Gateway gắn mác trường “Quốc tế“: Có thể khởi tố hình sự

Google News

(Kiến Thức) - Theo luật sư Diệp Năng Bình, trường Gateway không được công nhận nhưng gắn mác trường "quốc tế" có thể bị xử phạt hành chính, nghiêm trọng hơn nếu có đủ căn cứ có thể khởi tố hình sự về hành vi quảng cáo gian dối.

Liên quan đến sự việc học sinh bị bỏ quên trên xe trường Gateway tử vongtrả lời cho câu hỏi "Gateway có phải trường quốc tế tiêu chuẩn không?", ông Phạm Ngọc Anh - Trưởng Phòng GD&ĐT quận Cầu Giấy (Hà Nội) khẳng định: “Trong quy định về loại trường không có quy định nào về tên trường quốc tế. Không có chữ Quốc tế, chỉ là Gateway. Văn bản thành lập trường chỉ có tên là Trường Tiểu học Gateway. Có thể để quảng bá, thu hút học sinh các trường có thêm chữ quốc tế. Trên địa bàn quận Cầu Giấy chỉ có các trường có yếu tố nước ngoài là một số trường mầm non”.
Mặc dù không được cấp phép “quốc tế”, nhưng trường Gateway luôn kèm theo danh xưng trường PTLC Quốc tế Gateway trên tất các phương tiện quảng bá của trường, website, tên hiệu trên xe đưa đón học sinh, biển hiệu, quảng cáo tuyển sinh…
Mang danh “Quốc tế”, trường PHLC Gateway có mức học phí nằm trong top những trường phổ thông có mức phí cao nhất Hà Nội. Trên trang web của trường, học phí bậc tiểu học năm học 2019-2020 được niêm yết là 117 triệu đồng (chưa bao gồm các phụ phí khác).
Cũng theo quảng cáo của nhà trường, trường PTLC Quốc tế Gateway – Hà Nội đã chính thức được công nhận là thành viên của Hội đồng các trường Quốc tế CIS. Để được công nhận là thành viên chính thức của CIS, trường PTLC Quốc tế Gateway – Hà Nội phải trải qua quá trình đánh giá nghiêm ngặt dựa trên 22 tiêu chí, trong đó có tiêu chí "Mối quan hệ gắn kết chặt chẽ giữa gia đình và nhà trường".
Vậy thực chất "Quốc tế" ở đây là gì? Nó được quy định thế nào trong pháp luật Việt Nam?
Gateway gan mac truong “Quoc te“: Co the khoi to hinh su
Trường "Quốc tế" Gateway - nơi vừa xảy ra sự việc bỏ quên học sinh trên xe. 
Trao đổi với PV Kiến Thức, luật sư Diệp Năng Bình (Trưởng VPLS Tinh Thông Luật - Đoàn luật sư TP HCM) cho biết: "Trường quốc tế là trường học cung cấp nền tảng học vấn trong môi trường giáo dục quốc tế, thường áp dụng dạy các chương trình như Tú tài Quốc tế, Edexcel, chương trình Cambridge Quốc tế hoặc theo chương trình đặc thù của mỗi quốc gia khác với chương trình học của nước sở tại.
Ở Việt Nam chỉ có hai trường quốc tế ở Hà Nội là Trường Quốc tế Liên hợp quốc Hà Nội (UNIS) và Trường Quốc tế Pháp Alexandre Yersin (Lycée français Alexandre Yersin)".
Tuy nhiên, theo Điều 48 của Luật Giáo dục hiện hành, các loại hình nhà trường trong hệ thống giáo dục quốc dân chỉ bao gồm:
- Trường công lập: Do Nhà nước thành lập, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, bảo đảm kinh phí cho các nhiệm vụ chi thường xuyên;
- Trường dân lập: Do cộng đồng dân cư ở cơ sở thành lập, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và bảo đảm kinh phí hoạt động;
- Trường tư thục: Do các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức kinh tế hoặc cá nhân thành lập, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và bảo đảm kinh phí bằng vốn ngoài ngân sách.
Trong Luật Giáo dục 2019 (có hiệu lực từ 01/7/2020) cũng quy định 03 loại hình nhà trường tương tự như trên.
