Thanh tra Chính phủ vừa ban hành thông báo kết luận thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật trong quản lý, thực hiện quy hoạch và đầu tư xây dựng các công trình điện theo Quy hoạch điện VII và Quy hoạch điện VII điều chỉnh.
Trong đó, đã chỉ ra những khuyết điểm, vi phạm của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN); Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam (TKV) trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao tại Quy hoạch điện VII điều chỉnh.
|
Nhà máy Thủy điện Đồng Nai 2
|
Nhiều vi phạm của EVN
Theo đó, giai đoạn 2011-2020, EVN và các ban quản lý dự án đầu tư xây dựng, các đơn vị thành viên có liên quan đã không hoàn thành việc đầu tư nguồn điện, lưới điện truyền tải theo nhiệm vụ được giao tại Quy hoạch điện VII điều chỉnh, đầu tư nguồn điện đạt 82,2% so với công suất được giao, việc đầu tư lưới điện truyền tải chỉ đạt tỷ lệ thấp. Về quy mô đầu tư hoàn thành so với quy hoạch: đường dây 500kV đạt 35%, đường dây 200kV đạt 54%, trạm biến áp 500kV đạt 54%, trạm biến áp 200kV đạt 64%. Số lượng công trình hoàn thiện so với quy hoạch: đường dây 500kV hoàn thành 14/27 công trình, đạt 52%; đường dây 200kV hoàn thành 73/138 công trình, đạt 53%; trạm biến áp 500kV hoàn thành 16/23 công trình, đạt 70%; trạm biến áp 200kV hoàn thành 96/134 công trình, đạt 72%.
Việc đầu tư lưới điện truyền tải đạt kết quả thấp, nhiều dự án chậm tiến độ, không đáp ứng đủ năng lực truyền tải theo quy hoạch, nhất là việc giải tỏa công suất các nhà máy điện mặt trời nối lưới đầu tư ở khu vực miền Trung, Tây Nguyên; không hoàn thành việc đầu tư lưới điện truyền tải cũng là một trong những nguyên nhân của thực trạng quá tải cục bộ phải cắt giảm công suất phát điện của các nhà máy, ảnh hưởng đến vận hành hệ thống điện…
Đáng chú ý, TTCP cũng chỉ nhiều vi phạm khi thực hiện các quy định của pháp luật về giá mua điện.
Cụ thể, việc mua bán điện của Nhà máy Thủy điện Đồng Nai 2, kết luận thanh tra nêu rõ, ngày 9/5/2014, Công ty Mua bán điện và Công ty cổ phần Thủy điện Trung Nam đã ký hợp đồng mua bán điện với giá tạm tính là 1.740 đồng/kWh, cao hơn 757 đồng/kWh so với mức giá trần khung giá phát điện năm 2013.
Mặc dù sau đó Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã đề xuất thanh toán theo mức giá trần của từng năm, nhưng Bộ Công Thương đã chấp thuận giá tạm thanh toán vượt quy định. TTCP đánh giá, việc làm này không tuân theo Luật Điện lực và Nghị định số 137/2013/NĐ-CP.
Đáng chú ý, sau khi Chủ đầu tư phê duyệt quyết toán vốn đầu tư Nhà máy Thủy điện Đồng Nai 2, Công ty Mua bán điện và Chủ đầu tư đàm phán lại nhưng giá mua điện vẫn vượt khung quy định là ngoài thẩm quyền phê duyệt hợp đồng của Cục Điều tiết điện lực, tuy nhiên, Cục Điều tiết điện lực chưa thực hiện kiểm tra hợp đồng mua bán điện, báo cáo Bộ trưởng xem xét, giải quyết theo thẩm quyền quy định tại khoản 6 Điều 23 Thông tư số 56 ngày 19/12/2014 của Bộ Công Thương.
EVN và Công ty cổ phần Thủy điện Đồng Nai 2 chưa kịp thời báo cáo Cục Điều tiết điện lực để kiểm tra hợp đồng mua bán điện sau khi đàm phán và ký tắt Hợp đồng mua bán điện trên cơ sở quyết toán vốn đầu tư là không đúng quy định.
