Các bị cáo bị truy tố gồm: Nguyễn Trọng Tính (sinh năm 1960, nguyên Phó Trưởng Công an xã Long Hà, huyện Bù Gia Mập, nay thuộc huyện Phú Riềng), Nguyễn Phú Khoa (sinh năm 1966, nguyên Phó Công an xã Long Bình, huyện Bù Gia Mập, nay thuộc huyện Phú Riềng) và Nguyễn Văn Cự (sinh năm 1964, ngụ xã Long Hà, huyện Phú Riềng).
Theo cáo trạng, khoảng tháng 2/2012, Cự, Tính và Khoa có quan hệ quen biết với nhau nên đã xác nhận khống giấy tờ, hộ khẩu để làm chứng minh nhân dân cho các trường hợp không đủ điều kiện nhập khẩu vào xã Long Hà và xã Long Bình.
Năm 2008, Cự quen biết Đ.T.M và N.T.T.P là hai nhân viên bán càphê. Hai nhân viên nhờ Cự giúp nhập khẩu tại Bình Phước để làm chứng minh nhân dân xin việc làm. Dù không rõ lai lịch, nhân thân nhưng Cự vẫn gọi điện cho Tính giới thiệu M và P là cháu, nhờ nhập khẩu tại xã Long Hà.
|
Các bị cáo tại phiên tòa. (Ảnh: K GỬIH/TTXVN) |
Ngày 3/2/2012, sau khi kiểm tra, biết trường hợp của M. và P. không đủ điều kiện nhưng Tính vẫn lấy hai cuốn hộ khẩu cũ đã thay đổi của người khác rồi ghi họ tên của M. và P. vào hộ khẩu. Sau đó, Tính cấp giấy đề nghị cấp chứng minh nhân dân cho M. và P. đã được Tính ký tên, đóng dấu sẵn rồi đưa cho P.
Ngày 4/2/2012, P. tiếp tục mang giấy tờ của ba người khác đến nhờ Tính nhập hộ khẩu và giới thiệu những người này là cháu Cự. Cũng thủ đoạn trên, Tính tiếp tục xác nhận khống rồi đưa cho P. giấy đề nghị cấp chứng minh nhân dân của ba người khác.
Hai ngày sau đó, M và P. đến Phòng Quản lý hành chính về Trật tự xã hội Công an tỉnh Bình Phước làm thủ tục cấp chứng minh nhân dân đã bị phát hiện.
Trong một vụ việc khác, vào tháng 1/2012, chị H.T.T (ngụ tỉnh Hưng Yên) có nhu cầu xin việc vào một công ty tại Thành phố Hồ Chí Minh nhưng không có hộ khẩu tại miền Nam nên qua người quen nhờ Cự nhập khẩu để làm chứng minh thư. Do quen biết Nguyễn Phú Khoa, Phó Trưởng Công an xã Long Bình, Cự nhờ nhập khẩu vào xã Long Bình. Sau đó, Khoa đã lấy hộ khẩu của một hộ khác ghi tên của chị T. với tên khác rồi đóng dấu xác nhận và lấy mẫu tờ khai đơn xin đề nghị cấp chứng minh nhân dân (bỏ trống phần thông tin) đã đóng dấu mộc để Cự đưa cho T.
Ngày 9/2/2012, T. đến Phòng Quản lý Hành chính về Trật tự xã hội Công an tỉnh Bình Phước làm chứng minh nhân dân đã bị phát hiện, lập biên bản và chuyển hồ sơ cùng vật chứng đến cơ quan điều tra.
Qua quá trình điều tra, Khoa, Cự và Tính thừa nhận hành vi của mình trước Cơ quan điều tra Công an huyện Bù Gia Mập. Viện Kiểm sát nhân dân huyện Bù Gia Mập đã truy tố Khoa, Tính và Cự về tội “giả mạo trong công tác.”
Tại phiên tòa sơ thẩm tháng 1/2017, Tòa án nhân dân huyện Bù Gia Mập đã tuyên phạt bị cáo Tính và Khoa cùng mức án tù 3 năm 6 tháng; Cự mức án 3 năm tù. Sau đó, bị cáo Cự kháng cáo kêu oan. Tại phiên tòa phúc thẩm, Toàn án nhân dân tỉnh Bình Phước bác kháng cáo của bị cáo Cự. Hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo Khoa và Tính cùng mức án 3 năm 3 tháng tù và y án đối với bị cáo Cự./.
Theo TTXVN.