Giám đốc công ty bảo vệ rút súng dọa bắn người: Có truy trách nhiệm hình sự?

Google News

(Kiến Thức) - Trường hợp kết quả điều tra cho thấy hành vi của ông Sướng là đe dọa giết người, khiến nạn nhân sợ hãi, ảnh hưởng đến tâm lý, sức khỏe thì vị giám đốc có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Đe dọa giết người, quy định tại Điều 133 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Công an TP Bắc Ninh (tỉnh Bắc Ninh), đang làm rõ vụ ông Nguyễn Văn Sướng (52 tuổi, Giám đốc Công ty TNHH dịch vụ bảo vệ Hàm Long, TP Bắc Ninh) có hành vi dùng súng bắn đạn cao su để đe dọa một tài xế xe tải.
Vào 10h ngày 5/9, tại Quốc lộ 18 thuộc địa phận Cầu Ngà, phường Vân Dương, TP Bắc Ninh, ông Nguyễn Văn Sướng điều khiển xe ô tô Fotuner BKS 99A – 306.30 có mâu thuẫn với một tài xế xe tải nên đã dùng súng bắn đạn cao su để đe dọa, sau khi được mọi người can ngăn thì lên xe rời đi.
Cảnh sát đã thu giữ khẩu súng là công cụ hỗ trợ cùng 2 viên đạn cao su và một viên đạn hơi cay của vị giám đốc này.
Giam doc cong ty bao ve rut sung doa ban nguoi: Co truy trach nhiem hinh su?
 Ông Nguyễn Văn Sướng tại cơ quan công an.
Trao đổi với PV Kiến Thức, luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, hành vi của ông Sướng thể hiện tính côn đồ, mạnh động. Cơ quan chức năng cần kiểm tra ông Sướng có được cấp phép sử dụng khẩu súng và nằm trong sự quản lý của Nhà nước hay không.
Trường hợp xác định là vũ khí trái phép, người này sẽ bị phạt 2-4 triệu đồng, khẩu súng cùng 3 viên đạn bị tịch thu theo điểm đ, khoản 3, Điều 10 Nghị định 167/2013 với hành vi sử dụng các loại vũ khí, công cụ hỗ trợ mà không có giấy phép. Ngoài ra, hình thức xử phạt bổ sung đối với hành vi này là buộc tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính (căn cứ điểm a khoản 8 Điều 10 Nghị định 167/2013/NĐ-CP).
Giam doc cong ty bao ve rut sung doa ban nguoi: Co truy trach nhiem hinh su?-Hinh-2
 Hình ảnh ghi lại vụ việc.
Trong trường hợp kết quả điều tra cho thấy hành vi của ông Sướng là đe dọa giết người, khiến nạn nhân sợ hãi, ảnh hưởng đến tâm lý, sức khỏe thì vị giám đốc có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Đe dọa giết người, quy định tại Điều 133 Bộ luật Hình sự năm 2015 với hình phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù giam từ 6 tháng đến 3 năm.
Đồng thời, công an cũng cần xác minh Giám đốc công ty bảo vệ này đã dùng súng đe dọa mấy người trên xe. Theo điểm a, khoản 2, Điều 133 Bộ luật Hình sự, quy định về tình tiết tăng nặng là đe dọa giết từ 2 người trở lên, người vi phạm sẽ bị phạt 2-7 năm tù giam.

Nguồn: Công an tỉnh Bắc Ninh.

