Vụ bệnh nhân Phan Đình Trường Duy (SN 1978, ngụ tại Mễ Cốc, phường 15, Quận 8, TP HCM) dùng súng K59 tự sát tại Bệnh viện Trưng Vương (phường 14, quận 10, TP HCM) vào tối ngày 22/12 đang thu hút sự chú ý của dư luận.
Thông tin từ Bệnh viện Trưng Vương cho biết, bệnh nhân Duy nhập viện vào đếm 21/12 sau khi uống thuốc seduxen tự tử. Quá trình điều trị, bệnh nhân có ý định nhảy lầu và người nhà xin cho bệnh nhân xuất viện vào trưa 22/12.
Tuy nhiên, tối cùng ngày, bệnh nhân này đến Khoa Cấp cứu của Bệnh viện Trưng Vương trong tình trạng kích động. Ngay trong lúc đang khám bệnh, bệnh nhân rút súng tự bắn vào đầu. Do vết thương nặng, bệnh nhân tử vong vào rạng sáng ngày 23/12.
Người nhà bệnh nhân cho biết, bệnh nhân làm nghề kinh doanh bất động sản và có biểu hiện trầm cảm. Bệnh tình nặng hơn khi gặp biến cố kinh doanh khi thua lỗ hơn 3 tỷ khi mua đất tại Vũng Tàu từ Tập đoàn Alibaba.
Hiện Công an Quận 10 (TP.HCM) đang phối hợp với các đơn vị liên quan điều tra làm rõ vụ việc trên. Tuy nhiên, dư luận đặt câu hỏi về khẩu súng mà Giám đốc sử dụng từ đâu mà có? Bởi vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ là những mặt hàng pháp luật cấm mua, bán.
|
Khoa cấp cứu Bệnh viện Trưng Vương nơi xảy ra vụ việc. |
Đáng chú ý, thời gian qua, việc mua bán vũ khí quân dụng, hàng nóng tràn lan, thậm chí rầm rộ trên mạng bán hàng online. Khi có nhu cầu mua vũ khí, công cụ hỗ trợ nào từ roi điện, súng, lựu đạn, người mua chỉ cần vào mạng xã hội gõ yêu cầu vào mục “tìm kiếm” là xuất hiện ngay hàng loạt tài khoản như “kho hàng nóng”, “shop vũ khí tự vệ” với nhiều sản phẩm để người mua lựa chọn, thực tế việc mua một khẩu súng hay bất cứ vũ khí quân dụng, công cụ hỗ trợ nào không phải là điều khó khăn.
Trước tình trạng trên, việc xử lý hành vi tàng trữ, mua bán vũ khí quân dụng, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ thế nào?
Trao đổi với PV Kiến Thức, luật sư Hoàng Tùng, Trưởng Văn phòng Luật sư Trung Hòa (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, đối với vụ việc nam bệnh nhân sử dụng súng để tự sát khi đang cấp cứu tại Bệnh viện Trưng Vương, cơ quan điều tra cần tiến hành điều tra làm rõ một số vấn đề như: Bệnh nhân lấy súng từ đâu? Có giao dịch mua bán gì không? Làm sao bệnh nhân đem được súng vào trong viện?...
“Khi làm rõ được vấn đề này sẽ có cơ sở để triệt hạ được những đường dây buôn bán vũ khí quân dụng, đảm bảo hơn trật tự an ninh và nền hòa bình của đất nước” - luật sư Hoàng Tùng nêu ý kiến.
Luật sư Hoàng Tùng nhìn nhận, thực tế hiện nay, có tình trạng các cá nhân mua được súng để sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau. Chủ yếu là mua súng tự chế, nhưng cũng có nhiều trường hợp thông qua các hành vi phạm pháp mua và sử dụng cả những loại súng hiện đại, được sản xuất có quy trình. Điều này cho thấy việc bán các loại vũ khí quân dụng vẫn tràn lan.
|
Luật sư Hoàng Tùng, Trưởng Văn phòng Luật sư Trung Hòa. |
Luật sư Tùng cho rằng, súng (hay vũ khí quân dụng) là loại hàng hóa được liệt vào danh mục hàng hóa cấm kinh doanh theo quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định số 59/2006/NĐ-CP ngày 12/6/2006 của Chính phủ. Cơ quan có thẩm quyền quản lý ngành chỉ có Bộ Công an và Bộ Quốc phòng.
