Không dám hỏi “con làm bài thế nào” vì sợ tạo áp lực cho con
Ngày 8/7, gần 1 triệu thí sinh sẽ tiếp tục bước vào ngày thi tốt nghiệp THPT năm 2021 với bài thi Khoa học Tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học) hoặc Khoa học Xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân) vào buổi sáng và môn Ngoại ngữ vào chiều cùng ngày. Trước đó, ngày 7/7, các thí sinh đã hoàn thành thi hai môn Ngữ văn và Toán.
Những ngày này, không chỉ các thí sinh chịu áp lực lớn từ thi cử mà chính các bậc phụ huynh cũng đứng ngồi không yên. Nhiều phụ huynh không chỉ lo lắng đến kết quả thi của con mà còn băn khoăn: Liệu sự quan tâm, hỏi han về bài thi của con có vô tình tạo áp lực cho con, có làm ảnh hưởng đến việc thi của con ở các môn tiếp theo? Làm sao để quan tâm, chăm sóc, động viên con không tạo ra những áp lực?
|
Gần một triệu thí sinh đang bước vào kỳ thi Tốt nghiệp THPT năm 2021 với nhiều áp lực. Ảnh: GD&TĐ |
Chị Hoàng Thị Mai (Hà Nội) cho biết: "Bố mẹ quan tâm con là tốt nhưng cần đúng thời điểm. Khi con đã bước vào kỳ thi thì đừng hỏi 'con làm bài thế nào'?, vì lúc đó kết quả có ra sao thì cũng không thể thay đổi được. Vô tình, việc bố mẹ hỏi han, quan tâm sẽ tạo thêm áp lực cho con trẻ."
Theo chị Mai, việc quan tâm, động viên nên trước thời điểm thi. Khi đó phụ huynh nên sát sao với việc học hành, ôn thi của con. Kịp thời động viên con, đồng hành cùng con trong quá trình học tập.
Có con cũng đang dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, chị Mai chia sẻ: "Gần đến ngày thi, vợ chồng tôi khuyên con nên thư giãn, nghỉ ngơi để có tinh thần tốt nhất bước vào thi cử. Hôm qua, khi con thi xong ngày đầu tiên, gia đình thống nhất sẽ không hỏi con về kết quả thi vì sợ tạo áp lực cho cháu. Dù làm được bài hay không thì cháu cũng đã thi xong, không thể thay đổi được kết quả, thay vì hỏi sâu về thi cử thì cha mẹ nên tạo không khí vui tươi, con sẽ thoải mái tâm lý hơn cho môn thi tiếp theo và cả thời gian hậu thi cử."
Chị N.T.T, một phụ huynh có con thi tốt nghiệp THPT năm nay cho biết, khi con bước vào kỳ thi này, là bậc cha mẹ ai cũng kỳ vọng con hoàn thành tốt bài thi, được điểm cao để có thể vào được những trường đại học như ý muốn. Bởi đây không chỉ là thành quả của 18 năm nuôi con ăn học mà còn là sự kỳ vọng vào sự tốt đẹp của tương lai con cái. Đó là tâm trạng chung của nhiều bậc phụ huynh khi đồng hành cùng con trong kỳ thi quan trọng này.
Tuy nhiên, điều chị T. lo lắng, sự quan tâm, hỏi han con làm bài thi có vô tình tạo áp lực lên con cái, ảnh hưởng đến những môn thi tiếp theo và khiến con cái có suy nghĩ tiêu cực nếu kết quả thi không thực sự tốt như mong đợi.
Chị T.A.D., một phụ huynh khác cho biết, khi con chị thi xong các môn thi đầu tiên, chị chỉ nhìn thái độ của con khi bước ra đến cổng trường để đoán xem con có làm bài tốt hay không chứ không dám hỏi “Con làm bài thế nào?” vì sợ gây áp lực. Hai môn đầu tiên là Ngữ Văn và Toán dù mẹ không hỏi nhưng con chị D. khoe làm bài tốt và có thể đạt điểm cao khiến người mẹ rất phấn khởi.
Theo chị D. nếu con không làm bài thi tốt, kết quả không cao thì chị cũng sẽ không trách móc con mà sẽ động viên con lựa chọn trường phù hợp để con chị không có sự thất vọng vào bản thân dẫn đến suy sụp tinh thần và suy nghĩ hành động tiêu cực với cuộc sống.
Hãy để học sinh lựa chọn nghề nghiệp theo năng lực, theo sở trường
Trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống, PGS.TS. Lâm Bá Nam, Chủ tịch Hội Dân tộc học và Nhân học Việt Nam – người có 46 năm làm công tác giáo dục cho rằng, trong quá trình thi và khi đón nhận kết quả thi, tâm trạng của các thí sinh thường phải chịu áp lực từ cha mẹ rất lớn. Điều này đã xảy ra ở Việt Nam vài, ba thập kỷ qua.
