Biệt tăm sau thảm án kinh hoàng
Những phu vàng bị sát hại dã man ấy là người ở huyện Tiên Phước, Đại Lộc và thị xã Tam Kỳ. Đoàn tìm vàng có 19 người thì người 18 người đã bị những người dân bản địa bắt giữ và sát hại ngay trong rừng. Người may mắn sống sót là ông Nguyễn Văn Hòa (SN 1967), hiện đang ở huyện Tiên Phước.
|
Ông Nguyễn Văn Hòa, nạn nhân duy nhất còn sống sót sau vụ án 18 phu vàng bị sát hại dã man. |
Tìm nạn nhân duy nhất còn sống sót này vô cùng khó khăn. Theo đó, sau vụ thảm sát đẫm máu trên, ông Hòa bởi sợ mình bị truy sát nên mai danh ẩn tích và tìm đường vào miền Nam để mưu sinh. Thêm nữa, nạn nhân này có hai tên, trên giấy tờ thì là Nguyễn Văn Hòa, còn ở địa phương thì được biết đến bằng cái tên Nguyễn Văn Sơn.
Bởi vậy, khi sự việc xảy ra, nhiều người muốn tìm nhân chứng này nhưng vô hiệu. Về địa phương hỏi tên Hòa thì không ai biết. Và, ngay ở quê nhà, bởi quá khiếp đảm nên nhân chứng này cũng giấu nhẹm chuyện kinh hoàng xảy đến với mình.
Qua nhiều ngày lần tìm, chúng tôi cũng tìm ra nơi sinh sống của nạn nhân này. Lần tìm về thôn 1, xã Tiên Lộc, nơi người đàn ông đang cất giấu bí mật rùng rợn ấy ở vào một buổi chiều muộn thì rất may mắn, ông Hòa cũng vừa từ miền Nam về được ít hôm. Thấy nhà có khách lạ, nhà ông Hòa ai nấy đều nhìn bằng ánh mắt dò xét, không mấy thiện cảm.
Khi chúng tôi bày tỏ mong muốn của mình, ông Hòa tỏ ra miễn cưỡng tiếp chuyện. Ông bảo, ông không muốn kể lại chuyện hãi hùng mà mình đã tận mắt chứng kiến bởi cứ khi nhớ lại, nỗi sợ hãi từng khiến ông mất ăn mất ngủ nhiều ngày lại ập về.
|
Muốn đổi đời, ông Hòa và chiến hữu đã đến Nam Giang để tìm vàng và không thể ngờ đó là chuyến đi tai họa (Ảnh minh họa)
|
"Có nhiều người tìm tôi để hỏi chuyện này, thôi, đằng nào cũng vậy, chẳng giấu được nữa", ông Hòa nói sau tiếng thở dài mệt mỏi.
Theo lời người đàn ông có gương mặt khắc khổ này thì cũng giống như ông, nơi ông ở cũng nhiều người muốn đổi đời bằng việc tìm vàng sa khoáng. Dấn thân vào "giấc mộng vàng" ấy, ông từng lăn lộn ở nhiều bãi vàng nổi tiếng trong tỉnh Quảng Nam. Vàng mắt vì vàng nhưng giấc mơ đổi đời vẫn chưa thành hiện thực.
Bởi thế, khi nghe dân tình kháo nhau ở mãi huyện Nam Giang xa xôi xuất hiện nhiều bãi vàng mới, nhiều người đã trúng mánh lớn nên ông Hòa và mấy phu vàng trong xã đã vội vã lên đường.
Bỗng dưng bị bắt
Đoàn xã ông có 7 người, toàn những thanh niên trai tráng. Ngoài ông còn có Trần Văn Đắc, Hoàng Ngọc Tấn, Nguyễn Xuân Tuấn, Nguyễn Văn Hùng, Nguyễn Văn Hương, Lê Văn Chính đều ở huyện Tiên Phước.
Ông Hòa kể, khi lương thực đã chuẩn bị đầy đủ, chọn ngày tốt, đoàn của ông đã bắt ô tô tới huyện Đại Lộc và từ đây, rẽ rừng, đoàn đi bộ tới nơi được cho là có vàng. Điểm đến của đoàn là ngã ba Vương, nơi giao nhau giữa sông Bung và sông Ốc thì nhóm của ông Hòa quyết định hạ trại. Theo như nhiều người đồn thổi, ngã ba sông thuộc xã Tà Pơơ (Nam Giang) ấy nhiều người đã trúng lớn, vài ngày lật đất đá đã kiếm được cả trăm cây vàng.
Cũng tại đây, nhóm của ông Hòa đã kết thân với một nhóm gồm 13 phu vàng khác đến từ huyện Đại Lộc và Tam Kỳ (cùng tỉnh Quảng Nam). Nơi ông Ông Hòa kể, rừng Tà Pơơ có nhiều thú dữ, lại thêm chuyện thảo khấu hoành hành nên các nhóm vàng thường hợp lại với nhau để bảo đảm an toàn.
