Tổng Công ty Điện lực Thành phố Hà Nội (EVN Hà Nội) mới đây cho biết, bắt đầu từ ngày 30/11 sẽ thực hiện thay đổi lịch chốt số điện vào ngày cuối tháng tại 21 quận, huyện trên địa bàn Hà Nội. Điều này đồng nghĩa số ngày sử dụng điện của người dân trong tháng 10 thay vì 31 như mọi khi, sẽ thành tối thiểu 41 đến tối đa 58 ngày, tức tăng thêm 11-28 ngày.
Một số ý kiến lo ngại, hóa đơn tiền điện sẽ thu vào tháng 12 của năm nay sẽ cao hơn so với bình thường do số ngày tiêu thụ điện tăng lên, tác động vào túi tiền người tiêu dùng.
PV Tri thức và Cuộc sống đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu giá cả - Bộ Tài chính và ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội bảo vệ Quyền lợi Người Tiêu dùng Việt Nam, về vấn đề trên.
Tiền điện tháng 10 sẽ tăng đột biến
Từ ngày 30/11, EVN Hà Nội thay đổi lịch chốt số điện vào ngày cuối tháng tại 21 quận, huyện trên địa bàn, tiền điện tháng 10 sẽ tăng đột biến?
PGS.TS Ngô Trí Long: Căn bản giá điện theo lũy tiến, đương nhiên càng dùng nhiều, giá sẽ càng tăng. Do đó, khi chốt số điện 30 ngày, giá sẽ khác với 40 ngày. Tuy nhiên, cách tính chỉ nên tính giá bậc thang trong 30 ngày, phải trừ sự biến động đó đi và phải đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng: Vối với tháng đầu, thời gian sử dụng điện trong tháng của người dân tạm tăng thêm 11-28 ngày, việc tính tiền điện theo bậc thang lũy tiến được EVN Hà Nội cam kết đảm bảo đúng quyền lợi của khách hàng, không có sự thay đổi so với trước đây.
|
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội bảo vệ Quyền lợi Người Tiêu dùng Việt Nam
|
Cụ thể, quyền lợi của khách hàng sẽ được đảm bảo do căn cứ theo điều chỉnh số lượng ngày sử dụng điện thực tế. EVN Hà Nội sẽ căn cứ trên các nghị định, cũng như thông tư hướng dẫn của cơ quan quản lý Nhà nước và mức sử dụng điện của từng bậc thang sẽ được điều chỉnh theo ngày sử dụng thực tế của kỳ ghi chỉ số hóa đơn đó…
Công cụ tính hóa đơn tiền điện của EVN Hà Nội
Bậc 1 cho kWh 0-50 với đơn giá 1.728 đồng/kWh lúc này sẽ được điều chỉnh cho kWh 0-82; bậc 2 cho kWh 51-100 với đơn giá 1.786 đồng/kWh sẽ được điều chỉnh cho kWh 83-164; bậc 3 cho kWh 101-200 với đơn giá 2.074 đồng/kWh sẽ được điều chỉnh cho kWh 165-329; bậc 4 cho kWh 201-300 với đơn giá 2.612 đồng/kWh sẽ được điều chỉnh cho kWh 330-494; bậc 5 cho kWh 301-400 với đơn giá 2.919 đồng/kWh sẽ được điều chỉnh cho từ kWh 495.
Cách tính tiền điện lũy tiến theo sản lượng sử dụng do thay đổi của “Ông Điện” khiến người tiêu dùng thiệt hại?
Ông Nguyễn Mạnh Hùng: Tôi nghĩ người tiêu dùng sẽ không bị ảnh hưởng hay thiệt hại. Bởi chỉ có thay đổi thời gian ghi chỉ số công tơ điện, còn vẫn là thời gian sử dụng điện thực tế. Trước đây, hầu hết công tơ cơ phải có đội ngũ đi ghi số điện nhưng hiện nay, địa bàn TP Hà Nội đã được lắp đặt công tơ điện tử có tính năng thu thập dữ liệu từ xa, cho phép ghi chỉ số công tơ điện một lần vào cuối tháng.
PGS.TS Ngô Trí Long: Điện là nguyên liệu đầu vào hữu hạn, không phải vô hạn, nên phải sử dụng tiết kiệm. Muốn tiết kiệm phải dùng biểu giá lũy tiến. Có nghĩa càng dùng nhiều, người tiêu dùng sẽ phải trả nhiều. Điều này trái với quy luật buôn bán thông thường của thị trường.
Thường ở thị trường càng mua nhiều càng rẻ, mua ít thì đắt. Bên cạnh đó, cung hiện này không đáp ứng đủ cầu. Nhu cầu sử dụng điện tăng rất cao, để hạn chế sử dụng, tiết kiệm điện phải dùng giá mà dùng giá phải lũy tiến. Khi dùng lũy tiến đương nhiên khác giá bình thường. Đó là những lý do buộc ngành điện phải tính theo lũy tiến.
|
PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính)
|
Tránh tâm lý đám đông, EVN Hà Nội nên xem xét, có phương án khi đổi lịch chốt số điện để hài hoà lợi ích người bán người mua?
Ông Nguyễn Mạnh Hùng: Tại họp báo về việc này, tôi đã có ý kiến việc tiêu thụ điện tăng lên cần phải phân tích lý do. Không phải do tiêu thụ một mà tiền điện mất gấp rưỡi, việc này cũng là do cách ghi, thời hạn ghi chỉ số công tơ khác nhau dẫn đến như vậy. Do đó, ngành điện cần tiếp tục truyền thông nhiều hơn, đặc biệt là gần đến thời kỳ triển khai thực hiện chủ trương này.
