Cơ quan chức năng quận Tây Hồ (Hà Nội) đang truy tìm đối tượng có hành vi sàm sỡ cô gái trẻ tại khu vực ngã 3 đường Yên Phụ- Thanh Niên. Tối 20/5, camera giám sát tại ngã 3 đường Yên Phụ- Thanh Niên (phường Yên Phụ, quận Tây Hồ) ghi lại cảnh hai cô gái dừng xe chờ ở nút giao thông. Lúc này, một người đàn ông đi xe máy từ phía sau tiếp cận gần.
Sau vài giây nhìn ngó xung quanh, gã đàn ông này bất ngờ dùng tay đụng chạm vào phần nhạy cảm trên cơ thể cô gái trẻ. Sau khi gây ra vụ việc, đối tượng nhanh chóng rồ ga bỏ chạy.
Đoạn clip quay lại vụ việc trên sau đó lan truyền chóng mặt trên mạng xã hội, thu hút sự quan tâm rất lớn từ dư luận. Nhiều ý kiến chỉ trích, lên án hành vi xấu hổ của người đàn ông này.
|
Gã đàn ông điều khiển xe máy có hành vi sàm sỡ với cô gái trẻ khi tham gia giao thông. |
Theo Ts.Ls Đặng Văn Cường- Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư Hà Nội), hành vi của người đàn ông trong clip có thể là cướp giật tài sản hoặc quấy rối tình dục. Bởi vậy cơ quan chức năng cần vào cuộc xác minh làm rõ sự việc, xác định danh tính của người này để xử lý theo quy định của pháp luật
Pháp luật Việt Nam bảo vệ danh dự nhân phẩm và tài sản của mọi công dân. Hành vi xâm phạm trái pháp luật đến danh dự nhân phẩm hoặc tài sản của người khác là hành vi vi phạm pháp luật, tùy vào tính chất, mức độ của hành vi vi phạm, tùy thuộc vào hậu quả xảy ra mà người vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Diễn biến trong clip đang lan tải trên mạng xã hội cho thấy người đàn ông tiếp cận với hai cô gái ở giao lộ rồi thò tay về phía ngực cô gái và nhanh chóng rời đi khiến cô gái hoảng hốt kêu la. Cơ quan chức năng sẽ làm rõ hành vi, làm rõ động cơ mục đích và xác định hậu quả đã gây ra đối với cô gái này và với xã hội để có hình thức xử lý phù hợp với quy định của pháp luật.
Kết quả xác minh cho thấy, nếu hành vi thò tay giật dây chuyền rồi bỏ chạy thì có thể xử lý hình sự về tội "Cướp giật tài sản". Còn nếu đối tượng thò tay với mục đích sờ vào ngực cô gái thì hành vi này là quấy rối tình dục, là hành vi sàm sỡ xúc phạm người khác. Bởi vậy đối tượng này có thể chỉ bị xử phạt hành chính với mức phạt tới 8.000.000 đồng theo quy định tại điểm đ (khoản 5, Điều 7, Nghị định 144/2021/NĐ-CP).
Hiện nay, khái niệm quấy rối tình dục được đưa ra trong lĩnh vực lao động và trong nghị định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự an toàn xã hội nêu trên. Tuy nhiên, khái niệm này cũng chưa được mô tả cụ thể trong các văn bản pháp luật, mức chế tài đối với hành vi quấy rối tình dục cũng khác nhau tùy thuộc vào đối tượng thực hiện hành vi, phụ thuộc vào nạn nhân và hậu quả của hành vi đó.
Theo cách hiểu thông thường thì: "Quấy rối tình dục" là hành vi có tính chất tình dục gây ảnh hưởng tới nhân phẩm của nữ giới và nam giới, đây là hành vi không được chấp nhận, không mong muốn và không hợp lý, xúc phạm đối với người nhận và tạo ra môi trường làm việc bất ổn, đáng sợ, thù địch và khó chịu.
"Như vậy, hành vi quấy rối tình dục là những hành vi có tính chất tình dục, nó thể hiện ở mức độ đụng chạm, tiếp xúc cơ thể hoặc chỉ là lời nói, ánh mắt. Đây là những hành vi mà nạn nhân không mong muốn, không chấp nhận và hậu quả của hành vi này gây ra xấu hổ, sợ hãi, bất an đối với nạn nhân. Hành vi quấy rối tình dục có thể thể hiện ở nhiều biểu hiện khác nhau, ở những mức độ khác nhau và có thể gây ra những hậu quả khác nhau", Ts. Ls Cường chia sẻ.
|
Ts.Ls Đặng Văn Cường cho rằng, những đối tượng biến thái như vậy sẽ luôn là mối đe dọa trong cộng đồng. |
Cũng theo Tiến sĩ Cường, trong tình huống nêu trên, mục đích của đối tượng không phải là cướp giật tài sản thì sẽ được xác định là hành vi quấy rối tình dục, hành vi này diễn ra nhanh chóng khiến nạn nhân hoảng loạn, sợ hãi nên đối tượng này sẽ bị xử phạt hành chính với mức phạt có thể tới 8.000.000 đồng. Trường hợp hành vi là có chủ đích, thực hiện nhiều lần ở nhiều địa điểm khác nhau nơi công cộng đối với một nạn nhân dẫn đến nạn nhân cảm thấy xấu hổ, hoang mang, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lý và sức khỏe thì hành vi này còn xác định là hành vi làm nhục người khác. Đối tượng vi phạm trong trường hợp này có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Làm nhục người" theo Điều 156 (BLHS 2015).
