tiến trình học tập, mong mỏi được đến trường để học tập, ôn luyện. Động thái xử lý từng bước này của Bộ GD&ĐT được phụ huynh và dư luận đón nhận.
Đại diện Sở GD&ĐT tỉnh Yên Bái cho biết, kế hoạch ban đầu tỉnh dự kiến cho học sinh quay trở lại trường từ 2/3 tới đây; cụ thể tuần này địa phương sẽ họp bàn và chốt phương án chính thức.
Tuy nhiên, từ trước đó, Sở GD&ĐT cũng quyết liệt chỉ đạo các trường đặc biệt củng cố kiến thức cho học sinh, đặc biệt ưu tiên với việc ôn tập, hệ thống kiến thức và theo sát tình hình của các em lớp 9 và lớp 12 chuẩn bị bước vào giai đoạn chuyển cấp.
Bộ GD&ĐT lùi thời gian tổ chức thi THPT quốc gia cũng giúp các trường, giáo viên và học sinh sẵn sàng về tâm lý, lên kế hoạch ôn tập tốt hơn. Chắc chắn trong thời gian nghỉ học sinh vẫn tích cực tham gia tự ôn tập theo hướng dẫn của các thầy cô, đảm bảo được tiến độ cho kỳ thi tới đây, Sở GD&ĐT Yên Bái cho hay.
Trả lời Tienphong, bà Nguyễn Thị Kim Phụng cho biết: “Việc nghỉ học để phòng chống dịch trong thời gian qua và việc lùi thời gian tổ chức thi THPT quốc gia chắc chắn sẽ làm thay đổi kế hoạch học tập và tuyển sinh chính quy năm 2020 nhưng không phải là sự xáo trộn lớn, các trường không bị động”.
Theo bà Phụng, sắp tới, Bộ GD&ĐT chỉ ban hành Kế hoạch tuyển sinh năm 2020 áp dụng chung với các trường tuyển sinh đợt 1 từ kết quả thi THPT quốc gia năm 2020.
Do đó lịch cho thí sinh đăng ký xét tuyển, điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển… và các mốc thời gian khác quy định cho trong xét tuyển đợt 1 từ kết quả thi THPT quốc gia năm 2020 dự kiến cũng sẽ lùi lại, tịnh tiến tương đương với thời gian lùi lịch thi THPT quốc gia là 1 tháng.
Lịch thi THPT quốc gia lùi đến cuối tháng 7 như dự kiến thì khoảng cuối tháng 9, các trường đại học sẽ kết thúc xét tuyển đợt 1 từ kết quả thi THPT Quốc gia.
Bà Phụng cho biết thêm, theo dõi qua các năm, số trường tuyển sinh các đợt bổ sung không nhiều, hầu hết kết thúc tuyển sinh trong khoảng tháng 10 nên năm nay, kế hoạch tuyển sinh vẫn có thể kết thúc vào tháng 12 mà không ảnh hưởng đến kết quả tuyển sinh của các trường.
Theo Hà Cường/ VTC