Trong tuần qua, thông tin về dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ đề xuất ô tô cá nhân phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình đã thu hút sự quan tâm của bạn đọc.
Điều 33 của dự thảo quy định về điều kiện phương tiện tham gia giao thông đường bộ, Bộ Công an đề xuất bổ sung xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông phải đáp ứng các điều kiện như có thiết bị giám sát hành trình; thiết bị thu thập dữ liệu, hình ảnh người lái xe; dữ liệu, hình ảnh bảo đảm an toàn hành trình theo quy định.
Một số bạn đọc cho rằng nếu dự thảo được thông qua thì ô tô cá nhân sẽ bắt buộc phải lắp đặt camera giám sát hành trình, ghi hình cabin, điều này sẽ xảy ra một số bất tiện cho người dân.
Chỉ nên áp dụng với xe làm dịch vụ vận tải
Bạn đọc Thái Thanh bình luận: “Theo tôi, việc lắp camera hành trình có nhiều mặt hữu ích. Ví dụ như khi xảy ra các vụ ngạt khí trên xe thì với camera trên xe sẽ giúp người bên ngoài dễ phát hiện. Đồng thời, với những trường hợp xảy ra tai nạn và có những dữ liệu trên xe thì cơ quan chức năng sẽ có cơ sở phân định lỗi chính xác hơn.
Ngoài ra, các công ty bảo hiểm có thể dùng hình ảnh trích xuất từ camera để xác định những trường hợp cố tình va chạm vào xe để tránh tình trạng trục lợi bảo hiểm… Đây là những điểm vượt trội của việc gắn thiết bị camera trên xe. Tuy nhiên, việc gắn thiết bị này chỉ nên khuyến khích cứ không nên bắt buộc vì nó còn ảnh hưởng đến bí mật đời tư của người trên xe”.
|
Không ít người lo ngại nếu bắt buộc gắn camera ghi hình cabin xe cá nhân thì sẽ dễ lộ thông tin cá nhân. Ảnh: LƯU ĐỨC |
“Theo quy định hiện nay, bắt buộc các ô tô kinh doanh vận tải phải lắp thiết bị giám sát hành trình, thu thập hình ảnh tài xế. Việc gắn thiết bị này đối với các ô tô kinh doanh vận tải theo tôi là phù hợp. Bởi việc này sẽ giúp công ty quản lý dễ dàng giám sát, theo dõi thái độ phục vụ của tài xế đối với khách và chấn chỉnh kịp thời khi phát hiện vi phạm của tài xế. Tuy nhiên, việc áp dụng gắn camera trên xe cá nhân thì không ổn và không cần thiết. Chưa kể người lái xe cá nhân muốn giữ thông tin di chuyển của mình, mà việc gắn thiết bị này trên xe liệu có an toàn không?” - bạn đọc Trần Minh nêu.
Bạn đọc Phan Anh ý kiến: “Khi đưa ra dự thảo trên, cơ quan soạn thảo cần làm rõ thêm về quy định như cách thức quản lý dữ liệu thu thập được từ xe cá nhân, cơ quan nào được quyền khai thác, được khai thác trong trường hợp nào… Nếu có điều khoản bắt buộc mà không được quản lý chặt thì sẽ ảnh hưởng đến quyền riêng tư của người dân”.
Bí mật thông tin của người dân cần được bảo đảm
Bạn đọc Hạnh Nguyễn chia sẻ: “Ô tô cá nhân mà gắn camera hành trình ghi lại hình ảnh, tôi e rằng sẽ rất bất tiện và việc lộ thông tin cá nhân là không thể tránh. Ví dụ, đi trên xe mà bàn kế hoạch kinh doanh, bí mật riêng của một người nào đó và nếu dữ liệu camera vô tình bị người ra ngoài xâm nhập thì hậu quả khó lường, ai chịu trách nhiệm nếu có thiệt hại. Thiết nghĩ, trước khi đưa ra dự thảo cần phải suy nghĩ thấu đáo tất cả khía cạnh về lợi, hại khi áp dụng”.
“Camera hành trình trên xe cá nhân của tôi đang dùng nhưng tôi cũng để chế độ tắt thu âm... Có những lúc khi vợ chồng nói chuyện riêng trên xe, cũng không muốn người khác nghe hết những nội dung ấy khi xem lại. Nếu như quy định trên đưa ra áp dụng chung và việc quản lý dữ liệu không tốt thì thông tin bị rò rỉ ra ngoài ai sẽ chịu trách nhiệm” - bạn đọc Thái Minh ý kiến.
Bạn đọc Văn Phan bình luận: “Việc gắn camera trên ô tô để dễ quản lý và giám sát cần thiết. Thế nhưng việc gắn thiết bị này trên xe cá nhân thì không nên, vì mọi người đều có quyền cá nhân, quyền riêng tư và quyền này cần được bảo vệ. Theo tôi, để quản lý tốt thì cơ quan nhà nước cần đầu tư lắp đặt camera giám sát trên đường, khu vực công cộng sẽ hợp lý hơn”.
Theo Nguyễn Hiền/Pháp Luật TP HCM