Chiêu trò thao túng tâm lý tinh vi
Anh Dương Minh Tuấn – một bác sĩ ở Hà Nội vừa chia sẻ lên trang cá nhân có hơn 68.000 người theo dõi câu chuyện bị lừa 360 triệu đồng khi vay tiền qua app. Anh Tuấn mong từ câu chuyện này, nhiều người sẽ rút ra bài học, khi tội phạm công nghệ lừa đảo ngày càng tinh vi.
Do đang có việc cần tiền, ngại mượn người thân, đi vay ngân hàng mất thời gian thẩm định, anh Tuấn đã tìm đến app vay tiền. Đặt niềm tin vào công ty tài chính S.H khi cho vay không mất thời gian thẩm định, lãi thấp, giải ngân nhanh, anh Tuấn đã đăng ký.
|
Ảnh minh họa. |
Khi khoản vay được phê duyệt, bấm nút tải từ ví điện tử của công ty này về tài khoản nhưng bị lỗi, anh Tuấn đã liên hệ người có nick Facebook Trần Thông Dũng (bộ phận chăm sóc khách hàng) và người này cho biết, anh nhập sai số tài khoản.
Dũng gọi điện nói để sửa thông tin, phải nộp 20 triệu phí ủy quyền, số tiền này sẽ được giải ngân cùng khoản kia và gửi văn bản đóng dấu đỏ online. Không nghi ngờ, anh Dũng chuyển 20 triệu theo nội dung Dũng gửi sẵn. Tuy nhiên, Dũng tiếp tục gọi lại báo chuyển tiền nhưng nội dung bị thừa, dù theo anh Tuấn, đã sao chép nội dung chuyển tiền như nhân viên chăm sóc khách hàng.
Dũng yêu cầu chuyển thêm 40 triệu để sửa lại thông tin, số tiền này sẽ được hoàn đầy đủ khi giải ngân và đưa điện thoại cho một người bên phòng ủy quyền, người này mắng anh Dũng vì không làm đúng hướng dẫn. Anh Tuấn cho biết, bản thân gần như bị thao túng hoàn toàn.
Khi tiền đã về ví điện tử đầy đủ cả khoản vay và 60 triệu uỷ quyền, anh yên tâm nhấn vào nút “Rút tiền vào tài khoản liên kết” nhưng lại được thông báo bị vi phạm hợp đồng. Dũng lại gọi điện la mắng anh rút tiền sai cách. Người đàn ông tên Luật – cùng công ty S.H. với Dũng cũng gọi điện mắng và yêu cầu anh Tuấn chuyển thêm 100 triệu để bảo lãnh giải quyết vấn đề thuế, liên quan đến ngân hàng. Anh Tuấn lo sợ nhưng vẫn mượn thêm 100 triệu với hi vọng sẽ được hoàn lại toàn bộ tiền vay và 160 triệu.
Chưa dừng lại, khi anh Tuấn thực hiện sai cú pháp, Dũng và Luật liên tục gọi điện với hối thúc anh chuyển thêm 2 lần giao dịch với tổng số tiền là 200 triệu đồng. Tổng cộng, anh chuyển liên tiếp 5 lần cho nhân viên công ty S.H cùng một số tài khoản cá nhân là 360 triệu đồng. Chỉ khi một người tự xưng là trưởng phòng giải ngân gọi điện nhắc về việc lấy mã OTP và yêu câu phải chuyển thêm 200 triệu đồng để kịp giải ngân, anh Tuấn mới vỡ lẽ bị lừa.
Anh Dương Minh Tuấn cũng chỉ là một trong những nạn nhân của tội phạm công nghệ cao lừa đảo, dù trước đó cơ quan chức năng đã có nhiều cảnh báo.
Giải mã thủ đoạn lừa đảo
Theo Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, trường hợp anh Dương Minh Tuấn nêu trên, chiêu thức lừa đảo của các đối tượng là đánh vào tâm lý đang cần tiền, không quen với thủ tục. Các đối tượng đã gian dối về việc khách hàng thực hiện sai cú pháp để chiếm đoạt tài sản bằng cách yêu cầu khách hàng phải nộp tiền.
|
Thông tin được anh Tuấn đăng tải. |
Khách hàng khi đang trong trạng thái hồi hộp, mong muốn có tiền và lấy được số tiền đã tạm ứng nên cứ tiếp tục nộp tiền. Bởi theo thỏa thuận, việc nộp tiền chỉ là tạm ứng, sẽ được lấy lại khi giao dịch kết thúc. Thực tế đó lại là những thông tin gian dối để chiếm đoạt tài sản... hình thức này có thể gọi là "lừa bậc thang", lừa từng nấc, người bị hại cứ nộp dần nộp dần số tiền vào cho đến khi không còn khả năng nộp được nữa thì giao dịch kết thúc và nạn nhân mất tiền, đồng thời tỉnh ngộ.
Thủ đoạn lừa đảo của các đối tượng này xuất phát từ những bỡ ngỡ về mặt thủ tục của nạn nhân khi lần đầu tiếp cận với ứng dụng công nghệ thông tin.
