Hơn nửa quãng đời, ông đã cất công sưu tầm và truyền dạy cho lớp trẻ về cách chơi các loại nhạc cụ dân tộc nhằm phục dựng, lưu giữ nét văn hóa đặc trưng của người Bru - Vân Kiều.
Nghệ nhân của núi rừng
Trong chuyến công tác về các huyện miền núi tỉnh Quảng Bình, chúng tôi được nghe nhiều người kể về nghệ nhân Hồ Ai. Ông là người đam mê âm nhạc đến cháy bỏng và cũng là người sử dụng được hầu hết các loại nhạc cụ dân tộc truyền thống.
Dù đã ở tuổi xế chiều nhưng người nghệ nhân ấy vẫn miệt mài công việc “giữ lửa” văn hóa đặc trưng của dân tộc mình. Trèo đèo, lội suối suốt một quãng đường dài, cuối cùng chúng tôi cũng tìm được nhà ông.
Ấn tượng đầu tiên là hình ảnh một cụ già tóc đã bạc trắng, nhưng đôi chân trông vẫn rắn rỏi như con hươu, con nai trên rừng. Trong căn nhà bạc phếch màu thời gian là một góc nhỏ trưng bày và lưu giữ các nhạc cụ dân tộc. Gặp khách từ phương xa đến, ông cụ rất niềm nở.
Nhấp chén trà xanh mang đậm hương vị núi rừng, ông chậm rãi kể về cuộc đời gắn bó với các loại nhạc cụ truyền thống của mình. Lúc bé, mỗi lần theo cha lên rẫy, cậu bé Hồ Ai thường được nghe cha mình thổi sáo, chơi đàn Ta lư và một số loại nhạc cụ dân tộc khác. Đặc biệt là tiếng sáo pi (tên một loại sáo – PV) véo von, lúc trầm lúc bổng. Mỗi lần nghe tiếng nhạc, lời ca của cha ngân lên không chỉ xua đi nỗi nhọc nhằn của công việc mà còn làm cậu bé đam mê từ lúc nào không hay.
Hễ thấy cha cầm cây đàn, cây sáo đặt lên thổi, Hồ Ai lại gần để nghe và bắt chước. Thấy con đam mê, người cha đã dạy cho con tất cả các loại nhạc cụ. Sau thời gian được cha truyền dạy, cậu bé Hồ Ai đã thụ giác được hầu hết các loại nhạc cụ như đàn ta lư, sáo pi, khèn bè, đàn ămpray...
Hồ Ai nổi tiếng khắp vùng về “thói quen” ham đàn, ham sáo. Mới 12 tuổi, ông đã thuộc làu làu từng khúc nhạc, từng điệu múa của dân tộc mình. Từ tiếng sáo pi du dương, trầm bổng đến những điệu múa, khúc đàn, đoạn nhạc reo vui như nước suối nguồn, ông đều thuộc làu làu.
Đến năm 18 tuổi, Hồ Ai sử dụng thành thạo các loại nhạc cụ và hát được các làn điệu dân ca của dân tộc mình. Dần dần, Hồ Ai trở thành một trong những người tài hoa nhất về chế tác và sử dụng các loại nhạc cụ truyền thống của người Bru - Vân Kiều như: Chiêng, sáo khơ-lui, sáo sui, sáo pi, ta-riêng, đàn pơ-lựa, đàn tínhtùng; hát si-nớt, hát tà-oải.
Ông cũng nắm giữ nhiều nghi thức, nghi lễ trong các lễ hội cúng tế truyền thống của dân tộc mình. “Với người Bru - Vân Kiều ở thế hệ chúng tôi hầu như chàng trai nào cũng biết chơi nhạc cụ và hát các làn điệu dân ca của dân tộc mình. Dù lên nương hay lên rẫy, dù sinh hoạt lễ hội hay trong lao động sản xuất, những câu dân ca vẫn gần gũi, đằm thắm, mộc mạc. Người dân quê tôi còn hát để thể hiện sự đủ đầy, no ấm sau những vụ mùa bội thu, hát để thể hiện niềm vui sướng khi được về làng mới...”, nghệ nhân Hồ Ai chia sẻ.
“Giữ lửa” điệu hồn dân tộc
Trước đây, người Pa Kô hầu như ai cũng biết thổi sáo pi, tiếng sáo khơ lui, chơi đàn ta lư, khèn bè... Dù đi đâu họ cũng mang theo đàn, sáo bên người. Âm nhạc đã đi vào tiềm thức của họ giống như con suối róc rách trên khe Cát, thế nhưng đó chỉ là chuyện “vang bóng một thời”.
