Giám đốc ngân hàng “ưu ái” nữ thuộc cấp
Cơ quan Thanh tra, giám sát nhân hàng thuộc Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành kết luận thanh tra hành chính đột xuất tại NHNN chi nhánh tỉnh Phú Yên.
Đáng chú ý, trước đó, cơ quan thanh tra nhận được đơn tố cáo ông Nguyễn Văn Hàn, Giám đốc NHNN chi nhánh Phú Yên - ưu ái bất thường, tạo điều kiện cho bà Đỗ Thị Bích Diệu, Trưởng phòng tổng hợp - nhân sự và kiểm soát nội bộ của chi nhánh, đi học cao cấp lý luận chính trị, học cao học, nhằm chuẩn bị đề bạt chức vụ PGĐ chi nhánh.
Về nội dung này, kết luận thanh tra nêu rõ, dù bà Đỗ Thị Bích Diệu không đăng ký nhu cầu đào tạo năm 2016 và đang trong thời gian học cao học, chưa có thông báo phê duyệt của Ban cán sự Đảng - Thống đốc về quy hoạch PGĐ, nhưng NHNN chi nhánh Phú Yên vẫn cử bà đi học lý luận chính trị cao cấp tại Đà Nẵng. Lãnh đạo NHNN chi nhánh Phú Yên còn cử bà Diệu tham dự lớp bồi dưỡng chương trình quản lý nhà nước ngạch chuyên viên chính.
|
NHNN chi nhánh Phú Yên. Ảnh: TGTT. |
Do vậy, thanh tra kết luận, việc đơn nêu Giám đốc chi nhánh tạo điều kiện cho bà Đỗ Thị Bích Diệu đi học cao cấp lý luận chính trị là có cơ sở.
Đáng chú ý, năm 2015, Giám đốc NHNN chi nhánh Phú Yên có quyết định thành lập tổ xây dựng đề án vị trí việc làm và cơ cấu ngạch của chi nhánh. Đến năm 2018, lãnh đạo chi nhánh cho tổ chức lập và ký lại quyết định, trong đó có tên bà Đỗ Thị Bích Diệu và bà Vũ Thị Kim Oanh (Phó phòng Kế toán thanh toán).Việc ký lại này vào thời điểm chi nhánh bổ sung, hoàn thiện hồ sơ để cử bà Diệu, bà Oanh dự thi nâng ngạch lên chuyên viên chính. Do đó, quyết định năm 2015 chưa đảm bảo tính hợp lệ, do vậy đơn nêu việc chi nhánh lập danh sách khống tham gia xây dựng đề án vị trí việc làm là có cơ sở.
Đồng thời việc lập hồ sơ cử bà Đỗ Thị Bích Diệu đi thi nâng ngạch lên chuyên viên chính không đảm bảo tính hợp lệ theo quy định.
Do vậy Thanh tra yêu cầu, NHNN chi nhánh Phú Yên kiểm điểm, rút kinh nghiệm trong việc cử bà Đỗ Thị Bích Diệu đi học cao cấp lý luận chính trị chưa đảm bảo các quy định về quản lý công chức. Đồng thời, kiểm điểm trách nhiệm các cá nhân liên quan về tính trung thực trong hồ sơ dự thi nâng ngạch, trường hợp đến mức phải xem xét xử lý kỷ luật (nếu có).
Giả mạo giấy tờ để tuyển dụng, bổ nhiệm có thể bị kỷ luật cách chức, buộc thôi việc
Trao đổi với PV Kiến Thức, luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, theo quy định của pháp luật thì khi cơ quan thanh tra vào cuộc xác minh làm rõ hành vi vi phạm theo nội dung đơn thư tố cáo thì sẽ phải có kết luận về việc tố cáo đúng hay không, nội dung nào đúng, nội dung nào không đúng. Đồng thời, phải kết luận về hình thức xử lý.
Nếu có dấu hiệu hình sự thì phải có trách nhiệm chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để xem xét xử lý theo quy định pháp luật.
Trong vụ việc nêu trên cơ quan thanh tra đã kết luận nhiều sai phạm của lãnh đạo NHNN chi nhành Phú Yên trong việc “nâng đỡ không trong sáng” cho nữ trưởng phòng, trong việc học tập cao cấp chính trị, thi chuyên viên chính... Bởi vậy, với kết luận này thì những người sai phạm sẽ bị xem xét xử lý kỷ luật theo quy định của luật cán bộ, công chức.
Mức độ xử lý kỷ luật có thể là khiển trách, cảnh cáo, cách chức... theo quy định tại Nghị định số 34/2011/NĐ-CP về kỷ luật công chức. Hành vi giả mạo giấy tờ để được tuyển dụng, bổ nhiệm thì sẽ bị áp dụng hình thức kỷ luật rất nghiêm khắc là cách chức hoặc buộc thôi việc.
|
Luật sư Đặng Văn Cường. |
Tại Điều 13 Nghị định trên quy định công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý bị xử lý kỷ luật theo hình thức cách chức nếu có một trong các hành vi vi phạm pháp luật như: Sử dụng giấy tờ không hợp pháp để được bổ nhiệm chức vụ. Không hoàn thành nhiệm vụ quản lý, điều hành theo sự phân công mà không có lý do chính đáng, để xảy ra hậu quả rất nghiêm trọng…
Tại điều 14 Nghị định 34/2011/NĐ-CP quy định về hình thức buộc thôi việc nêu rõ: Sử dụng giấy tờ không hợp pháp để được tuyển dụng vào cơ quan, tổ chức, đơn vị; Vi phạm ở mức độ đặc biệt nghiêm trọng quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; kỷ luật lao động; phòng, chống tệ nạn mại dâm và các quy định khác của pháp luật liên quan đến công chức.
