Chúng tôi về thăm làng Hòa Xá, huyện Ứng Hòa - quê hương của chiếc gậy Trường Sơn hào hùng một thuở, gắn liền với anh bộ đội Cụ Hồ vượt Trường Sơn hùng vĩ những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Gặp ông Phùng Văn Quán, nhân chứng sống duy nhất trong căn nhà cấp 4 đơn sơ, chúng tôi không khỏi hồi hộp nghe kể lại câu chuyện thời trai tráng, thanh niên xung phong tình nguyện lên đường vào chiến trường Quảng Trị.
|
Ông Phùng Văn Quán và kỷ vật "chiếc gậy Trường Sơn". |
Ông Quán bồi hồi giở chiếc túi vải tự may để bọc cây gậy gỗ mà 50 năm trước nó đã cùng ông vượt dãy Trường Sơn. Ông Quán nhớ lại, trong số 8 anh em quê ở Hòa Xá cùng đeo ba lô gạch 25kg, với những chiếc gậy đi bộ vào tận chiến trường Quảng Trị để đánh giặc, thì có 6 người nằm lại ở chiến trường. Riêng ông và ông Lưu Quốc Long trở về, nhưng ông Long cũng đã chết mấy năm nay. Hiện nay, ông là nhân chứng duy nhất còn sống…
Cho chúng tôi xem “chiếc gậy Trường Sơn”, ông Quán giải thích: “Đây là chiếc gậy gỗ rừng còn rất tốt, không hề bị mục… Khi vào đến chiến trường gửi chiếc gậy về cho mẹ báo là tôi đã vào chiến trường và còn rất mạnh khỏe thì mẹ mừng lắm! Mấy năm sau, chiếc gậy này đã thất lạc sang nhà hàng xóm, con tôi phải đi xin mãi mới lấy được về…”.
Chúng tôi quan sát, trên cây gậy gỗ, được khắc những dòng chữ “thà quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, “Fùng Quán” và “Trường Sơn 1/4/1967”.
|
Ông Quán là cha đẻ của "chiếc gậy Trường Sơn" Ảnh: SGGP |
Kể về cây gậy, ánh mắt người lính già sáng lên ký ức của những gian khó khi vượt dãy Trường Sơn 50 năm trước. Từ những cây gậy trên quê hương ông mà bài hát “Chiếc gậy Trường Sơn” ra đời, góp phần làm nên những huyền thoại trên đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh...
Năm 1965, đế quốc Mỹ tăng cường leo thang đánh phá miền Bắc ác liệt, người dân Hòa Xá có sáng kiến lập những đơn vị quân đội dự bị để khi Tổ quốc gọi, thanh niên Hòa Xá sẵn sàng. Mọi nam thanh niên từ 17 - 18 tuổi trở lên đều tình nguyện tham gia rèn luyện trong những điều kiện khắc nghiệt tương tự như những cuộc hành quân vượt dãy Trường Sơn. Mỗi thanh niên mang trên vai tải gạch nặng khoảng 20 - 25kg. Vì phải vượt qua những chặng đường dài (vượt sông, băng rừng), người Hòa Xá đã nghĩ ngay đến việc tìm một cây gậy, giúp người chiến sĩ thêm chắc tay khi vượt qua những địa hình phức tạp, chiếc gậy ra đời và có tên là gậy đi rèn sức.
|
Gậy Trường Sơn được thờ như một báu vật sống. Ảnh: SGGP |
Ông Quán nhớ lại: Người làng Hòa Xá tham gia Binh đoàn 559 nhiều lắm, có đến hơn trăm người. Chúng tôi là quân bổ sung vào chiến trường B, hành quân suốt đường Trường Sơn, đến binh trạm nào cũng gặp người làng. Khi hành quân đến Binh trạm 34 thì mấy anh em gặp người làng được về phép. Các anh ấy hỏi chúng tôi có nhắn gửi gì về gia đình không? Chẳng kịp viết thư, 3 anh em gửi 3 cây gậy đã chống suốt một chặng đường dài để báo tin cho gia đình rằng mình đã vào đến chiến trường và vẫn mạnh khỏe. Chẳng ngờ, sau này nó lại là nhân chứng cho một thời xẻ dọc Trường Sơn.
Đúng thời điểm đó, có 3 chiếc gậy của 3 người con Hòa Xá là Lưu Quốc Long, Đỗ Tít, Phùng Văn Quán gửi về từ Trường Sơn với lời nhắn với quê hương rằng, chúng con đã vững vàng vượt qua Trường Sơn hùng vĩ, mạnh khỏe và đang tiếp tục sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Những chiếc gậy đó đã trở thành biểu tượng truyền thống của người dân Hòa Xá trong các đợt tuyển quân, các cụ cao niên trong làng lại tặng mỗi người con Hòa Xá một “chiếc gậy quê hương” thay cho lời nhắn nhủ luôn vững bước và giữ trọn tấm lòng thủy chung son sắt với quê hương, với Tổ quốc.
Trong một lần hành quân, được nghe bài hát của nhạc sỹ Phạm Tuyên “Chiếc gậy Trường Sơn” phát trên Đài Tiếng nói Việt Nam, ông Quán đã nhận ra bài hát đó nói về quê hương mình và ông biết chiếc gậy kỷ niệm của mình đã về đến quê nhà... Chính từ những hành động đó, loại gậy này được đổi tên thành gậy Trường Sơn kể từ ngày ấy.
Nhớ lại những năm tháng hào hùng đã qua, ông Quán cho biết: “Hòa Xá không chỉ là đơn vị đi đầu trong việc cấp quân cho tiền tuyến những năm kháng chiến, mà cho đến tận bây giờ, vẫn giữ được danh hiệu “Đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân” vì thành tích huấn luyện tân binh của mình.
Chiến tranh đã lùi xa, Hòa Xá có 137 người con hy sinh trong các thời kỳ cách mạng.
Một thời xẻ dọc Trường Sơn, ông cũng bị di chứng của chiến tranh, ảnh hưởng đến sức khỏe và cuộc sống gia đình cũng còn nhiều khó khăn. Dù đã 73 tuổi, hai vợ chồng ông Quán vẫn phải bươn trải kiếm sống và phụ giúp con cái.
Ông Quán cho biết, có nhiều người đến thăm và đặt vấn đề xin kỷ vật chiếc gậy Trường Sơn đó và sẽ bồi dưỡng ông 2 triệu đồng, thâm chí có người trả giá 20 triệu đồng, nhưng ông không bán vì nếu bán đi thì hết ý nghĩa… Mong muốn của ông Quán khi khuất xa sẽ đưa chiếc gậy Trường Sơn đó đi cùng làm bạn…
Mời quý độc giả xem video Hầm bí mật của Biệt động Sài Gòn (nguồn VTV):
Theo Thu Huệ/Thanh tra