Ngày 15/5, Hội đồng thành viên Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Nhà Hà Nội (Handico) đã quyết nghị thống nhất kỷ luật cách chức Bí thư Đảng uỷ, Giám đốc Công ty Đầu tư Xây dựng số 2 Hà Nội đối với ông Nguyễn Văn Thanh. Ông Thanh bị kỷ luật do vi phạm quy định về phòng chống dịch bệnh COVID-19.
Handico nhận định, vi phạm của ông Nguyễn Văn Thanh - Giám đốc Hacinco là rất nghiêm trọng, gây ảnh hưởng lớn đến công tác phòng chống dịch của Thành phố và sức khoẻ cộng đồng, gây bức xúc trong dư luận xã hội, làm giảm uy tín và hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty.
Ông Nguyễn Văn Thanh bị kỷ luật cách chức Bí thư Đảng uỷ, Giám đốc Công ty Đầu tư Xây dựng số 2 Hà Nội. Dư luận đặt câu hỏi về trách nhiệm của Tổng công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội (Handico)?
|
Ông Nguyễn Văn Thanh. |
Cần xem xét trách nhiệm người đứng đầu Handico
Trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống, luật sư Mai Thảo, Phó giám đốc TAT Law firm khi nói về trách nhiệm của tập thể Tổng Công ty Đầu tư phát triển nhà Hà Nội (Handico) cho rằng, đối với tập thể Handico, cần xem xét trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác phòng chống dịch. Đối với những cá nhân có liên quan nếu biết rõ hành vi không khai báo và có hành vi bao che thì có thể bị xử lý theo qui định hiện hành.
Cùng với đó, luật sư Mai Thảo khi nói về trách nhiệm của chính quyền sở tại cho rằng, quy định pháp luật hiện hành về vai trò của chính quyền cơ sở trong phòng, chống dịch COVID-19 chính là các quy định liên quan đến phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm được thể hiện ở nhiều văn bản khác nhau, trong đó tập trung ở nhiều khía cạnh.
Trong đó có quy định về trách nhiệm cụ thể của quyền cơ sở gồm:
Chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng chống dịch; chỉ đạo, tổ chức thực hiện giám sát bệnh truyền nhiễm tại địa phương;
Tổ chức thực hiện việc bảo vệ, giữ gìn vệ sinh, tổ chức và thông qua Ban chỉ đạo chống dịch để thực hiện các biện pháp chống dịch và khắc phục hậu quả của dịch, thành lập đội chống dịch cơ động để trực tiếp thực hiện nhiệm vụ cấp cứu, điều trị và xử lý ổ dịch;
Tổ chức triển khai các biện pháp chống dịch khi phát hiện trường hợp mắc bệnh dịch hoặc nhận được khai báo bệnh dịch; bảo đảm các điều kiện để thực hiện các biện pháp chống dịch theo quy định.
Thẩm quyền của chính quyền cơ sở trong xử lý các hành vi vi phạm pháp luật quy định rõ trong Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế.
Theo đó, Chủ tịch UBND xã có thẩm quyền phạt cảnh cáo, phạt tiền đến 5.000.000 đồng đối với vi phạm hành chính về y tế dự phòng; tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt mức tiền phạt; áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả (buộc thực hiện biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, lây lan dịch bệnh).
Đối với chính quyền cơ sở ngoài việc tuyên truyền cần tích cực và chủ động trong công tác tiếp nhận thông tin từ người khai báo y tế cũng như chủ động liên hệ hỗ trợ kiểm tra xác minh các thông tin liên quan đến việc di chuyển của người nghi nhiễm.
Đối với những trường hợp có liên hệ với chính quyền y tế không thực hiện tích cực thái độ thờ ơ, người dân cần có sự phản hồi ngay với Ban chỉ đạo phòng chống COVID-19 và chủ động thực hiện các tiêu chuẩn 5K phòng chống dịch của Bộ y tế và tuyệt đối tuân thủ các bước phòng chống dịch bệnh thì công tác chống dịch mới đạt hiệu quả.
Chính phủ cũng đã đánh giá cao vai trò của chính quyền địa phương : “Thực hiện nghiêm phương châm “4 tại chỗ” đã phát huy được tính chủ động, trách nhiệm của cấp ủy và chính quyền địa phương, mang lại hiệu quả thiết thực. Hệ thống chính trị cơ sở và các lực lượng chức năng đã “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng, kịp thời xác định người có nguy cơ lây nhiễm và thực hiện cách ly phù hợp”.
Với việc sát dân, gần dân, chính quyền địa phương cần thực hiện tốt các quy định về phòng, chống COVID-19, tạo được sự đồng thuận cao trong Nhân dân, nâng cao hiệu quả phòng, chống dịch.
|
Luật sư Mai Thảo. |
Vi phạm đến mức cách chức phải cách chức
Luật sư Mai Thảo cho rằng, theo quy định tại Quyết định 102/QĐ-TW ngày 15/11/2017 qui định xử lý kỷluật Đảng viên vi phạm tại các khoản 4,5 có nêu nguyên tắc xử lý vi phạm đối với Đảng viên nêu rõ:
“Tất cả đảng viên đều bình đẳng trước kỷ luật của Đảng. Đảng viên ở bất cứ cương vị nào, nếu vi phạm kỷ luật của Đảng đều phải được xem xét, xử lý kỷ luật nghiêm minh, kịp thời”.
