Mới đây, Đ.T.M (15 tuổi, TP.Việt Trì, Phú Thọ) nam sinh đánh bạn, bắt quỳ đang gây xôn xao dư luận. Nam sinh nay có tài khoản facebook tên "M.C." nhưng hiện đã bị khóa. Tuy nhiên, hiện nay lại xuất hiện một Facebook giả mạo có tên y hệt đăng bài để câu "like"... Việc giả mạo Facebook, nhất là những cá nhân đang "nổi tiếng" vì 1 lý do nào đó trên mạng xã hội diễn ra khá phổ biến thời gian gần đây. Mục đích của những đối tượng này nhằm lôi kéo lượt người theo dõi, sau đó sẽ điều hướng nội dung theo chủ đích của người giả mạo. Thường là để bán hàng, đăng bài quảng cáo, thu lợi bất chính từ việc giả tài khoản người khác.
|
Facebook giả mạo. |
Trước đó, trang trên mạng xã hội Facebook còn xuất hiện Fanpage giả mạo lực lượng Công an với tên: "Yêu Cảnh Sát Giao Thông" và "Cảnh Sát Nhân Dân" cố tình ghi trích dẫn nguồn thông tin từ Công an TP Hà Nội với mục đích câu like, câu view.
Mạo danh này không đơn thuần dừng lại ở việc lập các trang Facebook, fangape để "câu" like, comment… mà đã có nhiều trang lợi dụng tên tuổi của những người nổi tiếng để nhằm những mục đích xấu. Các đối tượng thường xuyên bị giả mạo, "fake" Facebook chủ yếu là những người nổi tiếng. Trước đó, hàng loạt nghệ sĩ tên tuổi khác như Hoài Linh, MC Lại Văn Sâm, MC Phan Anh, Hoa hậu Mai Phương Thúy… cũng đã phải lên tiếng về vấn nạn này.
|
2 Fanpage giả mạo lực lượng Công an. |
Dưới góc độ pháp lý, trao đổi với PV Báo Tri Thức và Cuộc Sống, luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, hành vi giả mạo Facebook của người khác là vi phạm quyền nhân thân, nếu thực hiện các hành vi trái pháp luật thì có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
"Có thể nói rằng trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư hiện nay, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, các phương tiện thông minh có kết nối internet thì hoạt động giao tiếp của con người trên không gian mạng ngày càng phổ biến. Một đặc điểm dễ nhận ra là các hoạt động trên không gian mạng và gián tiếp, phi tiếp xúc, thậm chí có thể gọi là ảo khiến những người tiếp xúc với nhau có thể sẽ không nhận ra nhau hoặc rất dễ dàng ẩn danh.
Đặc điểm này tạo ra nhiều nguy cơ mất an toàn, hiện tượng mạo danh, lừa đảo chiếm đoạt tài sản rất dễ dàng xảy ra trên không gian mạng. Bởi vậy, pháp luật đã có rất nhiều các quy định để bảo vệ quyền nhân thân, quyền tài sản và các hành vi bị nghiêm cấm trên không gian mạng. Hành vi thu thập trái phép thông tin của người khác hoặc sử dụng trái phép thông tin hình ảnh của người khác là hành vi vi phạm pháp luật, xâm phạm quyền nhân thân của cá nhân" - luật sư Cường cho hay.
|
Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư TP Hà Nội) |
Luật sư Cường cho biết thêm, trường hợp người nào sử dụng tên tuổi, hình ảnh, thông tin cá nhân của người khác để lập các tài khoản Facebook, zalo hoặc Youtube, các tài khoản trên nền tảng mạng xã hội hoặc trên các phương tiện thông tin, truyền thông khác mà không được sự đồng ý của người có hình ảnh, có thông tin thì người mạo danh, thu thập, sử dụng trái phép thông tin của người khác sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại Nghị định số 15/2020/NĐ-CP Về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bưu chính viễn thông, tần số vô tuyến điện.
Còn đối với hành vi mạo danh người khác để đưa tin sai sự thật nhầm xúc phạm danh dự nhân phẩm uy tín của người khác thì tùy thuộc vào tính chất mức độ của hành vi, tùy thuộc vào hậu quả xảy ra mà người vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vu khống hoặc tội làm nhục người khác theo quy định của bộ luật hình sự (tại điều 155, điều 156). Trường hợp mạo danh người khác để chiếm đoạt tài sản thì sẽ bị xử lý hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo điều 174 bộ luật hình sự năm 2015 hoặc theo điều 290 bộ luật hình sự năm 2015.
Nếu hành vi chưa chiếm đoạt tài sản của người khác nhưng cố ý vượt qua cảnh báo, mã truy cập, tường lửa, sử dụng quyền quản trị của người khác hoặc bằng phương thức khác xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác chiếm quyền điều khiển; can thiệp vào chức năng hoạt động của phương tiện điện tử; lấy cắp, thay đổi, hủy hoại, làm giả dữ liệu hoặc sử dụng trái phép các dịch vụ thì cũng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại điều 298 bộ luật hình sự năm 2015.
"Như vậy, có thể thấy hành vi mạo danh người khác, sử dụng trái phép thông tin hình ảnh của người khác là hành vi vi phạm pháp luật. Nếu mạo danh người khác mà gây thiệt hại đến danh dự nhân phẩm, uy tín, tài sản của người khác thì có thể phải chịu trách nhiệm hình sự. Trường hợp xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử của người khác thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều 289 bộ luật hình sự năm 2015.
Hành vi đưa các thông tin trái phép lên mạng máy tính, mạng viễn thông cũng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại điều 288 bộ luật hình sự năm 2015. Tất cả những hành vi đó là hành vi vi phạm quy định của luật an ninh mạng, gây mất an ninh, an toàn mạng, có thể xâm hại đến tài sản, danh dự, nhân phẩm của công dân, ảnh hưởng đến hoạt động quản lý thông tin truyền thông của nhà nước nên các đối tượng vi phạm sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật" - luật sư Cường chia nói.
>>>> Xem thêm video: Bắt tạm giam 3 đối tượng đăng tải clip giả mạo tại ổ dịch Bar Sunny