[e-Magazine] Thông tư 29 dạy thêm, học thêm: “Đau một lần, lợi ích lâu dài”

Thông tư 29 quy định nhà trường được tổ chức dạy thêm nhưng không thu tiền đối với học sinh cuối cấp. Phụ huynh vẫn lo lắng việc không thu tiền, hạn chế thời lượng ảnh hưởng đến chất lượng giảng dạy.
 
[e-Magazine] Thong tu 29 day them, hoc them: “Dau mot lan, loi ich lau dai”
 
Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT về quản lý dạy thêm, học thêm được Bộ GD&ĐT ban hành có hiệu lực từ ngày 14/2/2025. Thông tư có các quy định dạy thêm trong nhà trường không được thu tiền và chỉ dành cho một số đối tượng; tổ chức, cá nhân dạy thêm phải đăng ký kinh doanh. Các quy định này khiến phụ huynh băn khoăn, thậm chí lo lắng khi các kỳ thi cuối cấp đang cận kề.
PV Tri thức và Cuộc sống đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Trần Thành Nam, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội.
[e-Magazine] Thong tu 29 day them, hoc them: “Dau mot lan, loi ich lau dai”-Hinh-2
 
Thông tư 29 quy định giáo viên đang dạy học tại các nhà trường có thể tham gia dạy thêm ngoài nhà trường, nhưng không được dạy thêm có thu tiền với học sinh mình dạy chính khóa. Điều này có gây bất cập, khó khăn cho học sinh cuối cấp phải dừng ôn tập, ôn thi?
Trước tiên, tinh thần Thông tư số 29 quy định về dạy thêm, học thêm muốn hướng đến nền giáo dục chính khóa, nền giáo dục không phụ thuộc vào học thêm để đạt được năng lực. Thông tư này cũng là giai đoạn kế thừa của thông tư 17 trước đây chứ không phải là mới, có điều thông tư 17 ban hành nhưng làm không triệt để.
Thời điểm thông tư 29 có hiệu lực chỉ còn một vài tháng nữa là học sinh đối diện với các kỳ thi cuối cấp đầy cam go. Tuy nhiên, phải hiểu rõ, Thông tư số 29 quy định nhà trường được tổ chức dạy thêm nhưng không thu tiền đối với 3 đối tượng học sinh, trong đó có học sinh cuối cấp. Dù vậy, một số phụ huynh vẫn lo lắng việc không thu tiền ôn tập, ôn thi với học sinh cuối cấp và hạn chế thời lượng sẽ ảnh hưởng đến chất lượng giảng dạy.
[e-Magazine] Thong tu 29 day them, hoc them: “Dau mot lan, loi ich lau dai”-Hinh-3
 
Bộ GD&ĐT có suy tính mặt đối lập của “cái được” của việc siết chặt dạy thêm, học thêm đối với đối tượng học sinh cuối cấp, chuyển cấp này không?
Như tôi nói ở trên, thông tư 29 có tính đúng đắn, hợp lý, giúp học sinh hướng đến một nền giáo dục chính khóa chất lượng, không phụ thuộc vào học thêm, dạy thêm. Thông tư được đưa ra trước đó và lùi thời điểm có hiệu lực một vài tháng. Đáng lẽ chúng ta cần có sự chuẩn bị tốt hơn về mặt tâm thế cho các bên gồm giáo viên, phụ huynh và học sinh.
Đối với học sinh cuối cấp, chuyển cấp, theo thông tư, đây là một trong 3 đối tượng được học thêm trong nhà trường, thuộc trách nhiệm của nhà trường và không thu tiền. Điều quan trọng là hướng dẫn giáo viên để thay đổi nhận thức. Cần xác định rằng, ngành giáo dục đã làm rất nhiều việc để có thể giúp nâng cao vị thế của người giáo viên, cũng như việc xếp lương giáo viên theo ngạch bậc cao nhất trong hành chính sự nghiệp. Giáo viên cũng cần thực hiện cả trách nhiệm không chỉ dạy học trong giờ mà còn cả ngoài giờ lên lớp như tư vấn định hướng giáo dục học sinh, hỗ trợ, hướng dẫn thêm cho các học sinh kém.
Thông tư có thể gây thiệt thòi cho một số giáo viên, nhưng trách nhiệm của giáo viên phải giúp các học sinh bước qua giai đoạn hoang mang này. Với những học sinh chưa an tâm, giáo viên có thể hướng dẫn về phương pháp học, hướng dẫn các nhiệm vụ để ôn tập...
Trên thực tế, không cần đợi đến thông tư 29, có rất nhiều trường tư thục đã triển khai mô hình dạy chính buổi sáng, buổi chiều dạy bổ sung kiến thức cho những học sinh kém không thu phí. Ở một số ngôi trường khác, ngoài giờ lên lớp, giáo viên cũng có giờ trực văn phòng (office hours) để hẹn gặp hỗ trợ, giải đáp thắc mắc cho người học. Tất cả đều không thu phí vì giáo viên ý thức được đây là trách nhiệm của họ và đã được trả trong lương.
Đây cũng là thời điểm phụ huynh nhìn lại, phải có trách nhiệm hướng dẫn con, giúp con trưởng thành theo năng lực mà mình mong muốn. Chúng ta phải nhìn thấy cái được lớn nhất là ngắt vòng lặp này. Từ trước đến nay, đa phần học sinh chỉ toàn đi học thêm, rất ít thời gian tự học. Sáng hôm sau giờ học chính vẫn lơ mơ thì làm sao có sự sẵn sàng về tinh thần một cách sáng suốt để học, dẫn đến học thêm bơ phờ, học chính lại lơ ngơ.
Thời điểm này không được học thêm, phụ huynh phải giúp con tự chủ, tự học được bằng cách sử dụng các công cụ AI giống như gia sư cá nhân. Hiện có nhiều tài nguyên được các thầy hướng dẫn một cách miễn phí, học sinh cảm thấy chưa tự tin có thể xem, nghiên cứu.
Giáo viên không thể dạy học “miễn phí” kéo dài. Không thu tiền học sinh mình dạy, chế độ thù lao được chi trả từ nguồn kinh phí nào?
Tôi cho rằng, nhà trường có thể huy động và điều tiết được một số nguồn kinh phí cho việc hỗ trợ ôn luyện để giáo viên có thể dạy miễn phí. Như trong các chương trình hoạt động giáo dục của nhà trường, có nhiều quỹ, vận động xã hội hóa. Chỉ là mức độ thế nào, tính toán sao cho phù hợp. Khi thực hiện được Luật Nhà giáo, mọi thứ sẽ ổn hơn. Vì theo Luật Nhà giáo còn có các quỹ phát triển nghề nghiệp cho giáo viên.
[e-Magazine] Thong tu 29 day them, hoc them: “Dau mot lan, loi ich lau dai”-Hinh-4
 