Việc thi hành kỷ luật đảng viên vi phạm phải thực hiện đúng phương hướng, phương châm, nguyên tắc, thủ tục và thẩm quyền theo quy định của Điều lệ Đảng, quy định, hướng dẫn của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và của Ủy ban Kiểm tra Trung ương.
Hình thức kỷ luật đối với đảng viên chính thức gồm: Khiển trách, cảnh cáo, cách chức, khai trừ. Đảng viên vi phạm đến mức khai trừ phải khai trừ, không áp dụng hình thức xóa tên; cấp ủy viên vi phạm đến mức cách chức phải cách chức, không cho thôi giữ chức; đảng viên dự bị vi phạm đến mức phải thi hành kỷ luật thì kỷ luật khiển trách hoặc cảnh cáo, không đủ tư cách thì xóa tên trong danh sách đảng viên.
Theo quy định: “Kỷ luật đảng không thay thế kỷ luật hành chính, kỷ luật đoàn thể và các hình thức xử lý của pháp luật. Đảng viên bị thi hành kỷ luật về Đảng thì cấp ủy quản lý đảng viên đó phải kịp thời chỉ đạo hoặc đề nghị ngay các tổ chức nhà nước, đoàn thể chính trị - xã hội có thẩm quyền, trong thời hạn 30 ngày làm việc, kể từ ngày công bố quyết định kỷ luật về Đảng, phải xem xét, xử lý kỷ luật về hành chính, đoàn thể (nếu có) theo quy định của cơ quan nhà nước và điều lệ của đoàn thể”.
Do đó, trong trường hợp này ông Thanh có dấu hiệu vi phạm pháp luât liên quan đến công tác phòng chống đại dịch, ngoài việc bị xử lý theo quy định của pháp luật còn có thể bị thi hành kỷ luật Đảng theo Điều lệ Đảng. Trong thời hạn quy định kể từ ngày nhận được thông báo, tổ chức đảng quản lý đảng viên phải xem xét, xử lý kỷ luật về Đảng.
Theo đó có thể căn cứ vào các tiêu chí quy trình rà soát Đảng viên vi phạm để xem xét xử lý như “Vi phạm các qui định của Đảng về thực hiện trách nhiệm nêu gương hoặc những điều Đảng viên không được làm… làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đảng và tổ chức đảng nơi sinh hoạt”.
Nói thêm về hành vi của ông Thanh, luật sư Mai Thảo cho rằng, thời gian gần đây, dịch bệnh COVID-19 bùng phát trở lại sau nỗ lực “Chống dịch như chống giặc” của Chính phủ, cơ quan ban ngành và toàn dân. Nguyên nhân là có một số cá nhân có hành vi không khai báo y tế hoặc khai báo y tế gian dối để trốn cách gây ảnh hưởng đến sức khỏe của nhiều người và thiệt hại lớn về kinh tế của Nhà nước.
Đối với các cá nhân làm lây lan dịch bệnh, hành vi của các cá nhân đó cần được điều tra làm rõ. Sau khi điều trị khỏi bệnh thì các cá nhân đó ngoài các chế tài về xử lý vi phạm hành chính, truy cứu trách nhiệm hình sự, còn có trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật đối với những người mà người này đã gây ra thiệt hại đến sức khỏe, tài sản, tính mạng của họ.
Thủ tướng Chính phủ đã công bố dịch COVID-19 là bệnh truyền nhiễm nhóm A (Quyết định số 447/QĐ-TTg ngày 01/4/2020). Trong đó, mức phạt với các hành vi không khai báo y tế, khai báo y tế gian dối được quy định tại khoản 3 Điều 7 Nghị định 117/2020/NĐ-CP như sau: “Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: Che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời hiện trạng bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A của bản thân hoặc của người khác mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A; Cố ý khai báo, thông tin sai sự thật về bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A; Cố ý làm lây lan tác nhân gây bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A”.
Theo quy định trên, nếu phát hiện bản thân hoặc người khác có triệu chứng mắc COVID-19 mà không kịp thời thời khai báo y tế hoặc khai báo y tế gian dối thì có thể bị phạt hành chính đến 20 triệu đồng.
Trong trường hợp có căn cứ cho thấy người có hành vi không khai báo y tế, khai báo y tế gian dối để trốn cách ly nhận thức được mình có thể nhiễm bệnh nhưng cố tình trốn tránh việc khai báo y tế, kiểm tra xử lý y tế dẫn đến việc gây bệnh cho người khác thì người đó còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người theo Điều 240 Bộ luật hình sự năm 2015. Cụ thể, tội danh và hình phạt được quy định như sau: Điều 240.
Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người. “Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người, sẽ bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm”.
>>> Mời độc giả xem thêm video 26 tỉnh thành phố đã có ca nhiễm COVID-19
Hải Ninh