“Ở đây liên quan đến quan niệm về nghề nghiệp, về định hướng tương lai của lớp trẻ như thế nào. Cha mẹ bao giờ cũng cho rằng, con mình bao giờ cũng là siêu sao, thần đồng và kỳ vọng của cha mẹ trở thành áp lực cho con cái trong việc học tập. Nguyên nhân do liên quan đến cách nhìn về giáo dục của xã hội chúng ta nữa, từ giáo dục gia đình cho đến xã hội. Tạo nên những khó khăn, áp lực với thế hệ trẻ khi đi thi cử”- ông Nam nói.
Dẫn ví dụ thực tế, từ lớp 1 trở đi, học sinh đã phải chịu áp lực học tập, PGS.TS. Lâm Bá Nam cho rằng, có lẽ do cách nhìn về mặt giáo dục và bệnh thành tích trong giáo dục ăn sâu vào từng gia đình, tạo áp lực ghê gớm đối với con trẻ.
“Tôi đã có 46 năm làm công tác giáo dục và cũng từng làm phụ huynh một thời, nhưng tôi không bao giờ tạo ra áp lực đối với con trẻ trong việc học hành. Không tạo áp lực cho con trẻ phải vào 'top' nọ, 'top' kia, cấp này cấp kia. Bởi những cái đó còn phụ thuộc vào con trẻ, phụ thuộc vào khả năng, vào đam mê của chính bản thân con trẻ để lựa chọn con đường của nó” – chuyên gia Lâm Bá Nam.
Theo ông Lâm Bá Nam, có lẽ ở Việt Nam, do tư duy sính bằng cấp nên người ta cứ bắt con cái dứt khoát phải thi đỗ vào đại học. Tuy nhiên, con đường lập nghiệp của thế hệ trẻ như ngày hôm nay không phải nhất thiết như vậy.
“Vấn đề là phải giáo dục cho con trẻ, học hành để hướng tới phục vụ về mặt xã hội nhưng muốn đạt được điều đó, trước hết phải phục vụ cho chính bản thân mình đã. Học hành, làm tốt điều mà mình gắn bó, mình đam mê sẽ góp phần phụng sự xã hội, góp phần vào sự phát triển chung của một gia tộc, một quốc gia. Định hướng về giáo dục phải theo hướng đó chứ không phải ép buộc con trẻ dứt khoát phải trở thành cái này, cái kia, sẽ tạo ra áp lực cho chính con trẻ. Tôi vẫn hay nói hài hước rằng “Ở Việt Nam mọi ông bố, bà mẹ thường hay coi con mình là thần đồng”- PGS.TS. Lâm Bá Nam nói.
|
PGS.TS. Lâm Bá Nam, Chủ tịch Hội Dân tộc học và Nhân học Việt Nam. |
PGS.TS. Lâm Bá Nam cho rằng, thực ra sự kỳ vọng của cha mẹ vào con cái cũng có thể hiểu được, khát vọng ấy cũng có thể chia sẻ được. Khát vọng đó không có gì đáng phê phán nhưng các bậc cha mẹ phải đánh giá đúng khả năng, điều kiện của con cái mình.
“Con cái giỏi về âm nhạc mà cứ bắt đi học Toán là không nên. Hãy xem xét phát huy sở trường của con, kích thích sự phát triển tư duy, các lĩnh vực mà con cái ưa thích. Đó mới là điều chính, là quan trọng”- ông Nam nói.
Nói về chuyện sính bằng cấp, dứt khoát phải vào Đại học của một bộ phận phụ huynh, ông Nam cho rằng đã diễn ra cách đây 1/4 thế kỷ. Ông Nam cho biết, ông đã chứng kiến các cuộc thi Đại học từ những năm 1980 trở lại đây, tức là đã hơn 40 năm nay và đều khủng khiếp lắm.
“Các cháu bị sức ép đè nặng lên vai, đè nặng tâm lý, buộc phải ứng phó với cha mẹ, người thân. Sức ép đó là rất khoát thi phải đỗ, phải đạt mục đích này, mục đích kia”, ông Nam nói và cho rằng cần phải mở một diễn đàn về vấn đề này và làm rõ định hướng nghề nghiệp đối với sự phát triển năng lực của từng cá nhân như thế nào.
“Bài toán này có lẽ còn dài hơi và cần nghiên cứu thấu đáo hơn nữa. Những nghiên cứu này phải gắn liền với những chính sách đi kèm với nó như thế nào. Ta cần phải có hệ thống chính sách mà quán triệt tư tưởng rằng, ai cũng có khả năng đóng góp về mặt xã hội, lựa chọn về mặt nghề nghiệp theo năng lực, theo sở trường gắn với trách nhiệm của con người với đời sống xã hội”- PGS.TS. Lâm Bá Nam nêu ý kiến.
>>> Mời độc giả xem thêm video Sẵn sàng vừa thi vừa chống dịch:
Hải Ninh