Giờ đây sự thay đổi phát triển của bản làng đã làm mai một đi những giá trị văn hóa truyền thống, trong đó âm nhạc cổ cũng không thể tránh khỏi. Hiện, những nghệ nhân có tài như Hồ Ai chỉ còn đếm trên đầu ngón tay.
Hầu hết họ đã già cả, trong khi đó lớp trẻ lại không mấy mặn mà với thanh âm của nhạc cụ dân tộc cũng như những làn điệu dân ca truyền thống. Việc gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống là nhu cầu cần thiết, tuy nhiên trên thực tế, một số loại hình văn hóa như múa, hát, các nhạc cụ truyền thống của dân tộc này ngày càng bị mai một. Đó là điều khiến già trăn trở.
Già sợ rằng, một mai già về với tổ tiên, núi rừng, sẽ không còn ai biết được những tiếng đàn, tiếng sáo, tiếng hát, điệu múa đó nữa để truyền lại cho thế hệ mai sau. Với quyết tâm không thể để cho di sản văn hóa quý báu của dân tộc bị mai một, trong nhiều năm qua, già làng Hồ Ai đã kiên trì, bền bỉ đi khắp các bản làng, đến từng nhà, vận động từng người về ý nghĩa của việc giữ gìn bản sắc truyền thống.
Không những thế, ông còn tham gia mở lớp truyền dạy cách thổi sáo và chơi các loại nhạc cụ truyền thống khác của người Bru - Vân Kiều cho các thế hệ trẻ ở xã Trường Sơn và các xã lân cận.
Ở những lớp học này, nhiều làn điệu dân ca của người Vân Kiều, Pa Kô đã được nghệ nhân Hồ Ai sưu tầm và truyền dạy. Các học viên được truyền đạt những làn điệu dân ca ka lơi, cha chấp, adên, tà- oải do Hồ Ai và một số nghệ nhân khác thể hiện và dịch từ tiếng địa phương sang ngôn ngữ thuần Việt.
Nội dung các làn điệu là đón mừng làng mới, tìm hiểu tình yêu đôi lứa, lời tỏ tình với người thiếu nữ, những khúc tự sự, tâm tình... Nhiều năm trời bền bỉ, cần mẫn với công việc thầm lặng, công sức của già Ai đã không uổng phí. Âm nhạc và các giá trị truyền thống đã được bảo lưu và giữ gìn trong đời sống văn hóa cộng đồng người Bru - Vân Kiều.
Nhiều người trẻ đã biết chơi đàn ta lư, thổi sáo pi và chơi thành thạo các loại nhạc cụ của dân tộc mình. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cũng chung tay góp sức với ông trong việc phục dựng lại những nét văn hóa cổ xưa. “Tiếng sáo pi, sáo khui, đàn ta lư... và nhiều làn điệu truyền thống của người Bru - Vân Kiều nay đã có nhiều người học rồi.
Bây giờ, tôi có về với tổ tiên thì cũng đã yên tâm”, già Ai chia sẻ. Cũng từ sự cố gắng trên, nhiều câu lạc bộ, nhiều mô hình dân ca, nhạc cụ dân tộc đã và đang được quần chúng gìn giữ, lưu truyền. Chính vì những đóng góp trên, nhiều năm qua nghệ nhân Hồ Ai đã nhận được nhiều bằng khen của tỉnh, huyện, xã về thành tích bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc.
Gìn giữ giá trị truyền thống trong thế hệ trẻ
Ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó Chủ tịch UBND xã Trường Sơn cho biết: “Sự cống hiến của nghệ nhân Hồ Ai là vô cùng to lớn đối với cộng đồng thôn bản. Già Ai cùng với một số ít các nghệ nhân cao tuổi nắm giữ các tinh hoa văn hóa phi vật thể của người Bru - Vân Kiều. Việc khơi nguồn, bảo tồn và phát triển văn hóa dân tộc không chỉ lưu giữ được những giá trị truyền thống, tránh nguy cơ thất truyền, mà điều quan trọng hơn nữa là những giá trị ấy sẽ được lưu giữ trong thế hệ trẻ”.
Mời quý độc giả xem video:
Nguồn Youtube
Theo ĐSPL