Chiều 5/1, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam cho biết theo Nghị định 108 của Chính phủ, từ ngày 1/1, mức lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hàng tháng của nhiều người sẽ được điều chỉnh tăng thêm 7,4%.
Với chính sách trên, BHXH Việt Nam dự kiến có khoảng 2,96 triệu người được điều chỉnh tăng mức lương hưu, trợ cấp với tổng kinh phí tăng thêm trong tháng 1 là gần 1.052 tỷ đồng.
Cụ thể, gần 905.000 người thụ hưởng từ nguồn ngân sách Nhà nước, với tổng kinh phí tăng thêm 257,3 tỷ đồng. Trong đó, 632.000 người hưởng lương hưu được điều chỉnh với tổng kinh phí tăng thêm gần 202,8 tỷ đồng.
Ngoài ra, hơn 2 triệu người hưởng từ nguồn quỹ BHXH với tổng kinh phí tăng thêm 794,4 tỷ đồng sau khi điều chỉnh.
Đối tượng thụ hưởng các chính sách trên là cán bộ, công chức, công nhân, viên chức và người lao động, quân nhân, công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu đang hưởng lương hưu hàng tháng; cán bộ xã, phường, thị trấn; người đang hưởng trợ cấp mất sức lao động hàng tháng theo quy định của pháp luật...
|
Theo thống kê của Bộ LĐTB&XH, đến cuối năm 2020, hơn 14,1 triệu người ở độ tuổi sau nghỉ hưu, nhưng chỉ có 4,9 triệu người đang thụ hưởng các chính sách về lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hưu trí. Ảnh: Phương Lâm.
|
Tại Nghị định 108 về việc điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng ban hành chiều 7/12/2021, Chính phủ quyết định điều chỉnh tăng 7,4% trên mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng kể từ năm 2022.
Việc điều chỉnh sẽ thực hiện theo nguyên tắc người có lương hưu, trợ cấp dưới 2,3 triệu đồng/tháng sẽ được tăng bù thêm 200.000 đồng/người/tháng. Người có lương hưu, trợ cấp hàng tháng từ 2,3 đến dưới 2,5 triệu đồng/tháng sẽ được tăng thêm để đạt mức 2,5 triệu đồng/tháng.
Các quy định tại Nghị định 108 được thực hiện từ ngày 1/1/2022.
Trong dự thảo Luật BHXH sắp lấy ý kiến, Bộ LĐTB&XH cũng đề xuất sửa đổi điều kiện hưởng chế độ hưu trí theo hướng giảm dần số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí từ 20 năm xuống 15 năm, hướng tới còn 10 năm với mức hưởng được tính toán phù hợp.
Theo Bộ LĐTB&XH, việc thay đổi này nhằm tạo điều kiện cho người lao động cao tuổi, có số năm tham gia bảo hiểm xã hội thấp được tiếp cận và thụ hưởng quyền lợi bảo hiểm xã hội.
Theo Mỹ Hà/Zing