Nhưng qua đây cũng đặt ra vấn đề giải quyết bài toán ô nhiễm không khí cần phải thực hiện đồng bộ các biện pháp, chứ không thể trông chờ vào mưa dông, để xua đi những lo lắng luôn thường trực.
Sau nhiều tuần liên tiếp bầu trời Hà Nội đối diện với mức ô nhiễm không khí màu "đỏ rực, tím lịm", trận mưa rào và dông hôm qua đã kéo bầu trời xanh trở lại và xua tan đi những lo lắng của người dân.
|
Cảnh quan Hà Nội một vài ngày gần đây bị bụi và sương mù do ô nhiễm không khí. Ảnh: Phạm Hùng |
Từ đây, nhiều chuyên gia khuyến cáo các cơ quan chức năng, chính quyền các đô thị lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, cần phải thực hiện ngày càng đồng bộ các biện pháp để giảm thiểu ô nhiễm không khí. "Chúng ta không nên trông chờ vào "ông trời" để giải quyết trước mắt vấn đề ô nhiễm không khí tại các đô thị" - một chuyên gia cho hay.
Những nguyên nhân
Có thể nói, tâm điểm trong suốt hai tuần qua là mức cảnh báo ô nhiễm không khí, gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân Thủ đô. Hiện tượng xảy ra đã được các cơ quan chức năng, các chuyên gia chỉ rõ với hàng loạt nguyên nhân: Xuất phát từ khí xả thải của các phương tiện giao thông; bếp than tổ ong đang được sử dụng tại hơn 60.000 hộ gia đình; quá trình phá dỡ và xây dựng các công trình, quá trình chuyển vật liệu xây dựng; khói bụi ở các cơ sở sản xuất; các huyện ngoại thành đang thời kỳ thu hoạch lúa, sau thu hoạch, người dân đốt rơm rạ khiến khói mù trời làm không khí thêm ô nhiễm…
Điều khiến tình trạng ô nhiễm không khí thêm trầm trọng khi xả ra hiện tượng nghịch nhiệt khiến khí thải khó phát tán. Nguyên nhân do các loại khí thải, bụi hữu cơ, bụi mịn và bụi tự nhiên nếu gặp thời tiết thuận lợi, khi phát sinh sẽ có cơ hội phát tán và bay hơi đi nhanh hơn, trả lại bầu không khí bình thường. Nhưng ngược lại, nếu thời tiết xấu, khiến cho các khi thải trên bị “mắc kẹt”, lơ lửng không thoát đi.
Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) lý giải thêm, theo dõi lượng mưa trong tháng 9 các năm từ 2013 - 2019 cho thấy, năm 2019 có lượng mưa thấp nhất. Liên tiếp trong nhiều ngày (từ 21 - 30/9), toàn bộ khu vực Hà Nội không có mưa. Đây cũng có thể là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng nồng độ bụi trong không khí của Hà Nội cao đột biến trong những ngày qua.
Đó là những nguyên nhân khách quan. Về nguyên nhân chủ quan, đã được lãnh đạo TP Hà Nội chỉ rõ, do tiến độ di dời cơ sở sản xuất ô nhiễm ra khỏi nội đô chậm; việc đánh giá tình trạng ô nhiễm và đưa ra giải pháp còn ở mức độ hạn chế; tiến độ xây dựng các trạm quan trắc còn chậm…
Giải quyết từ gốc
Nhiều chuyên gia đồng quan điểm cho rằng, thứ nhất, phải xử lý ô nhiễm không khí tại nguồn. Chẳng hạn xe cộ mà gây ra ô nhiễm vượt quá mức thì không nên cho sử dụng; cần phải tăng cường phương tiện công cộng, nhất là những xe buýt cỡ nhỏ, chạy bằng nguyên liệu sạch CNG (khí nén thiên nhiên); kiên quyết, đẩy nhanh tiến độ di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp gây ô nhiễm môi trường ra khỏi nội đô...
|
Khí thải và bụi từ các công trình xây dựng là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm không khí ở Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng |
GS. TSKH Phạm Ngọc Đăng - Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam cho rằng, để giảm thiểu ô nhiễm, tránh gây tổn hại sức khỏe người dân, thì phải đi vào vấn đề xem là nguồn thải từ đâu.
Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam phân tích, qua số liệu đo lường, ô nhiễm, bụi mịn 2.5 chủ yếu phát thải từ đốt cháy nhiên liệu, trong đó xe con xe tải, xe máy đều thải ra khí đốt. Do đó, muốn phát triển đô thị trong sạch, tất cả TP lớn trên thế giới đều phát triển giao thông công cộng, để giảm bớt lượng xe đi lại, giảm bớt lượng xe cá nhân. "Đây cũng là giải pháp lâu dài của chúng ta, phát triển giao thông công cộng để hạn chế ô nhiễm không khí" - ông Đăng nói.