Việc đàm phán giá điện trên cơ sở số liệu quyết toán vốn đầu tư do chủ đầu tư cung cấp, trong khi số liệu kiểm toán vốn đầu tư dự án do đơn vị kiểm toán độc lập thực hiện thiếu tin cậy, do đó giá mua điện đang tạm thanh toán 1.740 đồng/kWh (chưa bao gồm VAT) là chưa đảm bảo cơ sở pháp lý; nguyên nhân, lý do dẫn đến giá mua bán điện vượt khung quy định cần phải được Bộ Công Thương, EVN kiểm tra, xem xét để giá mua bán điện đảm bảo căn cứ, chính xác, khách quan theo quy định của pháp luật.
Từ những tồn tại, khuyết điểm, vi phạm nêu trên dẫn đến, việc đàm phán, kiểm tra, phê duyệt, xử lý các vướng mắc về giá mua điện, hợp đồng mua bán điện của Nhà máy Thuỷ điện Đồng Nai 2 diễn ra từ tháng 12/2008, đến nay chưa được giải quyết dứt điểm theo quy định của pháp luật và hợp đồng mua bán điện. Trách nhiệm thuộc về EVN, Cục Điều tiết điện lực và Bộ Công Thương.
Việc mua bán điện của Nhà máy Thủy điện Sông Bung 4A, Công ty Mua bán điện và Công ty cổ phần Phú Thạnh Mỹ ký kết Hợp đồng bổ sung số 01 ngày 13/8/2015 trước khi báo cáo Cục Điều tiết điện lực và việc tạm thanh toán theo giá 1.271,84 đồng/kWh vượt khung giá năm 2015 (giá trần năm 2015 là 1.060 đồng/kWh) là chưa đúng quy định; chưa thực hiện đúng chỉ đạo của Bộ Công Thương về việc đưa giá mua bán điện về mức trần tại Văn bản số 3528 ngày 13/4/2015; chưa báo cáo kết quả đàm phán giá điện theo chỉ đạo của Cục Điều tiết điện lực. Trách nhiệm thuộc về EVN.
Đối với giá mua điện của Nhà máy Thủy điện Sông Bung 4A, vượt khung quy định, ngoài thẩm quyền phê duyệt hợp đồng mua bán điện của Cục Điều tiết điện lực, nhưng Cục Điều tiết điện lực chưa kiểm tra hợp đồng, báo cáo Bộ trưởng xem xét, giải quyết theo thẩm quyền quy định. Trách nhiệm thuộc về Cục Điều tiết điện lực.
Việc đàm phán, kiểm tra, phê duyệt và xử lý các vướng mắc về giá mua điện, hợp đồng mua điện của Nhà máy Thủy điện Sông Bung 4A diễn ra từ năm 2013, đến thời điểm thanh tra vẫn chưa giải quyết dứt điểm theo quy định của pháp luật và hợp đồng mua điện.
Tuy nhiên, qua thanh tra, ngày 15/7/2022, EVN và Công ty cổ phần Phú Thạnh Mỹ đã ký Hợp đồng sửa đổi, bổ sung số 05 Hợp đồng mua bán điện, trong đó giá điện chính thức là 1.110 đồng/kWh, bằng giá trần khung giá phát điện đối với nhà máy thủy điện năm 2019 quy định tại Quyết định số 281/QĐ- BCT ngày 12/02/2019 của Bộ Công Thương.
Đáng chú ý, kết luận thanh tra cũng nêu rõ, mặc dù ngày 5/9/2016 cơ quan Kiểm toán Nhà nước đã có Báo cáo kết quả kiểm toán hoạt động xây dựng và việc quản lý, sử dụng vốn đầu tư Dự án đầu tư xây dựng Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1 và Dự án đầu tư xây dựng công trình phân phối 500 kV Trung tâm điện lực Vũng Áng, trong đó kiến nghị xử lý tài chính với tổng số tiền giảm trừ là 3.138,745 tỷ đồng... nhưng đến thời điểm thanh tra, việc đàm phán lại để điều chỉnh giá mua bán điện của Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1 vẫn chưa được EVN, Công ty Mua bán điện và Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam thực hiện theo kết luận, kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước.
