Nguy cơ tai nạn từ tài xế dính ma túy
Trong 5 ngày (từ 2-7/8), thực hiện cao điểm kiểm tra, kiểm soát đối với chuyên đề vi phạm nồng độ cồn, chất ma tuý đối với lái xe trên các tuyến cao tốc, lực lượng CSGT thuộc Cục CSGT, đã phát hiện 11 lái xe dương tính với chất ma tuý, trong đó có 5 lái xe kinh doanh vận tải (3 xe tải, 2 xe đầu kéo).
|
Lực lượng CSGT phát hiện nhiều trường hợp tài xế dính ma túy trong đợt cao điểm. |
Tuyến cao tốc Nội Bài – Lào Cai phát hiện nhiều lái xe dương tính ma túy nhất với 5 trường hợp.
Qua test nhanh chất ma tuý cho thấy, 5 lái xe dương tính với nhóm thuốc phiện, heroin (OPI), 2 lái xe dương tính với nhóm Amphetamine (AMP), cá biệt có một trường hợp lái xe dương tính đã khai nhận, do uống rượu ngâm cây hoa anh túc.
Cũng trên các tuyến cao tốc, trong 5 ngày, lực lượng CSGT đã kiểm tra, phát hiện 14 lái xe vi phạm nồng độ cồn.
Trên tuyến quốc lộ 5, thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an về kiểm soát nồng độ cồn trong 2 ngày (6 - 7/8), lực lượng CSGT các địa phương (Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Hải Phòng) đã phát hiện 8 lái xe vi phạm nồng độ cồn. Vi phạm chủ yếu là xe môtô với 6 trường hợp và 2 lái xe container.
Lỗ hổng từ khâu khám sức khỏe?
Ông Đỗ Văn Bằng, chủ hãng xe Sao Việt tuyến Hà Nội - Lào Cai cho biết, tình trạng lái xe sử dụng chất ma tuý tham gia giao thông tiềm ẩn nguy cơ lớn về TNGT. Do đó, ngay từ khâu tuyển dụng, các doanh nghiệp cần kiểm soát chặt chẽ, bên cạnh những yêu cầu về GPLX, thời gian hành nghề, phải có giấy khám sức khoẻ tại bệnh viện đa khoa trở lên trong đó, bắt buộc phải có hạng mục kiểm tra chất ma tuý.
Để ngăn tình trạng lái xe sử dụng ma tuý tham gia giao thông, các doanh nghiệp vận tải cần có cách thức để quản lý, kiểm soát chặt chẽ hơn, tuân thủ quy định kiểm tra sức khoẻ định kỳ lái xe 6 tháng/lần. Khi nghi ngờ, cần kiểm tra ngay, nếu phát hiện sử dụng chất kích thích buộc phải sa thải ngay lập tức.
Tuy nhiên, theo ông Bằng, hiện nay chưa có một cơ sở dữ liệu nào giám sát các tài xế từng vi phạm sử dụng chất ma tuý nên xuất hiện tình trạng lái xe bị sa thải tại doanh nghiệp này vẫn tiếp tục đi xin việc tại một doanh nghiệp khác với bộ hồ sơ mới, có sự chuẩn bị kĩ lưỡng để tránh phát hiện sử dụng ma tuý khi đi khám sức khoẻ.
Thậm chí, khi tài xế bị lực lượng chức năng phát hiện sử dụng ma tuý trên đường, bị phạt tiền và tước GPLX, sau một thời gian vẫn có thể đi thi lại bằng lái xe khác và tiếp tục hành nghề.
Hiệp hội vận tải ô tô Hà Nội và các doanh nghiệp từng kiến nghị thống kê, lập danh sách những trường hợp tài xế từng sử dụng chất ma tuý lên một trang thông tin liên thông giữa các doanh nghiệp để khi tuyển dụng có thể tra cứu, từ chối các hồ sơ của những tài xế này. Tuy nhiên, về mặt pháp luật lại không khả thi do vi phạm quyền riêng tư cá nhân của mỗi người. Ngoài ra cũng ảnh hưởng đến cuộc sống của những tài xế đã hoàn lương.
Từ đó, ông Bằng kiến nghị, Bộ Công an và Bộ GTVT cần có sự phối hợp lưu trữ những thông tin, hồ sơ của lái xe dương tính với ma túy và chia sẻ để tất cả đơn vị chức năng, doanh nghiệp đều có thể kiểm tra khi tuyển dụng.
Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội vận tải Việt Nam cho biết, vấn đề khám sức khoẻ của tài xế hiện nay đang được thực hiện ở khâu làm hồ sơ thi GPLX, trong lúc thi tuyển vào các doanh nghiệp. Ngoài ra đối với các đơn vị kinh doanh vận tải (loại trừ vận tải trong dây chuyền sản xuất hay cá nhân gia đình) còn phải thực hiện kiểm tra sức khoẻ lái xe định kỳ theo quy định, bao gồm cả việc kiểm tra chất ma tuý.
Đối với các doanh nghiệp có lượng xe lớn, sẽ chủ động mời các cơ sở y tế có chức năng kiểm tra sức khoẻ lái xe về trực tiếp kiểm tra tại doanh nghiệp. Tuy nhiên, với những doanh nghiệp nhỏ hay hộ kinh doanh chỉ có 1,2 lái xe thường sẽ giao cho tài xế tự liên hệ với các cơ sở y tế để được cấp cho giấy chứng nhận khám sức khoẻ.
“Chính điều này đã dấy lên câu hỏi liệu tình hình khám và cấp giấy chứng nhận khám sức khoẻ tài xế hiện nay có thực chất hay không? Hiệp hội vận tải Việt Nam từng 2 lần có văn bản gửi Bộ Y tế đề nghị cần công bố công khai danh sách các cơ sở y tế có thẩm quyền khám, cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sức khoẻ lái xe. Đồng thời, Bộ Y tế cũng cần có cơ sở dữ liệu để cập nhật thông tin khám sức khoẻ của tài xế đó (khám ở đâu, ngày giờ nào, số giấy phép bao nhiêu) để người sử dụng lao động có cơ sở xác thực tài xế có thực sự đi khám sức khoẻ hay mua giấy khám sức khoẻ trôi nổi bên ngoài để tiếp tục sử dụng hoặc sa thải nếu phát hiện gian dối. Tuy nhiên, đến nay chưa thấy Bộ Y tế trả lời”, ông Quyền nói.
Đại tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự, an toàn giao thông - Cục CSGT, Bộ Công an cho biết, về lực lượng cảnh sát giao thông có các biện pháp, kiểm tra, xử lý, thông báo theo Luật Phòng chống ma tuý về nơi cư trú, nơi làm việc người vi phạm. Ngoài ra, lực lượng chức năng còn tuyên truyền vận động đối với các tài xế.
Bên cạnh đó, đại tá Nhật cho rằng, việc quản lý lái xe, kiểm tra sức khoẻ đối với tài xế cũng cần có sự vào cuộc của ngành y tế, Tổng Cục đường bộ.
>>> Mời độc giả xem thêm video Lái xe đi lùi trên cao tốc, nữ tài xế bị phạt 17 triệu đồng:
Thiên Tuấn