Sự việc xảy ra vào chiều 6/4, Đinh Văn Máy mua xăng đem đến tưới quanh khu vực phòng khám, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ngãi rồi châm lửa đốt. Rất may, đám cháy được dập tắt kịp thời, không gây thiệt hại về người. Một số thiết bị máy móc, bàn ghế bị hư hỏng do đối tượng đập phá. Ngay sau đó, lực lượng Cảnh sát 113, Công an tỉnh Quảng Ngãi kịp thời khống chế, bắt giữ đối tượng.
|
Đối tượng đốt Bệnh viện Quảng Ngãi bị lực lượng chức năng khống chế (ảnh VOV) |
Theo thông tin ban đầu, Đinh Văn Máy, 35 tuổi, trú xã Sơn Kỳ, huyện Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi có tiền sử bệnh tâm thần, cha mẹ đã mất, bản thân đã chia tay vợ. Đối tượng từng có 7 tiền án, tiền sự về tội trộm cắp và sử dụng trái phép ma tuý. Gần đây, đối tượng này sống lang thang gần bệnh viện, hay quậy phá, trộm cắp vặt.
Bác sĩ Huỳnh Giới, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ngãi cho biết: "Khi xảy ra sự việc, lực lượng công an đang bảo vệ phòng cách ly Covid-19 tại bệnh viện kịp thời ứng cứu. Đối tượng bị nhiễm viêm gan B, viêm gan C, không nhiễm HIV. Đối tượng cào xước một số đồng chí công an. Họ phải đi xét nghiệm, chích ngừa".
Với hành vi trên, đối tượng Đinh Văn Máy liệu có bị xử lý hình sự?
Trao đổi với PV Kiến Thức, luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, liên quan vụ việc đối tượng có biểu hiện hoặc xác nhận là người bị bệnh tâm thần phạm tội thì cần xác minh làm rõ giấy chứng nhận tâm thần.
Luật sư Cường phân tích, thực tế, bệnh tâm thần thể hiện ở rất nhiều dạng khác nhau, mức độ tác động ảnh hưởng đến vấn đề nhận thức, điều khiển hành vi của bệnh nhân cũng rất khác nhau. Bởi vậy, với những bệnh tâm thần mà có thể làm mất hoặc hạn chế khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi thì mới có ý nghĩa đối với việc xem xét trách nhiệm pháp lý.
Nếu người nào mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác làm mất khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi. Việc thực hiện các hành vi của họ là vô thức, không có sự điều khiển của lí trí thì họ không phải chịu trách nhiệm pháp lý nhưng nếu gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì sẽ bị áp dụng biện pháp hành chính là bắt buộc chữa bệnh.
Đối với những người bị mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác làm hạn chế khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi thì họ vẫn phải chịu trách nhiệm pháp lý đối với hành vi vi phạm pháp luật mà họ gây ra.
Tuy nhiên, khi xem xét quyết định mức phạt, hình phạt, cơ quan chức năng sẽ áp dụng một mức phù hợp bởi yếu tố bệnh lý. Việc hạn chế khả năng nhận thức do yếu tố bệnh lý được coi là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm pháp lý.
|
Luật sư Trần Văn Cường |
Bởi vậy, cơ quan chức năng cần làm rõ giấy chứng nhận tâm thần đối với đối tượng Đinh Văn Máy, nội dung của giấy chứng nhận tâm thần này thể hiện như thế nào, người đàn ông này có mất khả năng nhận thức hay không.
Thời gian gần đây cơ quan chức năng liên tục phát hiện các trường hợp làm giả giấy chứng nhận tâm thần, bởi vậy trường hợp này cũng có thể xảy ra, cơ quan chức năng cần xác minh làm rõ về quá trình điều trị cũng như cấp giấy chứng nhận tâm thần đối với người đàn ông này để có cơ sở xem xét trách nhiệm pháp lý theo quy định pháp luật.
“Nếu kết quả giám định Đinh Văn Máy thực hiện hành vi phạm tội trong tình trạng đang mắc bệnh tâm thần dẫn đến làm mất khả năng nhận thức và điều kiển hành vi thì sẽ không phải chịu trách nhiệm hình sự.
Trường hợp, đối tượng này không rối loạn tâm thần mà hành vi phạm tội phát sinh do sử dụng chất kích thích mạnh (ma túy đá), hay tư thù cá nhân... thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 13 Bộ luật hình sự hiện hành”, luật sư Trần Văn Cường cho hay.
>>> Xem thêm video: "Nghẹt thở" tước hung khí thanh niên ngáo đá
Xuân Diệp