Thời gian gần đây, dư luận xôn xao, bức xúc và ghê sợ trước sự việc tài xế Grabbike bị sát hại tại địa phận quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội).
Nạn nhân là Nguyễn Cao Sang (SN 2001, quê ở huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa, đang là sinh viên của một trường CĐ tại Hà Nội), bị hai đối tượng là Đinh Văn Giáp (SN 1995) và Đinh Văn Trường (SN 2000, cùng quê ở huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái) giả vờ gọi xe ôm rồi đưa ra bãi đất trống sát hại để cướp xe máy. Trường và Giáp sau đó bị bắt tại Yên Bái khi đang có ý định vượt biên sang Trung Quốc chạy trốn.
Trước vụ việc tài xế Grabbike bị sát hại, nhiều ý kiến bạn đọc cho rằng đây là hồi chuông báo động sự suy đồi về đạo đức trong một bộ phận không nhỏ giới trẻ.
|
Đinh Văn Giáp (trái) và Đinh Văn Trường tại cơ quan công an. |
Giết bạn gái và bạn ở chung phòng vì bị chia tay
Tháng 9 vừa qua, một vụ trọng án khác cũng xảy ra tại Hà Nội trên địa phận phường Nghĩa Đô (quận Cầu Giấy). Hai nữ sinh đã bị Giàng A Dông (SN 1996, quê Điện Biên) sát hại trong phòng trọ.
Cụ thể, sáng 16/9, Giàng A Dông đến phòng trọ của người yêu tên S.T.M.L. (SN 2000, quê Điện Biên, đang là sinh viên một trường CĐ) ở số nhà 14, ngõ 30 phố Nghĩa Đô. Không kiềm chế được bản thân khi cãi nhau với bạn gái, Dông đã ra tay sát hại người yêu bằng dao.
Sau đó, Dông đi ra ngoài thì thấy N.T.X. (SN 2000, quê Hải Dương), sống chung phòng trọ với L., liền cầm dao đâm tiếp khiến X. tử vong tại chỗ.
Nghi phạm 9X tiếp tục cầm dao truy sát 3 nữ sinh còn lại trong phòng nhưng họ may mắn chạy thoát.
Gây án xong, Dông nhảy từ tầng 5 của ngôi nhà này xuống đất và được mang đi cấp cứu tại bệnh viện E nhưng không qua khỏi. Hành động tàn bạo của Dông khiến dư luận bàng hoàng.
|
Giàng A Dông nhảy xuống đất tự tử sau khi giết người yêu và một cô gái trẻ khác. |
Vào phòng trọ giết người yêu
Một vụ án tương tự, xảy ra tại Sài Gòn cũng không kém phần ghê rợn. Đó là vào buổi sáng 8/7, Công an quận Bình Thạnh (TP.HCM) nhận được tin báo về vụ án mạng xảy ra tại căn nhà ở hẻm 325 Bạch Đằng, phường 15. Khi đến hiện trường, cảnh sát phát hiện một cô gái tử vong với nhiều vết thương trên cơ thể do bị dao dâm.
Nạn nhân được xác định là P.T.T.U (sinh năm 2000, quê Đồng Nai, sinh viên ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐH Quốc gia TP.HCM).
Qua theo dõi camera an ninh, nghi phạm được xác định là Nguyễn Quang Tiến (19 tuổi, quê Đồng Nai) - bạn trai nạn nhân. Ngoài Tiến, không ai vào phòng trọ số 4 thời điểm trên.
Lần theo dấu vết của Tiến, công an tìm thấy xe máy của thanh niên này tại bờ kè Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, trên đường Trường Sa, phường 17, quận Bình Thạnh. Thi thể Tiến sau đó được vớt lên bờ.
|
Nguyễn Quang Tiến đến phòng trọ sát hại bạn gái 19 tuổi rồi tự tử. |
Đòi nợ không được đâm chết luôn con nợ
Tối 5/5, Trương Hoài Phong (30 tuổi) ở đường Trần Văn Bảy, phường 3, TP Sóc Trăng cùng gần chục người bạn đến quán nhậu trên đường Nguyễn Văn Linh (gần Công an phường 2, TP Sóc Trăng) để uống bia thì Nguyễn Văn Cường (19 tuổi, trú phường 2, TP Sóc Trăng) chạy xe máy đến để đòi nợ 3 triệu đồng.