Luật sư Đặng Văn Cường cho biết, thời gian gần đây liên tục xảy ra những vụ việc hotgirl trong các cơ quan nhà nước được cán bộ, lãnh đạo cơ quan “nâng đỡ không trong sáng” gây bức xúc trong dư luận, bất bình đẳng trong công tác cán bộ và ảnh hưởng xấu đến uy tín của đảng và nhà nước về công tác cán bộ.
Bởi vậy, trong vụ việc này cũng cần làm rõ mối quan hệ giữa lãnh đạo ngân hàng này với vị nữ trưởng phòng. Nếu giữa hai người này có mối quan hệ không trong sáng, vi phạm vào đạo đức, lối sống thì cần có hình thức xử lý nghiêm khắc.
Nếu không phải trường hợp nâng đỡ không trong sáng do mối quan hệ thiếu lành mạnh giữa lãnh đạo và cán bộ, nhân viên trong cơ quan nhưng cũng là trường hợp "cả họ làm quan", có mối quan hệ họ hàng, thân thiết thì cũng cần có hình thức xử lý và cần có biện pháp để kiểm soát quyền lực, tránh trường hợp bè phái, bổ nhiệm, đề bạt trái quy định.
Ngoài việc bị kỷ luật theo quy định của Luật cán bộ công chức, Luật viên chức thì các cán bộ là đảng viên còn bị kỷ luật đảng theo quy định của điều lệ đảng Cộng sản Việt Nam.
“Trong trường hợp vụ việc có dấu hiệu của hành vi lạm dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, cố ý làm trái, thiếu trách nhiệm với hậu quả nghiêm trọng... mà đến mức độ phải bị xử lý hình sự, hành vi thỏa mãn các dấu hiệu cấu thành tội phạm thì phải chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để xem xét giải quyết theo quy định pháp luật”, luật sư Đặng Văn Cường nêu ý kiến.
Có thể truy cứu trách nhiệm hình sự việc ưu ái nữ trưởng phòng nếu…?
Luật sư Hoàng Tùng - Trưởng Văn phòng Luật sư Trung Hòa khi trao đổi với PV Kiến Thức cho rằng, việc tổ chức gửi nhân viên đi học các lớp cao cấp chính trị, học cao học nhằm nâng cao trình độ, kỹ năng nghiệp vụ là điều vô cùng cần thiết. Tuy nhiên, việc này cũng phải tuân theo đúng các thủ tục, quy trình, theo quyết định cụ thể của cơ quan, có sự phê duyệt của người có thẩm quyền, đảm bảo sự công bằng, công khai, minh bạch.
Đối với việc lãnh đạo NHNN chi nhánh Phú Yên ưu ái bất thường cho nữ trưởng phòng, cử đi học cao cấp chính trị khi chưa được cấp trên quy hoạch, lập khống hồ sơ để bà này và 1 cán bộ khác thi nâng ngạch chuyên viên là hành vi trái quy định của pháp luật.
Để có thể xác định chính xác, cụ thể hình thức và mức xử lý đối với trường hợp này thì cần căn cứ vào kết quả xác minh ban đầu của cơ quan điều tra, động cơ, mục đích của hành vi “ưu ái bất thường” này là gì, có hay không hành vi nhận hối lộ, lạm quyền của Lãnh đạo ngân hàng này hay không?
|
Luật sư Hoàng Tùng. |
Luật sư Hoàng Tùng cho rằng, căn cứ vào kết luận của Thanh tra xác định có việc ưu ái và lập hồ sơ khống của lãnh đạo ngân hàng thuộc hành vi bị xử lý kỉ luật đối với cán bộ, công chức.
Trường hợp có hành vi hối lộ hoặc lạm quyền của Lãnh đạo ngân hàng thì còn có thể bị xử lý hình sự về tội nhận hội lộ theo quy định tại Điều 354 Bộ luật hình sự năm 2015.
Luật sư Hoàng Tùng cho rằng, đảm bảo sự công bằng, công khai, minh bạch đối với các nhận viên trong có cơ quan, tổ chức, đặc biệt là các cơ quan nhà nước là điều rất cần thiết, cần được đảm bảo và nâng cao.
“Với vai trò là người lãnh đạo, việc lãnh đạo ngân hàng có hành vi ưu ái cho nhân viên khác cũng đã gây ảnh hưởng rất lớn tới sự công bằng, bình đẳng, làm mất đi lòng tin và sự tín nhiệm của nhân viên. Do đó, cần phải có những hình xử lý nghiêm khắc, hợp tình, hợp lý nhằm mang tính chất răn đe đối với các cán bộ, công chức trong việc nâng cao trách nhiệm của mình, tránh việc lạm quyền, chấn chỉnh tác phong làm việc nghiêm túc của đội ngũ cán bộ, công chức”, Luật sư Tùng cho biết.
Mời độc giả xem video Thăng tiến "thần tốc", nhiều cán bộ trẻ mắc sai phạm:
Tâm Đức