Thứ 2, nâng tiêu chuẩn về khí thải lên mức 4 và mức 5 (tiêu chuẩn Euro). Tiêu chuẩn về khí thải càng cao thì lượng thải càng ít. Hiện nay, ở Việt nam vẫn còn Euro 2, Euro 3, trong khi đó một số nước trên thế giới ở mức 4 và 5. Thứ 3, cần hạn chế nguồn ô nhiễm từ đun nấu bằng than tổ ong, đốt rơm rạ, đốt chất thải…
Ngoài ra, còn do các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, sản xuất lớn xung quanh đô thị, vì vậy phải giảm bớt nguồn thải, áp dụng các biện pháp kỹ thuật. "Đặc biệt, không để các cơ sở sản xuất lẫn vào khu dân cư, ví dụ như vừa qua cháy Nhà máy Phích nước Rạng Đông, đây là vấn đề quy hoạch giải tỏa công nghiệp ở các khu dân cư" - ông Đăng cho hay.
Các chuyên gia cũng cho rằng, ở Hà Nội và nhiều TP lớn khác đang trong quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng rất lớn, chỗ nào cũng thấy xây dựng..., đây một nguồn phát thải lớn, gây ra bụi. Vì vậy phải có cơ chế giám sát, quản lý chặt. "Hà Nội cũng đã có rất nhiều những quy định rồi nhưng thực thi chưa tốt. Nhiều hộ kinh doanh còn đổ chui, đổ rác thải ban đêm…" - ông Đăng nói.
Một vấn đề nữa cũng cần phải đặc biệt quan tâm, là vệ sinh môi trường của đô thị. Hiện tượng rác vứt bừa bãi gây ra mùi ô nhiễm, khí bẩn vẫn diễn ra khá phổ biến. Hiện nay, TP Hà Nội đã hiện đại hóa thu gom, quét dọn rác, song quản lý chất thải chưa thật tốt, thu gom, xử lý chưa được 100%, nên vẫn xuất hiện rác thải vứt ra đường, ra cống rãnh..., những cái đó đều gây mất vệ sinh môi trường, phát thải ô nhiễm.
"Trước đây, hàng tuần còn có xe ô tô phun nước rửa đường cho sạch, hiện nay phần rửa đường rất kém, cũng tăng thêm bụi. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến ô nhiễm không khí nên cần phải giải quyết đồng bộ, quyết liệt.
Trước thực tế chất lượng không khí ở mức kém những ngày qua, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã yêu cầu các đơn vị chức năng, sở ngành, quận huyện của TP khẩn trương thực hiện ngay các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm, cải thiện chất lượng không khí.
Trong đó, Chủ tịch UBND TP nhấn mạnh yêu cầu, lãnh đạo các quận, huyện, xã, phường tích cực tuyên truyền đến từng tổ dân phố việc không đốt rơm rạ, rác thải bừa bãi; di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường ra khỏi nội đô; các huyện tích cực xử lý ô nhiễm tại ao hồ; thay đổi việc thu gom rác thải hàng ngày từ thủ công sang toàn bộ bằng xe quét, hút bụi; Sở TN&MT đẩy nhanh công tác đấu thầu và triển khai các trạm quan trắc...
Nếu muốn biết mức độ “sạch” hiện tại ở khu vực nơi đang sinh sống thì một số ứng dụng trên ISO hay Android của điện thoại thông minh sẽ là giải pháp phù hợp để có biện pháp bảo vệ sức khỏe. Với ứng dụng Air Quality hay AirVisual, có khả năng cung cấp thông tin về chất lượng không khí của hơn 10.000 TP ở 80 quốc gia khác nhau. Ngoài ra, công cụ này còn được trang bị thêm tính năng dự đoán chất lượng không khí trong tương lai.
Ứng dụng Air Visual; ứng dụng PAM Air sẽ cung cấp thông tin về chỉ số chất lượng không khí (Air Quality Index - AQI) theo thời gian thực tại các tỉnh, TP ở Việt Nam. Dựa vào chỉ số này cho phép người dùng có thể sắp xếp chế độ sinh hoạt hay đi lại phù hợp, hạn chế ra ngoài đường hoặc phải mang khẩu trang khi đi ra đường…
Ngoài ra, người dân nên tham khảo trên website của UBND TP Hà Nội (http://hanoi.gov.vn), website của Sở TN&MT Hà Nội (http://tnmtnd.hanoi.gov.vn/), báo Kinh tế & Đô thị, báo Hànộimới; hay vào trang web của Tổng cục Môi trường...
Theo Thuần Hưng - Hà Ngọc/Kinh Tế Đô Thị