Thảo luận về Luật Công an nhân dân (sửa đổi) sáng 14/6, đại biểu Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) khi góp ý về quy định vị trí chức vụ có cấp bậc hàm cấp tướng trong công an nhân dân đã nói rằng, có ý kiến băn khoăn thời bình sao nhiều tướng đến thế. Bởi thực tế, so với thời kỳ chống Pháp, chống Mỹ, bảo vệ biên giới thì những năm gần đây trong lực lượng vũ trang nói chung và công an nói riêng, cấp tướng tăng lên nhiều.
Đại biểu Nguyễn Tạo cho rằng, việc Giám đốc công an cấp tỉnh là thiếu tướng như Dự thảo Luật, nếu nhìn mặt bằng chung trong tương quan giữa công an và quân đội sẽ vênh nhau.
|
Đại biểu Nguyễn Tạo. Ảnh: Quochoi.vn. |
"Giám đốc Công an tỉnh hàm Thiếu tướng còn Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh lại Đại tá và cả hai ông cùng trong Thường vụ Tỉnh ủy. Nếu có chiến tranh thì Chỉ huy trưởng chỉ huy thống nhất, công an chỉ tham gia phối hợp nhưng Giám đốc Công an là Tướng trong khi Chỉ huy trưởng chỉ đại tá dẫn đến người cấp hàm thấp chỉ huy người có cấp hàm cao thì nghe chừng chưa phù hợp. Nếu Giám đốc công an có hàm cao nhất là tướng thì vấn đề đặt ra là phải sửa luật Sĩ quan quân đội để nâng hàm lên tướng cho tương ứng. Nếu sửa luật và phong hàm tướng nhiều hơn thì tôi e rằng dư luận và cử tri không đồng tình”, đại biểu Nguyễn Tạo nhấn mạnh.
Tuy nhiên, đại biểu Trần Văn Lâm khi tranh luận cho rằng, nếu đặt vấn đề về việc nên hay không nên nâng hàm trần cấp hàm và tương đồng hay không tương đồng giữa công an với quân sự là chưa thực sự thuyết phục.
“Cấp hàm của lực lượng công an hay quân sự thể hiện năng lực, trình độ, phẩm chất của người công an và sĩ quan quân đội. Người nào xứng đáng trình độ là tướng thì khi có nhu cầu sẽ phong tướng, trình độ xứng đáng cấp tá thì phong tá. Còn giám đốc hay Thứ trưởng là chức vụ và do cơ quan quản lý cán bộ phân công. Không cứng nhắc chỗ này nhất thiết phải tướng, chỗ kia nhât quyết phải tá”, đại biểu Lâm nói.
Đại biểu Lâm đề nghị Quốc hội quy định số lượng cấp tướng và chức danh có cấp tướng. Phân công người đó vào việc nào là tuỳ thuộc vị trí công việc theo đánh giá của cơ quan sử dụng cán bộ.
Giám đốc Công an Hà Nội, TP HCM chỉ nên hàm Thiếu tướng
Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng, ban soạn thảo cân nhắc nên giữ hàm cấp Đại tá đối với Giám đốc Công an tỉnh với lý do để tương xứng với Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh. Còn Giám đốc Công an TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh chỉ là Thiếu tướng, cấp phó của 2 đơn vị này chỉ ở hàm Đại tá để tương thích với Giám đốc Công an các tỉnh, thành khác.
Đại biểu Hòa đề xuất với các chức vụ Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Công an Trung ương có cấp hàm Thiếu tướng hay Trung tướng nên quy định thẳng vào Luật, không nên ghi như dự thảo do cấp có thẩm quyền quyết định.
|
Đại biểu Phạm Văn Hòa. Ảnh:Quochoi.vn |
Đại biểu Phạm Văn Hòa cũng cho rằng, nên quy định trần, hàm với các chức vụ như Thứ trưởng Bộ Công an cấp hàm thấp nhất là Trung tướng, Giám đốc Công an tỉnh là Đại tá. Nếu người được bổ nhiệm vào chức vụ này có cấp, hàm thấp hơn được thăng hàm trước niên hạn để tương xứng với chức vụ đang giữ. Như vậy sẽ khắc phục được trường hợp cấp trên thấp hơn cấp hàm với cấp dưới.
Đề nghị bổ sung quy định Chủ tịch nước giáng, tước quân hàm cấp tướng
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) tán thành với cấp hàm, quy định khoảng giãn về độ tuổi và điểm chốt tuổi phong hàm cấp tướng.
Đại biểu Nhưỡng đề nghị cân nhắc việc gắn cấp hàm với chức vụ để hạn chế và có thể bãi bỏ trường hợp phong quân hàm không gắn liền với chức vụ, dẫn tới việc "đến hẹn lại lên".
"Thông thường cấp hàm gắn với vấn đề tiền lương nhưng tôi đề nghị tiền lương phải đi với tiền lương còn cấp hàm gắn với chức vụ chỉ huy. Tôi đã chứng kiến ở Hà Nội, đội trưởng mang cấp hàm Đại úy nhưng cấp dưới có mấy người trung tá, thiếu tá nên anh em rất tâm tư", đai biểu Nhưỡng nêu.
Đối với việc phong hàm cấp tướng, đại biểu Nhưỡng cho rằng, phải đảm bảo tuân thủ các thông báo của Bộ Chính trị. Đồng thời cho rằng, dự luật cần bổ sung quy định về việc giáng, tước hàm cấp tướng của Chủ tịch nước để phù hợp với khoản 1 điều 28 dự thảo Luật. Khoản 1 điều 28 quy định: Thủ tướng Chính phủ là người trình Chủ tịch nước để thăng, phong, giáng, tước cấp bậc hàm cấp tướng, nhưng ở điều trước đó lại không có quy định cụ thể việc Chủ tịch nước giáng, tước cấp bậc hàm cấp tướng, như vậy có điều sau nhưng không có điều trước.
Hải Ninh