Khi cuộc khai thác bắt đầu có kết quả thì chuyện đau đớn trên xảy đến. Ông Hòa kể, sáng hôm ấy, khi vừa ăn sáng xong, đang chuẩn bị xuống bãi làm ông và mọi người đã vô cùng bất ngờ khi không biết từ đâu những người dân bản địa thình lình ập tới. Những người này trên tay lăm lăm súng quân dụng lùa hết mọi người về bãi đất cạnh lán trại. Đó là những người Cơ Tu, theo dự đoán của ông Hòa thì họ sinh sống ở xã Tà Pơơ gần đấy.
Khi lên đất này tìm vàng, ông Hòa và mọi người đều nghĩ người dân tộc ở đây hiền lành, chân chất. Bởi thế, tìm vàng ở đây, nhóm của ông chỉ dè chừng đám người dưới đồng bằng lên cướp bóc chứ chẳng bao giờ đề phòng những người bản địa.
“Họ như những bóng ma vậy, họ đến ngay sát mà chúng tôi chẳng ai hay biết”, ông Hòa kể bằng giọng sợ hãi.
Theo nạn nhân duy nhất còn sống sót này thì sau khi lùa đám phu vàng vào một góc bãi thì những người Cơ Tu ấy bảo, họ nghi ngờ nhóm ông Hòa là thổ phỉ nên họ tới để bắt giữ. “Họ đọc lệnh bắt giữ đàng hoàng và còn bảo đúng sai thế nào thì cứ về ủy ban xã để trình diện", ông Hòa kể.
Nhóm của ông Hòa toàn những người trẻ, tuy lăn lộn tìm vàng ở nhiều nơi nhưng chưa ai đối diện với họng súng bao giờ nên thấy thái độ kiên quyết, lạnh lùng của những người bản địa thì tất thảy đều sợ hãi. Bởi thế, những người bản địa ấy bảo sao thì mọi người nghe vậy. "Khi ấy chúng tôi nghĩ đơn giản là có sự hiểu lầm nào đó hoặc chúng tôi bị vu oan. Nếu vậy thì cứ theo họ về xã thì trắng đen sẽ rõ ràng", nghĩ thế nên nhóm ông Hòa chấp nhận theo những người bản địa kia về xã.
Trước khi lên đường, ông Hòa và mọi người đã bị trói ngoặt cánh tay ra phía sau như kiểu người ta trói cánh gà.
Sống trong sợ hãi
Như đã nói, nhóm ông Hòa có 7 người, cộng thêm 13 người ở các huyện khác nữa là thành 20 người cả thảy. Tuy nhiên, hôm ấy, chỉ có 19 người bị bắt. Ông Hòa là người may mắn thoát chết nhưng người may mắn hơn là ông Nguyễn Văn Hương, người cùng đoàn đầu tiên với ông Hòa ở huyện Tiên Phước.
Chiều hôm trước, không hiểu vì đâu mà ông Hương bị đau bụng dữ dội. Sợ ông Hương bị bệnh gì đó nên mọi người đã động viên ông Hương về nhà chạy chữa, khi nào khỏi thì lên làm tiếp. Nghe lời mọi người, ông Hương đã ra thuyền để trở về nhà.
Cũng giống như ông Hòa, sau vụ thảm án kinh hoàng trên, ông Hương cũng phiêu bạt làm thuê ở miền Nam và chẳng mấy khi về thăm quê cũ.
Trở lại với câu chuyện 19 phu vàng còn lại. Khi tất cả bị bắt giữ, trói tay xong xuôi, nhóm phu vàng của ông Hòa bị những người bản địa đẩy vào rừng. Người này nối theo người kia thành hàng dài, nhóm người bản địa dí súng áp giải hai bên, khóa đầu, chặn đuôi. "Rừng núi rậm rạp nhưng có muốn bỏ chạy cũng chẳng được vì họ áp sát lắm!", ông Hòa kể.
"Tôi không biết là họ đã dẫn chúng tôi qua bao nhiêu con suối, ngọn đồi nữa", ông Hòa nhớ lại. Trên đường đi, quan sát, ông Hòa thấy toán người bản địa toàn chọn những cánh rừng rậm rạp để áp giải chứ không dẫn vào những cánh rừng lá thấp gần khu dân cư. Hình như họ không muốn bất kỳ ai biết chuyện bắt giữ này. Chính hành động mờ ám ấy đã khiến ông Hòa ngờ ngợ.