Thực chất là các đối tượng cố tình sử dụng các phương tiện điện tử khiến cho nạn nhân tưởng rằng mình đã bị sai, bị nhầm thao tác. Khi bị sai, tâm lý khách hàng muốn sửa sai, không muốn mọi việc kết thúc nên tiếp tục thực hiện thủ tục để vay tiền. Đó là cơ hội để các đối tượng yêu cầu khách hàng phải nộp tiền tạm ứng để tiếp tục thực hiện thủ tục.
Tâm lý của khách hàng là muốn vay tiền, nghĩ rằng số tiền tạm ứng đó sẽ được lấy lại nên sẵn sàng nộp vào. Điều đáng chú ý ở đây là khách hàng sẽ nộp nhiều lần với nhiều lý do khác nhau. Những lần đầu số tiền ít có tính chất thăm dò khả năng của khách hàng, số tiền sẽ tăng dần lên bởi khách hàng khi đó đã tin tưởng và khi đó đã vào thế, muốn lấy tiền về thì phải nộp thêm tiền... Tâm lý lúc đầu của khách hàng là nộp tiền để được vay, sau khi đã nộp tiền, các đối tượng tiếp tục sử dụng chiêu trò để nộp thêm. Khách hàng lo lắng không nộp nữa sẽ mất tiền nên cố nộp thêm và rồi số tiền mất cứ thế mà tăng lên...
Đây là một chiêu thức thao túng tâm lý, khiến cho nạn nhân rơi vào trạng thái thiếu tỉnh táo, bị cuốn theo những chỉ dẫn, hướng dẫn của các đối tượng. Các đối tượng trong tình huống này là lừa đảo chuyên nghiệp phải có kịch bản rõ ràng và có rất nhiều người mắc bẫy như vậy. Xác suất thành công trong các phi vụ lừa đảo như vậy hiện nay là rất lớn, số tiền chiếm đoạt được của nạn nhân hằng ngày rất nhiều. Thông thường, nhóm đối tượng này chỉ dừng thực hiện hành vi khi bị cơ quan điều tra phát hiện, bắt giữ.
Ở góc độ pháp lý, theo ông Cường, khi bị lừa như trên, việc đầu tiên là nạn nhân cần lưu lại các chứng cứ để chứng minh các giao dịch, nếu có thể thì yêu cầu ngân hàng phong tỏa tài khoản vừa nhận tiền. Tuy nhiên thủ tục này rất khó, về mặt pháp lý không kịp để phong tỏa các tài khoản.
Khi đã lưu được các thông tin về giao dịch, về thỏa thuận và chuyển tiền, người bị hại cần nhanh chóng trình báo sự việc với cơ quan điều tra tội phạm về công nghệ cao để được xác minh làm rõ. Nếu may mắn và nhóm đối tượng này đang nằm trong chuyên án và cơ quan điều tra đang tiến hành xác minh, triệt xóa, cơ hội bắt giữ, xử lý và đòi lại tiền là cao.
Trường hợp những thông tin mà nạn nhân có được không nhiều, nhóm đối tượng hoạt động tinh vi xảo quyệt, máy chủ đặt ở nước ngoài, các đối tượng ở nước ngoài hoặc cơ quan điều tra còn bận nhiều việc khác, chưa có thời gian để xác minh kịp thời, cơ hội lấy lại tiền sẽ khó hơn.
Tuy nhiên, việc thu thập các thông tin về sự việc và trình báo sự việc sớm với cơ quan điều tra làm việc tất yếu phải làm đối với những người bị hại để đấu tranh phòng chống tội phạm.
Sự phát triển của công nghệ thông tin khiến các ứng dụng công nghệ ra đời ngày càng nhiều, việc người dân vay tiền qua các áp trên mạng xã hội sẽ diễn ra rất nhiều.
Để giảm thiểu rủi ro, người dân cần tìm hiểu kỹ về các áp theo vay, nếu là của các ngân hàng và các tổ chức tín dụng hợp pháp, hoạt động theo pháp luật Việt Nam thì mới thực hiện. Còn đối với các tổ chức, cá nhân hoạt động tài chính trên không gian mạng mà không có đăng ký, không được phép của cơ quan có thẩm quyền, nguy cơ lừa đảo là rất cao. Khi thực hiện các giao dịch vay tiền trên không gian mạng, tuyệt đối không nộp tiền tạm ứng, tiền phí hay bất cứ khoản tiền nào giống như trường hợp anh Tuấn trên.
Thực tế việc đưa ra thông tin giả mạo gian dối trên không gian mạng rất dễ dàng nên cần xác thực thông tin trước khi quyết định giao dịch, đặc biệt là khi nộp tiền. Đồng thời lưu lại các thông tin về giao dịch điện tử trên không gian mạng để nếu cần thì sẽ làm chứng cứ để bảo vệ mình trước pháp luật.
>>> Mời độc giả xem thêm video Cảnh giác với những trang mạng xã hội giả mạo công an để lừa đảo
Hải Ninh