Hiện nay, các trường quốc tế hầu như được hoạt động dưới mô hình là các trường tư thục. Những trường này được gắn thêm tên “quốc tế” do có yếu tố nước ngoài; thường là có vốn đầu tư nước ngoài, hoặc liên kết đào tạo với nước ngoài, hoặc cả hai. Hiện nay, Chính phủ đã ban hành Nghị định 86/2018/NĐ-CP quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài vào lĩnh vực giáo dục.
Trong đó có quy định, tên các trường có vốn đầu tư nước ngoài bao gồm các yếu tố cấu thành được sắp xếp theo trật tự: “Trường”, “Cấp học hoặc trình độ đào tạo” và tên riêng.
Tại các trường có vốn đầu tư nước ngoài, số lượng học sinh ở mỗi lớp không quá 30 học sinh; số lượng giáo viên ít nhất phải 1,5 giáo viên/lớp đối với trường tiểu học…
Các trường phải đảm bảo tiêu chuẩn về cơ sở vật chất như: Tập trung tại một địa điểm, có môi trường tốt; Diện tích mặt bằng bình quân ít nhất 06m2/học sinh; Có sân chơi, bãi tập, khu để xe với diện tích ít nhất bằng 30% tổng diện tích mặt bằng của trường…
"Như vậy, trường phổ thông liên cấp quốc tế Gateway cũng như nhiều trường quốc tế khác trên cả nước không hề được pháp luật công nhận là trường quốc tế. Từ 'quốc tế' chỉ được gắn vào tên trường như một tên riêng, nhằm thu hút tuyển sinh và khẳng định đẳng cấp" - Luật sư Diệp Năng Bình nói.
Gateway gan mac truong “Quoc te“: Co the khoi to hinh su-Hinh-2
Thông báo của trường "quốc tế" Gateway sau cái chết của học sinh Lê Hoàng Long. 
Nói về chế tài xử phạt cho dấu hiệu "treo đầu dê, bán thịt chó", luật sư Diệp Năng Bình cho biết, tại Điều 8 luật quảng cáo 2012 quy định những hành vi cấm trong hoạt động quảng cáo như sau: “Quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn về khả năng kinh doanh, khả năng cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; về số lượng, chất lượng, giá, công dụng, kiểu dáng, bao bì, nhãn hiệu, xuất xứ, chủng loại, phương thức phục vụ, thời hạn bảo hành của sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ đã đăng ký hoặc đã được công bố...”.
Với quy định trên, nhà trường đã có hành vi quảng cáo không đúng sự thật, ghi tên trường không đúng giấy đăng. Theo đó, hành vi này của trường Gateway đã thuộc hành vi bị cấm được quy định tại luật trên.
Hiện nay chế tài xử phạt đối với hành vi quảng cáo trên được quy định tại điểm b khoản 5 điều 51 Nghị định 158/2013 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo. Theo đó: Người nào có hành vi quảng cáo lừa dối, gây nhầm lẫn cho công chúng, người tiêu dùng, khách hàng về tổ chức, cá nhân, sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được quảng cáo với tổ chức, cá nhân, sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ khác hoặc lừa dối, gây nhầm lẫn về tính năng, tác dụng của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được quảng cáo thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng.
Ngoài xử phạt hành chính theo quy định trên, hành vi quảng cáo gian dối còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 197 Tội quảng cáo gian dối Bộ luật hình sự hiện hành nếu trước đó đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì hình phạt cho tội này là: bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
Ngoài ra người phạm tội còn có thể chịu hình phạt bổ sung như sau: bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
>>> Xem thêm: Lập lờ mác "Trường Quốc Tế"
 

Quý An