Luật sư Cường cho rằng, hành vi của người đàn ông này, không những thể hiện tính chất côn đồ, manh động mà còn thể hiện văn hóa giao thông thấp kém. Chỉ vì không hài lòng về cách thức di chuyển của các phương tiện khác khi tham gia giao thông mà người đàn ông này sẵn sàng sử dụng vũ khí nóng để giải quyết tranh chấp. Vụ việc này xảy ra là hành vi của người lớn tuổi, có hiểu biết thì lại càng đáng trách và đáng phải xử lý bằng các chế tài của pháp luật.
Bởi vậy, trong vụ việc này cơ quan chức năng sẽ xác minh làm rõ và xử lý nghiêm của hành vi của người đàn ông này. Sai phạm đến đâu phải xử lý đến đó đồng thời tuyên truyền, răn đe phòng ngừa chung để tránh những trường hợp tương tự. Nếu ai cũng mua súng, dùng súng một cách tùy tiện như vậy, đi đâu cũng mang súng để đe dọa người khác thì xã hội sẽ đại loạn, sẽ ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội. Cần phải xem xét, làm rõ và xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật, nếu đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì cũng cần phải xem xét xử lý hình sự để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật.
Phó công an xã ở Nam Định nổ súng bắn đạn cao su khiến một thanh niên bị thương bị xử thế nào?
Phó Công an xã nổ súng bắn đạn cao su khiến một nam thanh niên bị thương được xác định là ông Vũ Anh Đức, Phó Công an xã Hoàng Nam (huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định).
Khoảng 20h ngày 4/9, tại tuyến đường trục thuộc địa phận đội 11, xã Hoàng Nam, ông Vũ Anh Đức trong quá trình đi kiểm tra tình hình an ninh trật tự trên địa bàn thấy một nhóm thanh niên tập trung ở khu vực đường trục xã nên đã dừng xe, yêu cầu nhóm này giải tán. Khi đó có hai thanh niên ra về, còn Ngô Thế Phòng (17 tuổi, trú tại xã Hoàng Nam) vẫn đứng lại. Giữa hai bên xảy ra lời qua tiếng lại nên ông Đức đã rút công cụ hỗ trợ là súng bắn đạn cao su ra để thị uy. Tuy nhiên, do súng cao su bị cướp cò, một viên đạn cao su sượt qua vai phải của Phòng dẫn đến bị thương phần mềm.
Trao đổi với PV Kiến Thức, luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, cơ quan chức năng cần làm rõ tình huống sử dụng súng của Phó Công an xã Hoàng Nam trong trường hợp này để xem xét trách nhiệm pháp lý.
Theo luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ có hiệu lực từ tháng 7/2018 quy định rõ các trường hợp người được trang bị súng quân dụng, công cụ hỗ trợ là súng bắn đạn cao su được phép nổ súng trong những trường hợp cụ thể để đảm bảo tính mạng, sức khỏe của người dân, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội, tránh việc lộng quyền, lạm quyền, sử dụng vũ khí cháy quy định.
“Nếu nhóm thanh niên đó tấn công lại lực lượng thi hành nhiệm vụ, ông phó công an xã này mới được phép nổ súng và thực hiện theo nguyên tắc là không còn biện pháp nào khác để ngăn chặn hành vi tấn công, đồng thời phải bắn chỉ thiên trước. Trong trường hợp không được phép nổ súng và cũng không bắn chỉ thiên thì việc sử dụng súng kia là trái phép” – luật sư Cường cho biết.
Theo luật sư Cường, ông Đức khai do súng cao su bị cướp cò. Do đó, vấn đề này các cơ quan chức năng sẽ làm rõ.
“Nếu là sử dụng vũ khí trái phép nhưng cố tình không thừa nhận hành vi, không thừa nhận sai phạm, trốn tránh trách nhiệm thì cần phải xử lý nghiêm minh, sẽ bị kỷ luật theo quy định của ngành và phải bồi thường toàn bộ thiệt hại đối với nạn nhân. Nếu hành vi được xác định là cố ý gây thương tích thì còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội gây thương tích cho người khác trong khi thi hành công vụ, cụ thể tội danh và hình phạt được bộ luật hình sự năm 2015 quy định tại điều 137 về Tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác trong khi thi hành công vụ” – luật sư Cường nêu ý kiến.
Trong trường hợp hành vi là “vô ý gây thương tích” do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính mà hậu quả nghiêm trọng thì cũng sẽ bị suy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại điều 139, Bộ luật hình sự năm 2015.
Vấn đề này cơ quan chức năng sẽ xác minh làm rõ nguyên nhân, động cơ, làm rõ yếu tố lỗi và hậu quả để có hình thức xử lý phù hợp với quy định của pháp luật.
 
Hải Ninh