Mối nghi ngờ của ông Hòa càng thêm có cơ sở khi toán người bản địa đã dẫn giải ông và mọi người suốt 1 ngày 1 đêm trong rừng. Trước đó, khi hạ trại tìm vàng ở ngã ba Vương, theo như mô tả của mọi người thì từ đó đến trung tâm xã Tà Pơơ cũng không xa lắm. Bởi thế, nếu muốn đưa ông và mọi người về xã thì không phải chọn đường khó để đi và cũng không thể mất ngần ấy thời gian được.
"Đến bữa thì họ cho dừng lại, cắt cử người nấu cơm cho ăn đàng hoàng. Ăn xong thì lại trói chúng tôi lại và tiếp tục đi. Họ có nói chuyện với nhau nhưng bằng thổ ngữ, chúng tôi không hiểu gì cả", ông Hòa kể.
Ngày thứ hai, quá trưa thì nhóm ông Hòa được dẫn giải đến một khe nước. Tới đây, toán người bản địa ra hiệu cho mọi người dừng chân rồi chụm vào bàn bạc với nhau điều gì đó. Bàn xong thì một người trong số họ đã theo hướng suối chảy chạy về phía những mái nhà lấp ló sau những tán rừng. Sau này ông Hòa mới biết đó thôn Vinh, nơi những người bắt giữ ông sinh sống.
Chừng hơn giờ sau thì có thêm vài người bản địa khác tới. Tới nơi, họ lại chụm vào nhau bàn bạc. Nhìn nét mặt họ, ông Hòa thấy ớn lạnh bởi thấy ai cũng căng thẳng, lạnh lùng.
Bàn bạc xong, đám người bản địa lại lùa nhóm của ông Hòa lên quả đồi ở ngay trước mặt. Đến lúc này thì ông Hòa đã cảm nhận được là có chuyện chẳng lành sắp xảy đến với mình và mọi người. "Nếu họ muốn đưa chúng tôi về ủy ban thì họ phải dẫn theo khe suối chứ không dắt ngược lên đồi”, khi đó ông Hòa tự đặt câu hỏi cho mình.
Nổ súng hành quyết, 18 người thiệt mạng
Lên tới đỉnh đồi thì bất thần mọi người được lệnh dừng chân. Khi còn chưa hiểu chuyện gì sắp xảy đến thì đồng loạt súng nổ. Nghe những tiếng nổ chói tai đó, bừng tỉnh, ông Hòa phi thân luôn vào bụi cây gần đó rồi cắm đầu lao xuống chân đồi.
"Khi ấy tôi chẳng còn kịp nghĩ ngợi gì nữa. Tôi phóng vào bụi cây trước mặt theo phản xạ tự nhiên thôi”, ông Hòa hãi hùng nhớ lại. Những người phía sau ông Hòa cũng vùng chạy nhưng chỉ được vài bước chân thì họ đã bị bắn gục. Ông Hòa biết điều đó bởi nghe những tiếng thất thanh vang lên rồi tắt lịm.
Lăn như quả bóng xuống chân đồi, lổm ngổm bò dậy, chẳng cần biết phương hướng, gai góc vướng chân, ông Hòa cứ cắm cổ chạy lên phía quả đồi đối diện. Khi ấy, quay mặt lại nhìn sang phía bên này, ông Hòa đã rụng rời chân tay khi thấy chiến hữu của mình đã nằm bất động dưới những họng súng đen ngòm. Sợ hãi, chân tay bủn rủn nhưng phản xạ sinh tồn, ông lại tiếp tục cắm đầu cắm cổ lao đi.
Ông Hòa kể, khi ấy, biết là nếu chạy xuống phía bản người Cơ Tu thì thế nào ông cũng mất mạng như những phu vàng kia lên ông lại tìm đường chạy ngược vào rừng.
Một điều may mắn nữa đến với ông là khi bị trói lật cánh gà thì ông đang mặc áo dài tay. Chạy được một quãng đường khá dài, không còn sức nữa ông mới dám dừng lại nghỉ. Lột áo tả tơi vì bị gai rừng cào xé, ông Hòa đã tự cởi được trói cho mình. Giấu chiếc áo vào bụi cây, ông lại tiếp tục chạy.
"Ban ngày thì tôi chạy trên rừng, khi tối, để tránh thú dữ, tôi chạy dưới suối", ông Hòa nhớ lại. Bằng kinh nghiệm, ông Hòa, biết cứ lội xuôi theo dòng suối thì thế nào cũng tìm được đường ra.
Những khi đói khát ông Hòa tìm củ quả, lá rừng để cầm hơi. Sau 5 đêm, 4 ngày thì ông lần tới được trụ sở công an huyện Nam Giang, khi đó gọi là huyện Giằng. "Lết tới cổng công an huyện thì tôi cũng xỉu luôn", ông Hòa hãi hùng nhớ lại.
Theo Hoài Thu - An Bình/Đời sống Plus