“Súng là loại vũ khí, là hàng hóa có tính nguy hiểm cực kì lớn vì thế mà công tác quản lý liên quan đến loại hàng hóa này cực kỳ nghiêm khắc” - luật sư Hoàng Tùng cho biết.
Theo điều 4 của Luật quản lý sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ năm 2017 có quy định về các nguyên tắc quản lý sử dụng vũ khí, vũ khí quân dụng. Theo đó, chỉ có những người có đầy đủ điều kiện theo quy định của pháp luật thì mới được phép quản lý, sử dụng vũ khí quân dụng. Việc sử dụng vũ khí bắt buộc phải có giấy phép.
Tại điều 3 của Thông tư 17 năm 2017 của Bộ Công an, có quy định về trang bị vũ khí vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ thì chỉ đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ Công an, trại giam, trại tạm giam, các trường đào tạo công an, các đơn vị công an các cấp mới được phép trang bị vũ khí, vũ khí quân dụng. Chỉ cấp giấy phép sử dụng vũ khí quân dụng cho đối tượng được trang bị vũ khí quân dụng.
Tại khoản 1 điều 18 của Luật quản lý và sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ có nêu cụ thể đối tượng được trang bị vũ khí quân dụng bao gồm bộ đội, quân nhân, dân quân tự vệ, cảnh sát biển, công an nhân dân cơ yếu, cơ quan điều tra của Viện Kiểm sát tối cao, kiểm lâm, kiểm ngư, an ninh hàng không, hải quan cửa khẩu và lực lượng chuyên trách chống buôn lậu. Các đối tượng sở hữu, sử dụng đều phải có giấy phép và đều phải là những người có thẩm quyền được sử dụng.
“Như vậy, ngoài những cá nhân được cấp phép sử dụng súng (chiến sĩ công an, sĩ quan quân đội,…) thì tất cả những cá nhân còn lại không được phép sử dụng, tàng trữ, mua bán, sản xuất súng hoặc các phụ tùng, chi tiết liên quan đến súng. Tất cả các cá nhân có những hành vi nêu trên đều là hành vi vi phạm pháp luật, tùy mức độ sẽ xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự” - luật sư Hoàng Tùng cho hay.
Luật sư Tùng cho rằng, theo quy định của pháp luật, cụ thể tại Điều 340 BLHS năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định rõ về tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự như sau: “ Người nào chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự, thì bị phạt tù từ 1 năm đến 7 năm.” Ngoài ra, còn căn cứ vào các tình tiết tăng nặng định khung khác thì mức phạt cao nhất có thể lên đến tù chung thân.
Trường hợp sử dụng súng nhưng chưa gây hậu quả thì sẽ bị phạt tiền từ 2.000.000 đến 4.000.000 đồng và tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm (Điều 10 nghị định 167/2013). Trường hợp sử dụng súng để bắn người, đe dọa bắn, đả thương người khác, cướp giật... tùy trường hợp có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội giết người hoặc đe dọa giết người.
Trước những vụ việc trên, Luật sư Tùng cho rằng, các cơ quan, ban ngành cũng cần phải tăng cường công tác phòng chống, phát hiện và xử lý các vi phạm liên quan đến vấn đề vũ khí quân dụng để đảm bảo an toàn xã hội, tránh các trường hợp phạm tội và đáng tiếc xảy ra.
>>> Mời độc giả xem video Bệnh viện Trưng Vương thông tin vụ người đàn ông nổ súng tự sát:
Nguồn: Truyền hình Nhân dân.
Hải Ninh