Hai người sau đó cãi nhau vì không thống nhất được số tiền gốc đã trả và nợ lãi. Khi Phong vừa bước ra cửa quán thì bị chủ nợ rút dao đâm nhiều nhát vào người nên tử vong. Cường bị bắt ngay trong đêm.
|
Quán bia nơi đối tượng 19 tuổi giết con nợ vì thiếu 3 triệu đồng. |
Nguyên nhân người trẻ ngày càng bạo lực do đâu?
TS tâm lý Nguyễn Văn Cường cho biết, vấn đề bạo lực lộng hành trong một bộ phận giới trẻ bắt nguồn từ 3 nguyên nhân chính là gia đình, nhà trường và xã hội.
Về vấn đề gia đình, phần lớn những người có khuynh hướng bạo lực và hay thường bạo lực được bắt nguồn từ chính cách ứng xử của các thành viên trong gia đình của mình. Nếu như trẻ sinh ra và thường xuyên chứng kiến cảnh cha mẹ xung đột với nhau, thấy người lớn chủ yếu xử lý mâu thuẫn bằng việc thượng cẳng chân, hạ cẳng tay thì trẻ cũng bắt chước, tập nhiễm từ trong nhận thức cho đến hành vi.
Đặc biệt, khi trẻ là nạn nhân của những trận bạo lực của cha mẹ, thì con trẻ sau này lớn lên chúng cũng bộc lộ khuynh hướng xử lý xung đột bằng bạo lực. Theo khoa học tâm lý, hình ảnh xung đột giữa cha và mẹ bao giờ cũng để lại vết hằn sâu đậm trong tâm hồn trẻ, vết hằn đó nếu sau này có điều kiện thì cũng dễ phát ra.
Sống trong môi trường gia đình có bầu không khí thiếu lành mạnh như thế cũng khiến trẻ có khả năng kiềm chế rất kém, thậm chí là cả trước những tình huống không có hại đối với bản thân, trẻ vẫn sẵn sàng động thủ vì cho rằng đó là chuyện bình thường mà không lường hết hậu quả của hành vi mình gây ra.
Vì vậy, một đứa trẻ thường bị cha mẹ gây bạo lực thì chúng cũng thường có xu hướng bạo lực một cách hung hãn khi tiếp xúc với bạn bè, những người xung quanh.
Thực tế, nếu nhìn vào quá khứ của hai đối tượng sát hại tài xế Grab ở Hà Nội vừa qua, sẽ thấy đó là một ví dụ điển hình.
Theo ông Phùng Văn Đồng - Chủ tịch UBND xã Phù Nham (huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái), Đinh Văn Giáp có gia cảnh khá bất hạnh khi bố mẹ ly hôn đã hơn 10 năm. Sau khi mẹ đi thêm bước nữa, Giáp cùng bố và em trai về ở với ông bà nội. Do chán nản cuộc sống nên bố Giáp suốt ngày rượu chè, không chịu làm ăn, không để ý đến con cái nên 2 anh em Giáp không được ăn học dạy dỗ.
Đó là lý do vì sao Đinh Văn Giáp dần sống buông thả. Năm 2013, Giáp lĩnh 5 năm tù tội Mua bán người. Trong khi Giáp đang thụ án, em trai đối tượng cũng phải vào tù về tội trộm cắp tài sản.
Mãn hạn tù năm 2018, dù vẫn nhận được sự quan tâm của người thân, nhưng Đinh Văn Giáp không thay đổi bản tính mà còn nguy hiểm hơn.
Về phần Đinh Văn Trường - đồng phạm của Đinh Văn Giáp trong vụ sát hại tài xế Grab, ông Hà Văn Đoàn - Chủ tịch UBND xã Thanh Lương (huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái) cho biết, thanh niên này chưa từng có tiền án, tiền sự.
Tuy nhiên, hoàn cảnh gia đình Trường khá tương đồng với Giáp. Trường và em trai đều phải thôi học từ sớm do mẹ đi làm ăn xa, lâu không về trong khi bố nghiện rượu.
