Sau khi khỏi Covid-19 và gần hoàn thành thời gian tự cách ly tại nhà, Phương Thảo (27 tuổi, quê Nam Định), nhân viên văn phòng ở Hà Nội, chia sẻ lên trang cá nhân về hành trình chiến thắng virus.
Thảo nhận được nhiều lời hỏi thăm, động viên từ người quen, bạn bè. Nhưng không lâu sau, cô nhận được điện thoại của mẹ khuyên con gái xóa bài viết.
“Mẹ sợ hàng xóm đọc được sẽ e ngại chị em mình khi về quê đón Tết. Bởi giờ nhiều người vẫn nghĩ mắc Covid-19 sẽ ảnh hưởng sức khỏe sau này, thậm chí là vô sinh. Mẹ mình không muốn con gái về nghỉ lễ có vài ngày mà bị soi xét, lời ra tán vào”, Thảo nói với Zing.
Càng gần Tết Âm lịch, nhiều người lo lắng trước làn sóng hồi hương của cư dân, lao động xa quê trong dịp này, đặc biệt là những ai về từ vùng dịch như Hà Nội, TP.HCM. Đây là tâm lý chung khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, vaccine chưa phủ hết ở mọi nơi.
Kỳ thị
Ởxã lân cận nơi gia đình Phương Thảo sinh sống, dịch bệnh đang bùng phát mạnh. Hộ nào có người từ xa về là F0, F1 được người xung quanh để ý và đề phòng.
Vì công việc có thể làm online, Thảo tính thu xếp để xin về quê sớm, vào khoảng 23 âm lịch.
“Người mắc Covid-19 vẫn có thể bị lại, biến chủng mới Omicron cũng khó lường nên Tết này, mình sẽ chỉ đến nơi cần thiết như nhà ông bà hoặc gói bánh chưng với gia đình chú, bác. Mình cũng hạn chế gặp người ngoài vì không chắc họ có thoải mái tiếp xúc với người về từ Hà Nội, lại vừa khỏi bệnh như mình hay không”, cô nói.
|
Tâm lý e ngại người từ vùng dịch về quê ăn Tết còn tồn tại khi dịch bệnh diễn biến phức tạp. Ảnh minh họa: Việt Linh.
|
Dù rất mong về quê đón Tết cùng gia đình, Thảo Nhi (quê huyện Cẩm Bình, Hà Tĩnh), hiện làm việc tại TP.HCM, ngán ngẩm khi đọc quy định cách ly của địa phương.
Theo đó, địa phương cô yêu cầu rà soát, lập danh sách công dân sinh sống, học tập, làm việc ở các vùng có dịch đang có nhu cầu về quê trong dịp Tết Nguyên đán để “vận động hạn chế về nếu không thật sự cần thiết”.
Người có nhu cầu hồi hương được khuyến cáo về sớm trước ngày 25/12/2021 âm lịch để thực hiện cách ly y tế theo quy định. Trường hợp ở các vùng dịch có nguy cơ cao về sau thời gian này phải thực hiện cách ly tập trung.
“Ở quê mình, tâm lý kỳ thị người từ xa về còn khá nặng nề. Có người về phát hiện mắc Covid-19 phải đi cách ly một tháng. Khi được ra, họ chịu không nổi áp lực từ xung quanh nên phải nhanh chóng trở lại thành phố. Theo mình tìm hiểu, Sở Y tế ra công văn người về từ vùng 1, 2 không phải cách ly nhưng huyện, xã thì yêu cầu cách ly tại nhà”, Nhi nói.
Ngoài sốt ruột theo dõi quy định cách ly của địa phương, Huỳnh Ngọc Tân (27 tuổi, quê Quảng Ngãi), hiện làm việc trong mảng editor tại TP.HCM, cũng lo lắng về khả năng đối diện tâm lý e ngại, kỳ thị của người xung quanh khi về quê đón Tết.
“Ngày trước ở quê mình, nghe ai từ Sài Gòn về là bà con lối xóm mừng lắm, tới nhà hỏi thăm cho vui. Từ ngày có dịch, mọi người thay đổi hẳn cũng vì lo sợ. Bởi vậy, nếu có về được, mình cũng hạn chế đi lại để tránh tiếp xúc với người ngoài”, anh nói.
Tuân thủ 5K
Gia đình Mai Linh (27 tuổi), giáo viên tại Hải Phòng, hiện ở xã vùng đỏ của thành phố với số ca mắc Covid-19 ngày càng tăng. Trường học nơi cô công tác có 20 học sinh là F0 và chuyển sang dạy online từ ngày 6/12/2021.
“Trước đây, khi xã mình còn là vùng xanh, người từ nơi có dịch như TP.HCM, Hà Nội về mà cứ 10 lại có 8 trường hợp dương tính thì mình rất e ngại, thậm chí tìm lý do để tránh gặp mặt. Nhưng giờ xác định sống chung với dịch, suy nghĩ của mình cũng thay đổi”, cô nói với Zing.
Linh cho hay với người từ xa về trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới, cô có phần e ngại lúc đầu. Tuy nhiên, nếu họ có kết quả xét nghiệm âm tính, nữ giáo viên sẽ thoải mái gặp gỡ, giao tiếp nhưng cố gắng hạn chế.
“Mình thấy nhiều người thân, hàng xóm xung quanh còn có tâm lý e ngại người về từ vùng dịch vì mặc định nghĩ ‘nhỡ dương tính thì sao’. Khi biết gia đình nào có F0 đang cách ly tại nhà, mọi người cũng nhắc nhau tránh tiếp xúc, để ý xem họ có tuân thủ quy định không. Đó là tâm lý bình thường, không tránh khỏi vì dịch bệnh ngày càng phức tạp”, Linh nói.
Khi số ca mắc Covid-19 ở Hà Nội ngày càng tăng, bà Trần Hiệu (54 tuổi, Yên Bái) lo lắng vì con gái đang sinh sống và làm việc tại đây. Ngày nào bà cũng gọi điện hỏi han và dặn dò con cẩn thận, nhất là khi công ty và chung cư cô ở đều có F0.
“Vì dịch bệnh, con gái tôi 7 tháng nay chưa thể về thăm nhà. Gia đình không có người thân thích ở Hà Nội nên tôi mong con gái có thể về nhà ăn Tết an toàn, không phải lủi thủi một mình trên đó. Tôi dặn con xin về sớm để kịp cách ly tại 7 ngày trước Tết. Tôi cũng đã dọn sẵn phòng ốc chỉ đợi con về”, bà nói.
Theo bà Hiệu, ở các đợt dịch trước, nơi bà sinh sống không có F0. Nhưng gần đây, số ca mắc Covid-19 ngày càng tăng, chủ yếu là người lao động về từ TP.HCM và Bắc Ninh. Bởi vậy, nhiều người dần có tâm lý e ngại lao động từ xa về.
Người mẹ cho hay nếu việc di chuyển bằng xe khách không an toàn, bà sẽ nhờ vợ chồng con gái cả chạy xe xuống Hà Nội đón con gái út về.
“Tết mọi năm chỉ có một nên tôi mong gia đình được sum vầy. Gia đình tôi luôn tuân thủ 5K, hạn chế tiếp xúc nhiều người trong dịp này để đảm bảo an toàn”, bà nói.
Theo Thiên Nhi / Zing