Giáo viên đổ cồn châm lửa để dạy kỹ năng làm 3 bé bỏng nặng: Trách nhiệm của ai?

Google News

(Kiến Thức) - Vụ giáo viên đổ cồn châm lửa để dạy kỹ năng làm 3 bé bị bỏng nặng đã gây tổn hại đến sức khỏe của học sinh. Bởi vậy, các cơ quan chức năng sẽ vào cuộc làm rõ nguyên nhân, hậu quả và làm rõ trách nhiệm của các bên liên quan.

Vụ việc giáo viên đổ cồn châm lửa để dạy kỹ năng 25 cháu ở lớp trẻ mầm non tư thục Tuổi Thơ (đóng tại địa bàn xã Duy Minh, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam) về kỹ năng kêu cứu và thoát hiểm khi xảy ra cháy nổ khiến 3 cháu bị bỏng nặng khiến dư luận quan tâm.
Thông tin mới nhất liên quan vụ việc trên, hiện 3 cháu bé này đã được chuyển đến Bệnh viện Bỏng Quốc gia để điều trị. Các bác sĩ cho biết, tình hình sức khỏe của 3 cháu khá xấu, các vết thương do bỏng có thể đe doạ đến các chức năng sống như hô hấp tuần hoàn, chức năng thận. Các bác sĩ của Khoa Hồi sức tích cực đang phải hồi sức chống sốc cho các bệnh nhân.
Trao đổi với PV Kiến Thức, Luật sư Đặng Văn Cường – Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, đây là một vụ tai nạn hi hữu, đáng tiếc xảy ra trong lĩnh vực giáo dục. Vụ việc này gây tổn hại đến sức khỏe của học sinh, bởi vậy các cơ quan chức năng sẽ vào cuộc làm rõ nguyên nhân, hậu quả và làm rõ trách nhiệm của các bên liên quan để có hình thức xử lý cho phù hợp với các quy định pháp luật.
Giao vien do con cham lua de day ky nang lam 3 be bong nang: Trach nhiem cua ai?
Vụ việc khiến 3 cháu bé bị bỏng nặng.
Trước tiên, cơ quan thanh tra hoặc cơ quan công an của địa phương này sẽ xác minh làm rõ cơ sở giáo dục này có giấy phép hay không, giáo viên có chuyên môn nghiệp vụ, đủ điều kiện tham gia hoạt động giáo dục hay không, đồng thời làm rõ hành vi, nguyên nhân và hậu quả của vụ việc.
“Trong trường hợp cơ sở đào tạo này được phép đào tạo theo quy định của pháp luật, giáo viên có đầy đủ bằng cấp, chuyên môn theo quy định, việc tai nạn là sự việc bất ngờ, bất khả kháng, không may xảy ra, không có lỗi của giáo viên và cơ sở giáo dục thì có thể sẽ không đề cập đến trách nhiệm hình sự. Cơ sở giáo dục này và giáo viên gây thiệt hại đến sức khỏe của học sinh phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật”, Luật sư Cường cho biết.
Thiệt hại bao gồm chi phí cứu chữa, bồi thường tổn thất về tinh thần và tiền công cho người chăm sóc các cháu trong quá trình điều trị. Mức bồi thường cụ thể to gia đình các học sinh này và nhà trường thỏa thuận, không thỏa thuận được thì có thể khởi kiện để yêu cầu tòa án giải quyết theo quy định pháp luật.
Vụ việc giáo viên đổ cồn châm lửa để dạy kỹ năng làm 3 bé bị bỏng là do người của pháp danh gây ra bởi vậy, nhà trường này phải chịu trách nhiệm bồi thường cho gia đình các nạn nhân sau đó có thể yêu cầu giáo viên bồi hoàn lại số tiền bồi thường đó cho nhà trường.
Luật sư Đặng Văn Cường cũng cho rằng, trong quá trình xác minh vụ việc, nếu cơ quan chức năng có căn cứ cho thấy giáo viên đã có lỗi vô ý gây ra thương tích cho nạn nhân là các học sinh (lỗi vô ý có thể ở hai dạng là vô ý do quá tự tin hoặc do cẩu thả) và thương tích của nạn nhân từ 31 % trở lên thì giáo viên này có thể bị xử lý hình sự về tội vô ý gây thương tích theo quy định tại Điều 138 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.