Ngoài ra, nếu nạn nhân là người chưa đủ 16 tuổi mà người đã thành niên sờ tay vào ngực hoặc những vị trí nhạy cảm trên cơ thể của nạn nhân, hành vi có tính chất tình dục, tìm kiếm khoái cảm tình dục thì đây là hành vi dâm ô với người dưới 16 tuổi, người vi phạm sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Dâm ô với người dưới 16 tuổi".
Với những đối tượng có hành vi biến thái như vậy, thực hiện hành vi vi phạm pháp luật ngang nhiên nơi công cộng mà không bị phát hiện xử lý thì sẽ gây hoang mang lo lắng trong cộng đồng, gây bất an cho nhiều người. Bởi vậy cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc xác minh làm rõ danh tính của đối tượng, làm rõ nguyên nhân, diễn biến hành vi và xác định hậu quả để có hình thức xử lý phù hợp với quy định của pháp luật. Trường hợp đối tượng có bệnh lý về tình dục, có biểu hiện tâm lý bất thường thì có thể áp dụng các biện pháp tâm lý, trong đó có thể áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh hoặc các biện pháp hành chính khác đảm bảo an toàn cho cộng đồng.
Với những đối tượng có biểu hiện hành vi như vậy thì rất dễ thực hiện những hành vi xâm hại tình dục phụ nữ và trẻ em. Trường hợp đối tượng gặp nạn dân ở nơi vắng vẻ hoặc nạn nhân là người trẻ tuổi, thiếu kỹ năng sống, không có khả năng tự vệ thì rất dễ trở thành nạn nhân của hành vi xâm hại tình dục như hiếp dâm, cưỡng dâm, dâm ô...Chứ không đơn giản chỉ là sờ mó, đụng chạm gây khó chịu, bất an cho nạn nhân.
Những đối tượng biến thái như vậy sẽ luôn là mối đe dọa trong cộng đồng, các đối tượng có thể thực hiện hành vi vi phạm pháp luật bất kỳ lúc nào khi có cơ hội. Bởi vậy việc phát hiện, sàng lọc để quản lý và răn đe là cần thiết.
Với những đối tượng ngang nhiên, công khai thực hiện hành vi quấy rối tình dục nạn nhân nơi công cộng như vậy thì có thể đối tượng đã thực hiện với nhiều nạn nhân khác trước đó và nếu không bị phát hiện xử lý thì sẽ tiếp tục thực hiện những hành vi tương tự.
Cơ quan chức năng cũng sẽ làm rõ danh tính của hai cô gái và có thể xử phạt hai cô gái này về hành vi không đội mũ bảo hiểm. Pháp luật Việt Nam hiện nay quy định người tham gia giao thông bằng xe mô tô, xe gắn máy và xe đạp điện, xe máy điện đều phải đội mũ bảo hiểm.
Hành vi không đội mũ bảo hiểm có thể sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại Nghị định số 100/2019/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ. Với hành vi vi phạm giao thông đường bộ, người điều khiển xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm có thể bị phạt tiền từ 400.000 đến 600.000 đồng theo khoản 4 (Điều 8, Nghị định 100/2019/NĐ-CP).
"Để phòng tránh các đối tượng thực hiện hành vi xâm hại tình dục, các chuyên gia khuyến cáo đối với các cô gái trẻ là không nên ăn mặc quá "mát mẻ" nơi vắng người, tránh những cử chỉ cử chỉ có tính chất "khiêu khích" đối với người lạ. Các đối tượng thực hiện hành vi xâm hại tình dục chỉ có thể thực hiện được hành vi vi phạm khi có thời cơ, có cơ hội", Ts.Ls Cường nhận định.
Khoản 4 (Điều 8, Nghị định 100/2019/NĐ-CP).
Phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
đ) Người điều khiển xe đạp máy (kể cả xe đạp điện) không đội "mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy" hoặc đội "mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy" không cài quai đúng quy cách khi tham gia giao thông trên đường bộ;
e) Chở người ngồi trên xe đạp máy (kể cả xe đạp điện) không đội "mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy" hoặc đội "mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy" không cài quai đúng quy cách, trừ trường hợp chở người bệnh đi cấp cứu, trẻ em dưới 06 tuổi, áp giải người có hành vi vi phạm pháp luật."
>>> Mời quý vị độc giả xem thêm video: Truy tìm kẻ sàm sỡ cô gái giữa đường phố
Theo Bình Minh/GiadinhNet