Giảm áp lực sổ sách giáo viên, trên bảo dưới có nghe?

Google News

Bên cạnh nhiều ý kiến vui mừng vẫn còn nhiều ý kiến băn khoăn về tính khả thi, bởi điều quan trọng dưới cơ sở có thực hiện hay không là do vai trò của hiệu trưởng.
 

Lâu nay, sổ sách của giáo viên vẫn thường được gọi là những “việc không tên” chiếm mất nhiều thời gian.
Trên diễn đàn Chúng tôi là giáo viên, tài khoản Văn Giang đã kiệt kê ra các loại sổ mà giáo viên đang phải gánh hiện nay như: giáo án, sổ điểm, sổ kế hoạch giảng dạy, sổ đầu bài, sổ dự giờ (1 năm đủ 18 tiết), sổ hội họp, sổ chủ nhiệm, sổ mượn đồ dùng dạy học, sổ đăng ký mượn đồ dùng dạy học, và sổ học bồi dưỡng thường xuyên...
Giam ap luc so sach giao vien, tren bao duoi co nghe?
Cách đây 4 năm Bộ GD-ĐT đã có quy định rõ về sổ sách của giáo viên, tuy nhiên trên thực tế giáo viên vẫn bị "ngập" trong sổ sách
Còn cách đây 4 năm Bộ GD-ĐT cũng có công văn số 68 về việc chấn chỉnh việc lạm dụng hồ sơ, sổ sách trong nhà trường.
Công văn quy định rõ giáo viên chỉ phải làm 4 loại sổ sách như: Giáo án (có thể kết hợp soạn nhiều môn trong một cuốn); Sổ ghi kế hoạch giảng dạy và ghi chép sinh hoạt chuyên môn, dự giờ, thăm lớp; Sổ điểm cá nhân (không yêu cầu đối với giáo viên Tiểu học); Sổ chủ nhiệm (đối với giáo viên làm công tác chủ nhiệm lớp).
Cô giáo Trần Thị Hồng, giáo viên ở quận 9, TP.HCM cho rằng, hiện nay giáo viên đang "gánh" qúa nhiều sổ sách, vì vậy Chỉ thị không đặt thêm sổ sách cho giáo viên là một tín hiệu vui. Tuy nhiên, vẫn chưa giải quyết tận gốc vấn đề. Theo cô Hồng, chưa giải quyết được tận gốc vấn đề là do Chỉ thị yêu cầu không đặt thêm sổ sách chứ không phải là cắt giảm những sổ sách mà giáo viên đang phải "gánh".
Trong khi đó, cô Phạm Thúy Hà, nguyên hiệu trưởng Trưởng tiểu học Nguyễn Văn Trỗi, quận 4, TP.HCM, bộc bạch cô rất tán thành việc làm này của Bộ GD-ĐT. Theo cô Hà, để có một tiết dạy tốt giáo viên đã phải đầu tư rất nhiều thứ, chiếm nhiều thời gian. Do vậy, nếu bớt được công việc giấy tờ giáo viên sẽ có thêm thời gian để tập trung giảng dạy.
Cô Hà cho rằng, giáo viên chỉ cần giữ những sổ sách theo đúng lịch như lên lớp thì có giáo án còn những sổ sách không cần thiết thì cũng nên cắt giảm. Ngoài ra hiện nay sổ kế hoạch của giáo viên đã tích hợp, nên không cần tăng thêm sổ chi tiết nữa. Việc có nhiều sổ sách chỉ làm giáo viên mất thời gian mà thôi.
Trong khi đó cô Trần Phương Thảo, giáo viên THPT ở Nghệ An, cho rằng việc giáo viên “ngập” trong sổ sách đã diễn ra từ lâu. Gần đây, nhà trường đã tạo điều kiện cho “tích hợp” nhiều sổ nên phần nào giảm tải những sổ sách không cần thiết. Tuy nhiên khi thực hiện sổ sách điện tử và tích hợp lại xảy ra tình trạng sao chép của nhau dẫn tới mất ý. Vì vậy việc không đặt ra sổ sách và cắt giảm là điều nên làm để giáo viên tập trung giảng dạy, tránh hình thức, sổ sách cho đủ.
Trên diễn đàn Chúng tôi là giáo viên, vấn đề cắt giảm sổ sách cho giáo viên nhận được nhiều ý kiến ủng hộ. Một nhà giáo có tài khoản Cuộc sống xanh đưa ra quan điểm: “Thiết nghĩ giáo viên chỉ cần 2 sổ, 1 là giáo án 2 là sổ điểm. Quan trọng là học sinh học được kiến thức, chứ sổ sách bày đặt lại chép chép, ghi lại của nhau được gì. Nên để thời gian chép sổ cho để nghiên cứu bài vở”.
Media player poster frame
Còn cô giáo mầm non có tên Phạm Bảo Ngọc, cho rằng ở bậc mầm non chỉ cần giảm sổ chấm ăn, sổ đón trả trẻ, sổ điểm danh gộp vào thành 1 loại sổ, nên cắt sổ tích luỹ và bồi dưỡng hiện nay. Theo cô giáo này cũng phải xem việc thực hiện ở các trường như thế nào, tránh tình trạng trên dưới không đồng nhất.
Tuy nhiên, bên cạnh nhiều ý kiến vui mừng vẫn còn nhiều ý kiến băn khoăn về tính khả thi, bởi điều quan trọng dưới cơ sở có thực hiện hay không là do vai trò của hiệu trưởng
Nhà giáo có tài khoản Tuyết Trần thì cho rằng: “Bộ đã có Chỉ thị bằng văn bản yêu cầu các địa phương tuyệt đối không được đặt thêm các loại sổ sách cho giáo viên. Có nghĩa Bộ cấm không được đặt thêm thôi, chứ không có bỏ bớt, do vậy giáo viên vẫn cứ như cũ mà thực hiện”.
Hiệu trưởng một trường tiểu học ở TP.HCM cho hay cách đây 4 năm Bộ GD-ĐT đã có công văn chấn chỉnh việc lạm dụng hồ sơ, sổ sách trong nhà trường. Trên thực tế các trường hiện nay đã áp dụng điều này. Tuy nhiên hiệu trưởng này cho rằng Chỉ thị lần này sẽ tiếp tục là động lực cho giáo viên cắt giảm những việc “không tên” để tập trung giảng dạy.
Còn thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du, TP.HCM, cho rằng chỉ đạo của Bộ GD-ĐT sẽ làm giáo viên vui hơn, tuy nhiên bản thân ông hơi băn khoăn, ở địa phương có áp dụng triệt để chỉ đạo này hay không vì hiện tại mỗi giáo viên có quá nhiều loại hồ sơ. Theo thầy Phú cái mà ngành giáo dục hiện nay đang tụt hậu là vì còn hồ sơ bắt viết tay. Trong thời đại mà mọi ngành đều gắn liền cuộc cách mạng 4.0 thì điều này thật thương cho giáo viên. Thầy Phú đề xuất, Bộ nên lập 1 kênh phản hồi của giáo viên các trường để kịp thời chấn chỉnh. Đơn vị, trường học nào không thực hiện nên có chế tài xử lý cụ thể.
Theo Lê Huyền/Vietnamnet