Vị lãnh đạo xã cũng thông tin thêm, ở địa phương chưa bắt gặp Trường trộm cắp hoặc đánh nhau, nên không hiểu tại sao Trường lại chơi với những đối tượng xấu để vào vòng lao lý.
|
Đinh Văn Giáp tái hiện hành vi giết người trong buổi thực nghiệm hiện trường vụ án sát hại tài xé Grab. |
Một nguyên nhân khác khiến các vụ án mạng "máu lạnh" hơn, bởi nhà trường ít quan tâm đến giáo dục đạo đức, ý thức pháp luật và kỹ năng sống cho trẻ.
Thực tế, ở nhà trường, hầu hết chúng ta vẫn coi nhẹ việc dạy người, dạy cách ứng xử trước những tình huống ứng xử. Trong khi việc dạy chữ thì cứ rộn ràng, trẻ hết học chính khóa thì học thêm môn này, môn kia. Còn việc dạy người và dạy cách làm người lại hời hợt, hình thức và nhàm chán.
Những bài học giáo dục đạo đức còn khô khan, lý thuyết suông mà chưa thấm sâu vào tâm hồn học trò, còn thiếu rất nhiều những bài học cuộc sống sinh động, đậm tình người, đặc biệt là những trải nghiệm hướng thiện cho học sinh.
Không chỉ vậy, việc dạy kỹ năng sống vẫn không thiết thực, dẫn đến thiếu kỹ năng ứng xử trong cuộc sống. Không ít thanh thiếu niên ngày nay ra đường không biết kiểm soát, làm chủ hành vi, quản lý cảm xúc mà thay vào đó là sự ngông cuồng, hiếu chiến, sẵn sàng dùng hung khí với người khác. Chỉ cần một va chạm nhẹ là động thủ, là dùng bạo lực, là sẵn sàng đe dọa, chiếm đoạt tính mạng của người khác.
Ngoài ra, bên cạnh những mối quan hệ tích cực truyền thống thì hiện nay với sự tác động mạnh mẽ của cơ chế thị trường, sự xâm nhập các thói hư tật xấu, cũng như sự yếu kém của không ít các tổ chức xã hội đã dẫn đến quan hệ người với người lỏng lẻo, vô cảm và thay vào đó là của nó là những vụ bạo lực ngày càng gia tăng, là hiểm họa cho xã hội.
Nhiều thanh thiếu niên hiện nay, đầu óc luôn bị xâm lấn bởi game online bạo lực, các video clip bạo lực, giang hồ tràn lan trên mạng xã hội đang được cổ xúy vô tổ chức, tùy tiện…
Vì vậy, để ngăn ngừa sự hung hãn, coi thường pháp luật của giới trẻ là trách nhiệm chủ yếu của 3 thiết chế là gia đình, nhà trường và xã hội.
"Nhất thiết phải bắt nguồn từ gia đình bằng sự yêu thương, chia sẻ, bằng cách giáo dục lấy hướng thiện làm nền tảng, được đặt lên hàng đầu. Cha mẹ hãy vì con cái, biết kiềm chế bản thân, tuyệt đối không nên có hành vi bạo lực trước mặt con trẻ, hãy giúp trẻ học những bài học hướng thiện ngay từ khi còn nhỏ và hướng dẫn trẻ những cách giải quyết xung đột mềm mỏng, khéo léo. Cho trẻ chứng kiến một số tình huống xử lý xung đột được xử lý một cách nhân văn, hài hòa, linh hoạt…
Nhà trường tăng cường giáo dục kỹ năng sống một cách thiết thực, phù hợp với tâm lý lứa tuổi. Các tổ chức xã hội và nhất là cơ quan chức năng phối hợp với gia đình và nhà trường cho trẻ được xem những phiên tòa lưu động hoặc qua phim ảnh, để giáo dục, tuyên truyền nâng cao hiểu biết và chấp hành pháp luật.
Bên cạnh đó, cần cổ vũ thế hệ trẻ có lối sống tích cực, yêu thương, tôn trọng người khác trong cộng đồng. Đồng thời, nghiêm trị, răn đe các hành vi bạo lực, coi thường mạng sống người khác" - TS tâm lý Nguyễn Văn Cường nói.
>>> Xem thêm: Dựng hiện trường vụ sát hại tài xế Grab
Quý An