PGS.TS Ngô Trí Long: Trước sự bất cập, không thỏa đáng với cơ chế giá đó, EVN Hà Nội phải suy nghĩ như thế nào để tránh sự phản ứng của công luận, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Chốt công tơ vào 30/11, tính tiền điện theo bậc thang lũy tiến thế nào?
Bà Tô Lan Phương, Trưởng Ban Kinh doanh, Tổng Công ty Điện lực Hà Nội, cho biết, ngành điện Thủ đô đang kinh doanh bán điện cho khoảng 2,8 triệu khách hàng, với 100% dịch vụ điện được cung cấp trực tuyến trên các nền tảng số.
Theo lộ trình chuyển đổi ghi chỉ số công tơ điện thống nhất về ngày cuối tháng và sẽ bắt đầu thực hiện chốt chỉ số công tơ ngày 30/11/2023. Trong 2023 thì 21 điện lực, còn 9 quận, huyện còn lại triển khai trong năm 2024.
Về lo ngại việc tiền điện có thể tăng lên khi việc chuyển đổi ghi chỉ số công tơ dồn vào ngày cuối tháng, bà Phương cho biết, lịch ghi chỉ số công tơ theo thông lệ trên địa bàn Hà Nội diễn ra từ ngày 3 đến 20 hàng tháng (tùy địa bàn). Khi chuyển đổi về ngày cuối tháng (tức ngày 30 hàng tháng), hóa đơn tiền điện sẽ thu vào tháng 12 của năm nay sẽ cao hơn so với bình thường do số ngày tiêu thụ điện tăng lên.
Giá điện ở nước ta hiện nay cao hay thấp?
So sánh với các nước trong khu vực, giá điện ở nước ta hiện tay được cho ở ngưỡng cao, vừa hay thấp?
PGS.TS Ngô Trí Long: So với các nước trong khu vực hiện nay, giá điện thấp chứ không phải cao.
Điện là độc quyền, Nhà nước quy định giá, EVN không được quy định giá. Mỗi lần tăng giá điện có sự kiểm soát rất chặt chẽ. Sự bất cập hiện nay, trong Quyết định 24, cứ 6 lần giá đầu vào nguyên liệu tăng khách quan, không phải tăng chủ quan, thì phải điều chỉnh giá. Tuy nhiên, thực tế lại không thực thi do lo sợ điện là mặt hàng nhạy cảm, ảnh hưởng vĩ mô, mặt bằng giá. Điện tăng giá thì các mặt hàng khác cũng đồng loạt tăng giá nên phải kìm nén tăng giá điện.
Thực tế cho thấy, từ năm 2019 đến nay mới tăng giá điện một lần 3%, trong khi giá đầu vào đáng lý phải tăng 13 đến 15% mới đủ. Việc tính giá điện không phải tự ngành điện tính. Đầu tiên, EVN tính, cơ quan kiểm toán vào kiểm toán xem đúng hay không, sau đó các cơ quan chức năng như Bộ Tài Chính, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước thẩm định lại cùng Bộ Công thương. Cuối cùng, Bộ Công thương mới công bố giá điện, chứ không phải EVN quyết định giá điện.
Hiện nay, có sự bất cập khi giá nguyên liệu đầu vào tăng mà “ông” cơ chế ra định chế, thể chế pháp lý rõ ràng nhưng lại không thực thi, gây khó khăn cho ngành điện, thiếu nguồn điện là như vậy.
Độc quyền ngành điện của EVN có nên xóa bỏ để tạo sự cạnh tranh cung ứng điện, lành mạnh thị trường?
PGS.TS Ngô Trí Long: Độc quyền và cạnh tranh là đối lập của nền kinh tế. Độc quyền thường gây tác hại đến nền kinh tế và người tiêu dùng nhiều hơn nên xu hướng là các nước luôn kiểm soát độc quyền; còn xóa thì rất khó. Ngay nước Mỹ cũng ra Luật chống độc quyền nhưng không thể xóa được. Bởi kinh tế thị trường là kinh tế cạnh tranh có hiệu quá, trong quá trình cạnh tranh lại nảy sinh độc quyền.
Độc quyền và cạnh tranh là bạn đường, sinh đôi trong nền kinh tế thị trường.Tuy nhiên, dù không xóa được độc quyền cần phải kiểm soát và hạn chế, khuyến khích làm sao để tạo môi trường cạnh tranh.
Cảm ơn các chuyên gia về cuộc trao đổi trên!
Có cần thiết đổi lịch chốt số điện?
Ông Nguyễn Đình Thắng, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, cho rằng, việc thay đổi ghi chỉ số công tơ điện của Tổng Công ty Điện lực Hà Nội là cần thiết, đảm bảo tính thống nhất trong quản lý, giảm thiểu sai sót trong quá trình ghi chỉ số và thanh, quyết toán hoá đơn, cũng như đảm bảo công bằng cho khách hàng (kể cả hộ tiêu thụ sinh hoạt và hộ sản xuất, kinh doanh).
Việc thống nhất ngày ghi chỉ số sẽ đảm bảo quyền lợi của khách hàng, cũng như dễ dàng trong công tác quản lý, vận hành và thanh quyết toán của bên đơn vị bán điện, người sử dụng điện trong thời gian tới.
>>> Mời độc giả xem thêm video Vì sao giá điện tăng?
Hải Ninh (thực hiện)