Như Báo Gia đình & Xã hội đã đưa tin, sáng ngày 5/2, tài khoản Facebook Thanh Le đăng clip dài 2 phút 24 lên trang cá nhân mô tả việc cô giáo hành hạ trẻ em bằng cách dùng dép đánh vào đầu học sinh khiến bé bật khóc. Các giáo viên của trường đã liên tiếp quát mắng, véo tai, dùng dép đánh vào đầu trẻ, dùng nước lạnh vệ sinh cho trẻ...
Đại úy Nguyễn Anh Tuấn - Phó trưởng công an phường Minh Khai cho biết, ngay sau khi đoạn clip được đưa lên mạng xã hội, công an đã giữ 2 giáo viên để làm rõ. Đồng thời trực tiếp đến từng nhà mời các gia đình có cháu nhỏ trong clip đến phường để làm thủ tục trình báo, bảo bệ quyền lợi các cháu.
Tại cơ quan công an, hai cô giáo mầm non có hành vi đánh trẻ được xác định Nguyễn Thị Hồng Ngát (22 tuổi) và Đặng Thị Bình (23 tuổi). Hai người này thừa nhận vì các bé khóc, đi ngoài ra quần nhiều lần nên các cô tức giận, đã dùng dép, vật cứng đập vào đầu, mặt, véo tai, thúc đầu gối vào bụng trẻ.
|
Tường trình của cô Nguyễn Thị Hồng Ngát - người có hành vi thô bạo với trẻ em trong clip.
|
Xem đoạn clip và các giáo viên đã thừa nhận các hành vi của mình, nhiều luật sư cũng lên tiếng căn cứ vào từng mức độ có thể tiến hành xử phạt hành chính hay xử lý hình sự. Luật sư Trần Thu Nam (Đoàn luật sư TP. Hà Nội) cho rằng, hành vi của 2 cô giáo mầm non bạo hành trẻ em là hành vi hành hạ trẻ em. Hành vi này bị nghiêm cấm theo quy định tại khoản 6, Điều 7 Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004;
Ngoài ra, hành vi này còn vi phạm quyền trẻ em được hướng dẫn tại khoản 1 Điều 8 Nghị định 71/2011/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số quy định của luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004.
Cũng theo Luật sư Nam, những người có hành vi xâm phạm đến quyền trẻ em, tùy theo mức độ và tính chất nghiêm trọng của hành vi, họ có thể bị xử lý hành chính hoặc phải chịu trách nhiệm hình sự; Trường hợp hành vi xâm phạm quyền trẻ em gây ra hậu quả nghiêm trọng, tuỳ từng mức độ, người thực hiện hành vi có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe đối với trẻ em; hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội hành hạ người khác (theo Điểm a Khoản 2 Điều 110 Bộ luật hình sự 1999, sửa đổi bổ sung 2009).
Trước đây, một số giáo viên mầm non vì bạo hành trẻ em đã bị xử lý hình sự. Sự việc như sau, cháu P.L mới 15 tháng tuổi, đi học tại cơ sở mầm non tư thục Sơn Ca (TP.Quảng Bình, tỉnh Quảng Bình) từ ngày 30/9/2015, từ khi đi học cháu xuất hiện nhiều vết thâm tím. Đến ngày 5/10, mẹ cháu bé đã “canh” camera lớp học và phát hiện thấy con bị các giáo viên đánh.
Bố mẹ bé đã đến lớp và bắt quả tang 3 giáo viên đang đè sấp cháu bé trên sàn nhà, trói tay chân và một cô đang nhét khăn vào miệng.
|
Vụ việc giáo viên dùng dép đánh học sinh ở cơ sở mầm non Sen Vàng vẫn đang được cơ quan công an làm rõ.
|
Trước sự việc nghiêm trọng, ngày 8/10/2015, UBND TP. Đồng Hới đã ra quyết định xử phạt hành chính 22,5 triệu đồng đối với bà Trần Thị Thúy Hằng - chủ cơ sở nơi xảy ra vi phạm, đồng thời giải thể cơ sở này.
Quá trình điều tra, CATP Đồng Hới nhận thấy có đủ cơ sở xác định cô Lê Thị Hoài Linh và Nguyễn Tú Anh là giáo viên đã có hành vi đối xử tàn nhẫn với cháu P.L. Đồng thời tống đạt quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với 2 đối tượng là giáo viên về tội “Hành hạ người khác”.
Liên quan tới sự việc, chiều 10/2 gia đình của bé D.M (xuất hiện trong clip bị giáo viên đánh) cho biết, sau khi đoạn clip được đăng tải trên mạng xã hội, chủ cơ sở mầm non Sen Vàng cùng người nhà giáo viên Đặng Thị Bình - người trực tiếp đánh bé D.M đã đến xin lỗi gia đình và mong gia đình lượng thứ vì cô giáo còn trẻ, hành động bột phát...
Gia đình đã cho cô Bình một cơ hội, không muốn khiếu kiện vì không giải quyết được gì.
Theo Q.Anh - N.Hằng/Gia đình & Xã hội