Cảnh báo cả cư dân mạng
Phân tích cụ thể hơn về việc này, tiến sĩ Đoàn Văn Báu - Chuyên gia tâm lý tội phạm cho rằng, tâm lý của phạm nhân đang chấp hành án phạt tù đều cảm thấy vô cùng gò bó, luôn mong muốn được tự do, muốn được đoàn tụ với gia đình nên sẽ dẫn đến hai xu hướng điển hình.
|
Đối tượng Triệu Quân Sự bị bắt giữ sau khi trốn
|
Thứ nhất, sẽ có những phạm nhân chấp hành và cải tạo tốt để sớm được giảm án, đây là điều dễ thấy ở những người phạm tội có án phạt tù thấp, thường là vài năm.
Đối với Triệu Quân Sự nằm trong xu hướng thứ hai, phạm nhân này mang án chung thân nên thường rơi vào trạng thái tâm lý bất cần do việc giảm án rất khó khăn. Bản thân Sự lại có những kỹ năng rất đặc biệt khiến việc trốn trại thành công.
Về ý kiến cho rằng Triệu Quân Sự trốn trại vì mê game, theo TS. Báu, có lẽ trong game điều gây hứng thú nhất với người chơi là chinh phục được từng cấp độ. Do đó, có thể Sự coi việc trốn trại là một trò chơi và ngày một khó hơn, nếu càng vượt qua được cấp độ cao thì sự hứng thú lại tăng lên.
“Nếu lần đầu tiên Sự trốn trại thành công thì sẽ có lần thứ hai, thứ ba… khi có cơ hội. Điều này cũng cho thấy, chơi game không phải mục đích chính mà việc trốn trại ở đây là phạm nhân này muốn vượt qua thử thách, được nổi tiếng, khao khát tự do và khẳng định bản thân” - TS. Báu phân tích.
Một yếu tố khác cũng thôi thúc Sự trốn trại là sau khi bị bắt, trong trại giam vẫn có thể tiếp cận được các thông tin trên mạng hay các tù nhân, quản giáo nói về câu chuyện trốn trại của đối tượng nên vô tình đã tăng thêm kích thích đối với phạm nhân này.
Cùng với đó, khi bỏ trốn, có rất nhiều lực lượng truy bắt và truyền thông đăng tải thông tin, đặc biệt là sự phát triển của mạng xã hội như hiện nay thì “cư dân mạng” lại ca ngợi đối tượng còn hơn cả phim “Vượt ngục” (phim Mỹ - PV).
TS. Báu khuyến cáo, nếu xảy ra vụ việc tương tự cần đưa thông tin một cách có chừng mực, tránh cổ súy cho hành vi của những đối tượng đang chấp hành án phạt tù hoặc những người trẻ có hoạt động phạm pháp.
Đối diện mức án nào?
Mặc dù đang mang án phạt tù chung thân nhưng Triệu Quân Sự vẫn liên tiếp trốn trại ra ngoài liệu có bị tăng mức án phạt.
Theo luật sư Hoàng Ngọc Biên (nguyên Điều tra viên cao cấp Bộ Quốc phòng) đánh giá, Sự là đối tượng phạm tội đặc biệt nghiêm trọng đang chấp hành mức án tù chung thân, thuộc nhóm tội phạm có tâm lý bất cần.
“Đây không phải là lần đầu tiên Sự bỏ trốn khỏi trại giam đã thể hiện sự thách thức các cơ quan pháp luật trong quá trình quản lý giam giữ. Do đó, cán bộ điều tra cần phải làm rõ mục đích trốn trại của phạm nhân này là gì và tại sao lại không chịu cải tạo” - luật sư Biên nói.
Còn tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn luật sư TP Hà Nội) nhận định, hành vi của Triệu Quân Sự sẽ bị truy cứu về tội “Trốn khỏi nơi giam, giữ” với mức hình phạt có thể từ 3 năm tù tới 10 năm tù nếu phạm tội có tổ chức hoặc dùng vũ lực với người canh gác, áp giải.
Ngoài ra, cơ quan chức năng cũng sẽ xem xét trách nhiệm của những cá nhân, tập thể để xảy ra sự việc và có thể xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự nếu gây hậu quả nghiêm trọng.
“Có lẽ Sự trốn trại cũng xuất phát từ nhận thức về quy định pháp luật liên quan đến tổng hợp hình phạt. Bởi phạm nhân này đang chấp hành án chung thân nên khi tổng hợp hình phạt sẽ không thay đổi. Cần lưu ý là việc phạm nhân không chịu cải tạo, coi thường pháp luật sẽ rất khó được xem xét đặc xá hay giảm án” - luật sư Cường nêu quan điểm.
Khoảng 19h ngày 31/5, các đơn vị trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa nhận được thông tin Triệu Quân Sự (SN 1991, quê Thái Nguyên) đã bỏ trốn khỏi trại giam ở huyện Thạch Thành, khi đang chấp hành án phạt tù chung thân. Chiều 1/6, Sự bị bắt ở xã Yên Dương (Hà Trung, Thanh Hóa). Trước đó, cuối năm 2015 và giữa năm 2020, Sự hai lần trốn trại giam ở Quảng Ngãi và đều bị bắt ở quán internet.
Theo Thanh Hà/Tiền phong