Giáo viên phải đăng ký kinh doanh để dạy thêm ngoài trường học, đảm bảo tính hợp pháp và quản lý chặt chẽ hơn các hoạt động dạy thêm. Tuy nhiên, quá trình đăng ký kinh doanh nhiều thủ tục phức tạp, gian xử lý kéo dài?
Mặc dù mang lại nhiều lợi ích dài hạn, thông tư 29 cũng đang đặt ra không ít quan ngại và tranh luận. Trong đó có yêu cầu giáo viên phải đăng ký kinh doanh khi dạy thêm ngoài trường. Nhiều giáo viên lo ngại rằng quy định này sẽ khiến họ mất đi một phần thu nhập đáng kể và phải tìm cách "lách luật" để tiếp tục duy trì.
Đối với những thủ tục đăng ký dạy thêm, tôi cho rằng cần nghiên cứu kỹ và làm thế nào để tạo điều kiện cho các giáo viên muốn tham gia các hoạt động dạy thêm ngoài nhà trường được thuận lợi hơn, đó là quyền của họ. Chúng ta phải làm thế nào đó để giữ lại những giáo viên giỏi, tâm huyết trong hệ thống trường công.
Chế tài kiểm soát thu nhập dạy thêm và thu thuế TNCN đối với giáo viên như thế nào?
Đối với một số quốc gia trên thế giới hay ngay một số nước láng giềng như Trung Quốc nền kinh tế dạy thêm quy mô hơn 300 tỷ đô một năm. Chúng ta cũng cần minh bạch nguồn dạy thêm, không gây gánh nặng cho các gia đình nên cần phải đăng ký kinh doanh. Tuy nhiên, thủ tục, quy trình phải đảm bảo được sự công bằng cho các giáo viên kể cả trong hệ thống công, hệ thống tư.
Cũng phải thay đổi tư duy của thầy cô. Có những thầy cô chỉ dạy thêm được học sinh lớp mình do học sinh bắt buộc phải đi học.
[e-Magazine] Thong tu 29 day them, hoc them: “Dau mot lan, loi ich lau dai”-Hinh-5
Thực tế cho thấy từ trước Tết tới thời điểm này, để hạn chế gián đoạn việc dạy thêm, học thêm, nhiều giáo viên đã tìm các cơ sở, trung tâm để được liên kết “ghi danh” dưới hình thức “nộp tô” phí dịch vụ quản lý?
Tôi cho rằng, đây là những hình thức lách luật dựa trên tâm lý phụ huynh không an tâm, còn cô giáo vẫn có nhu cầu được dạy thêm. Người thiệt hại hơn lại chính là các phụ huynh khi phải tăng chi phí.
Tuy nhiên, việc này không giải quyết được vấn đề cốt lõi của giáo dục là nâng cao năng lực tự học của người học, không làm giảm đi áp lực học tập.
Điều đầu tiên cần làm chính là thay đổi nhận thức của giáo viên và phụ huynh. Bản thân các giáo viên chấp nhập hình thức này là chưa hết trách nhiệm của mình. Còn phụ huynh cũng chưa có nhận thức đúng đắn. Họ nộp tiền cho các trung tâm để giáo viên dạy thêm con em họ, nhưng lúc nào đó họ cũng lên mạng nói, làm tổn hại hình ảnh của giáo viên. Nhân sự kiện này, đau một lần, thay đổi một lần nhưng cần sự quyết tâm vì lợi ích lâu dài.
Xin cảm ơn chuyên gia về cuộc trao đổi trên!
[e-Magazine] Thong tu 29 day them, hoc them: “Dau mot lan, loi ich lau dai”-Hinh-6
 

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu