Giảm tiền điện, học, thuế... “liều vắc xin” thiết thực cho dân

Google News

Miễn, giảm thuế hỗ trợ doanh nghiệp, người dân cùng hàng loạt chính sách thiết thực hỗ trợ giảm giá điện, nước, viễn thông, học phí… là những “liều vắc xin” thiết thực tăng “đề kháng” cho người dân, doanh nghiệp vượt qua đại dịch COVID-19.

Tại cuộc họp ngày 5/8, Thường trực Chính phủ và các cơ quan tham dự cuộc họp cơ bản nhất trí với các giải pháp miễn, giảm thuế hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch COVID-19 theo đề xuất của Bộ Tài chính. Tinh thần triển khai thực hiện được Thủ tướng nhấn mạnh là các giải pháp khi ban hành phải phát huy hiệu quả cao nhất, hỗ trợ kịp thời cho người dân, doanh nghiệp, giảm thiểu các thủ tục hành chính không cần thiết để có thể thực hiện ngay.
Gói hỗ trợ giảm thuế, phí lên tới hơn 20.000 tỷ đồng. Các chính sách được đề xuất như giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp năm 2021(doanh thu năm không quá 200 tỷ đồng), giảm 50% thuế quý III và quý IV cho tất cả hộ, cá nhân kinh doanh, giảm 30% mức thuế giá trị gia tăng đối với doanh nghiệp, tổ chức hoạt động trong một số nhóm lĩnh vực dịch vụ, miễn tiền chậm nộp phát sinh năm 2020 và 2021, giảm tiền thuê đất và các giải pháp để hỗ trợ thúc đẩy tiêu dùng…
Giam tien dien, hoc, thue... “lieu vac xin” thiet thuc cho dan
Cán bộ công chức Phường 4, Quận 4, TP HCM trao kinh phí hỗ trợ cho người dân. 
Giảm thuế phí là một trong những chính sách thiết thực nhằm tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Trước đó, một loạt chính sách thiết thực hỗ trợ người dân như giảm giá điện, nước, viễn thông, học phí vừa được Chính phủ ban hành và triển khai thực hiện. Đó không chỉ là những “liều vắc xin” thiết thực cho doanh nghiệp, người dân tăng sức đề kháng trước đại dịch phức tạp mà còn thể hiện sự thấu hiểu đồng cảm, không bỏ ai ở lại phía sau của Chính phủ.
Trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống, đại biểu Quốc hội khóa XV Phạm Văn Hòa (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp) cho rằng, việc miễn, giảm thuế hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch COVID-19 là những các chính sách, giải pháp rất nhân văn.
“Quốc hội vừa rồi cũng có ý kiến và chính bản thân tôi cũng có đề xuất Chính phủ nên có gói miễn, giảm thuế, khoanh nợ đối với doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Bởi đại dịch COVID-19 lần thứ 4 với biến chủng Delta phức tạp, nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội, không thể làm ăn được gì. Thậm chí nhiều doanh nghiệp thua lỗ, vay ngân hàng phải trả tiền lãi, trong khi làm ăn không ra lãi, phải thuê tiền nhà, tiền phí. Doanh nghiệp và người dân rất vất vả, khó khăn và cực khổ. Do đó, miễn giảm thuế là nhân văn và cần thiết trong điều kiện hiện nay để doanh nghiệp và người dân thấy rằng, Chính phủ thấu hiểu và rất có trách nhiệm”- đại biểu Hòa nói.
Theo đại biểu Hòa, nộp thuế vốn là nghĩa vụ nhưng trong điều kiện khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh, làm ăn thua lỗ, Nhà nước cần xem xét và có chính sách miễn giảm thuế, phí,người dân rất hoan nghênh, đồng tình, ủng hộ các chính sách của Chính phủ.
“Cùng với các giải pháp miễn, giảm thuế hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, trước đó Thủ tướng Chính phủ đã liên tiếp ban hành các văn bản đề nghị doanh nghiệp xem xét giảm ngay giá nước sạch sinh hoạt, giá điện, giá cước viễn thông, học phí đã tạo sự đồng tình, hưởng ứng của người dân rất lớn. Nhà nước và người dân cùng chung hoạn nạn, khó khăn, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau trên tất cả các lĩnh vực. Đặc biệt, Nhà nước phải tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để doanh nghiệp hoạt động, thực hiện các chính sách an sinh xã hội với người dân để đảm bảo sinh hoạt bình thường”- ông Hòa nói.
Đại biểu Quốc hội khóa XV tỉnh Đồng Tháp cho rằng, giảm thuế sẽ ảnh hưởng đến ngân sách rất lớn nhưng chúng ta cũng không nặng nề thu thuế mà để người dân, doanh nghiệp vất vả khó khăn. Đó là những “liều vắc xin” vô cùng quý báu để giúp doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn của đại dịch, chung tay cùng Nhà nước thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Đồng thời cho thấy, Chính phủ luôn đặt lợi ích của nhân dân lên trên hết,không để ai bị bỏ lại phía sau.
Cùng với các giải pháp miễn, giảm thuế, gói hỗ trợ tiền điện chính thức có hiệu lực từ 2/8. EVN ước tính, tổng số tiền giảm khoảng 2.500 tỷ đồng, dành trực tiếp cho các khách hàng sử dụng điện tại các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội với các mức giảm từ 10 đến 15%. Các cơ sở cách ly y tế được giảm 100% (áp dụng trong tháng 8 và tháng 9).
Tính toán của EVN, cả nước có khoảng 20 triệu hộ gia đình dùng dưới 200 KWh/tháng. Việc giảm 15% tiền điện đối với khách hàng dùng đến 200 KWh có sức lan tỏa đến rất nhiều hộ gia đình trên cả nước.
Vừa qua, Bộ Thông tin và Truyền thông cùng các doanh nghiệp viễn thông như Viettel, VNPT, MobiFone, CMC, FPT, Vietnamobile, SCTV đã công bố gói hỗ trợ dịch vụ viễn thông lên tới gần 10.000 tỷ đồng, triển khai từ ngày 5/8 và kéo dài trong 3 tháng.
Cũng trong thời gian qua, nhằm giảm gánh nặng cũng như chia sẻ khó khăn với phụ huynh và sinh viên, nhiều trường đại học đã thực hiện chính sách miễn giảm học phí, không tăng và hỗ trợ một phần học phí cho sinh viên, học viên. Bộ Tài chính mới đây đã đề xuất tăng mức vay vốn cho học sinh, sinh viên từ 2,5 triệu đồng/tháng lên thành 4 triệu đồng/ tháng.
>>> Mời độc giả xem thêm video Chủ tịch nước kêu gọi đoàn kết để chống COVID-19

Nguồn: VTV 1

Hải Ninh