Theo luật sư Cường, trách nhiệm hình sự chỉ được đặt ra khi cơ quan chức năng xác định giáo viên đã có lỗi vô ý do quá tự tin hoặc vô ý do cẩu thả.
Bộ luật hình sự 2015 quy định về lỗi vô ý như sau: Lỗi vô ý do quá tự tin là “Người phạm tội tuy thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội nhưng cho rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa được.”. Lỗi vô ý do câu thả là “Người phạm tội không thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội, mặc dù phải thấy trước và có thể thấy trước hậu quả đó”.
Trong trường hợp có lỗi, thêm vào đó là thương tích của học sinh từ 31 % trở lên thì người gây thiệt hại cho nạn nhân sẽ bị xử lý hình sự và hình phạt có thể là phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 5.000.000 đến 20.000.000 đồng hoặc cải tạo không gian giữ đến một năm theo quy định tại khoản 1, điều 138 bộ luật hình sự năm 2015 nêu trên.
“Nếu cơ quan chức năng xác định giáo viên hoàn toàn không có lỗi, sự việc diễn ra là tình huống bất khả kháng, sự kiện bất ngờ hoặc thuộc một trong các trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự theo quy định pháp luật... thì trách nhiệm hình sự mới không được đặt ra, tuy nhiên trách nhiệm bồi thường thiệt hại sẽ được thực hiện, giải quyết theo quy định của bộ luật dân sự”, Luật sư Đặng Văn Cường cho biết thêm.
Qua vụ việc trên, Luật sư Đặng Văn Cường cho rằng, việc giảng dạy kỹ năng sống, huấn luyện những kỹ năng sinh tồn phải được thực hiện bởi người có chuyên môn, nghiệp vụ, chương trình huấn luyện phải khoa học và được cơ quan có thẩm quyền thẩm định, cho phép.
Giao vien do con cham lua de day ky nang lam 3 be bong nang: Trach nhiem cua ai?-Hinh-2
 Trường mầm non nơi xảy ra vụ việc.
Nếu việc huấn luyện, rèn luyện kỹ năng sống không khoa học, thiếu sự quản lý của nhà nước sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng, hoàn toàn có thể gây tổn thương cho các học sinh...
Bởi vậy, trong quá trình xác minh vụ việc, cơ quan chức năng sẽ làm rõ việc sử dụng cồn để đốt là dạy cho các cháu kỹ năng sinh tồn, kỹ năng thoát hiểm khi gặp cháy nổ hay là huấn luyện về công tác phòng cháy chữa cháy? Giáo viên này có kiến thức, kỹ năng về phòng cháy chữa cháy hay không? Trường này có giáo viên chuyên trách về giảng dạy kỹ năng sống cho trẻ hay không? Chương trình huấn luyện kỹ năng về phòng cháy, về thoát hiểm khi cháy nổ có nằm trong chương trình đào tạo được bộ giáo dục, phòng giáo dục cho phép giảng dạy đối với đối tượng học sinh này hay không?...
Đó là những vấn đề quan trọng để xác định nhà trường và giáo viên này có lỗi trong việc đào tạo và dẫn đến hậu quả thương tích cho các em học sinh hay không.
“Vấn đề này cơ quan chức năng sẽ làm rõ trong quá trình xác minh nguyên nhân và các yêu tố khác để làm căn cứ đề nghị hình thức xử lý cho phù hợp. Nếu có kiến nghị từ phía cơ quan quản lý giáo dục hoặc đơn thư kiến nghị tố cáo từ phía gia đình nạn nhân thì cơ quan công an sẽ vào cuộc xác minh làm rõ sự việc để có hình thức xử lý phù hợp. Trong trường hợp cơ quan công an không vào cuộc xác minh thì thanh tra của ngành giáo dục địa phương này cũng phải xác minh làm rõ sự việc và kiến nghị hình thức xử lý cho phù hợp đối với vụ việc này đồng thời sẽ có những cảnh báo, tăng cường công tác quản lý để không xảy ra những vụ việc tai nạn tương tự”, Luật sư Cường cho biết.
Hải Ninh