Tại Báo cáo Kiểm toán ngày 18/5/2016 của Kiểm toán Nhà nước kèm theo Văn bản số 314 về việc kiểm toán hoạt động xây dựng và việc quản lý, sử dụng vốn đầu tư Dự án xây dựng công trình Thủy điện Đồng Nai 5, trong đó kiến nghị điều chỉnh giảm nguồn vốn 351,235 tỷ đồng... nhưng đến thời điểm thanh tra, EVN, Công ty mua bán điện và Chủ đầu tư vẫn chưa hoàn tất việc đàm phán giá điện theo quyết toán vốn đầu tư dự án theo kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước.
Bộ Công Thương khi được nhận Báo cáo kiểm toán vốn đầu tư xây dựng các dự án nhà máy điện từ Kiểm toán Nhà nước, nhưng chưa kịp thời cung cấp chỉ đạo EVN đàm phán lại giá mua điện, điều chỉnh hợp đồng mua bán điện, đến thời điểm thanh tra, giá mua điện của Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1 và Nhà máy Thủy điện Đồng Nai 5 vẫn chưa điều chỉnh giảm theo kết luận, kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước. Trách nhiệm thuộc về Bộ Công Thương, Cục Điều tiết điện lực, EVN, Công ty Mua bán điện, Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam và Tổng công ty Điện lực – TKV.
PVN và TKV không hoàn thành việc đầu tư các dự án nguồn điện
TTCP nêu rõ, PVN và PVPower đã không hoàn thành việc đầu tư 12 dự án nguồn điện với tổng công suất 13.350MW theo nhiệm vụ được giao tại Quy hoạch điện VII điều chỉnh (đầu tư hoàn thành 1/12 dự án, đạt 8,3% về số lượng, công suất 1200MW/13.350MW, đạt 8,98%).
PVN được giao làm chủ đầu tư 9 dự án, trong đó có 7 dự án đang thực hiện nhưng chậm tiến độ với thời gian dài; 2 dự án chưa triển khai thực hiện. Trách nhiệm thuộc về PVN và PVPower.
Công ty CP điện lực dầu khí Nhơn Trạch 2 là chủ đầu tư dự án Nhà máy nhiệt điện chu trình hỗn hợp Nhơn Trạch 2 tại tỉnh Đồng Nai đã có những khuyết điểm, vi phạm trong việc thực hiện đầu tư dự án. Cụ thể, phê duyệt dự án ĐTXD công trình trước khi Bộ TN&MT phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường là chưa tuân thủ đúng quy định; chủ đầu tư và nhà thầu (PVC) khởi công xây dựng gói thầu EPC san lấp mặt bằng khi chưa có thiết kế bản vẽ thi công được phê duyệt, chưa ký kết hợp đồng thi công xây dựng là vi phạm Luật Xây dựng; trong việc lập, thẩm định dự toán hạng mục san lấp mặt bằng đã áp sai đơn giá cát san nền.
TKV và Tổng công ty Điện lực – TKV đã không hoàn thành nhiệm vụ đầu tư 6 dự án nguồn điện với tổng công suất 2.260MW (đầu tư hoàn thành đưa vào vận hành 4/6 dự án, đạt 66,6% về số lượng dự án; tổng công suất 950MW/2.260MW, đạt 42% về công suất. Trách nhiệm thuộc về TKV và Tổng công ty điện lực – TKV.
TTCP kiến nghị Bộ Công Thương chỉ đạo tổ chức kiểm điểm, xử lý trách nhiệm theo quy định của pháp luật đối với EVN, các ban tham mưu, các đơn vị thành viên có liên quan, Ban Quản lý các dự án điện 2 về những khuyết điểm, vi phạm.
Đồng thời, Bộ Công Thương chỉ đạo tổ chức kiểm điểm, xử lý trách nhiệm theo quy định của pháp luật đối PVN,TKV, các ban tham mưu, các đơn vị thành viên có liên quan.
>>> Mời độc giả xem thêm video: Hàng loạt thủy điện dừng hoạt động
Hải Ninh