Thông tin mới nhất vụ “giang hồ mạng Huấn Hoa hồng” - Bùi Xuân Huấn (SN 1985, trú tại xã Báo Đáp, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái) bị phát hiện dương tính với ma túy, ngày 5/3, đại diện Công an thành phố Lào Cai (tỉnh Lào Cai) cho biết, Đội Cảnh sát phòng, chống tội phạm ma túy Công an thành phố Lào Cai đang tiếp tục xác minh làm rõ vụ việc, hoàn thiện hồ sơ để đưa đi cai nghiện.
Trước đó, vào lúc 1 giờ 30 phút sáng 4/3, qua trinh sát, các chiến sỹ Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy phối hợp với Công an phường Lào Cai tổ chức kiểm tra đột xuất khách sạn Kim Cương (thuộc tổ 17, phường Lào Cai, phát hiện 2 đối tượng gồm: Bùi Xuân Huấn (SN 1985, trú tại xã Báo Đáp, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái) và Lê Mạnh Đạt (SN 1985, trú tại phường Tiên Cát, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ) có biểu hiện dương tính với ma túy. Qua kiểm tra bằng test thử ma túy cho thấy cả Bùi Xuân Huấn và Lê Mạnh Đạt đều dương tính với mà túy tổng hợp.
Đáng chú ý, tháng 9/2019, Huấn "Hoa Hồng" cũng bị lực lượng chức năng đưa đi cai nghiện bắt buộc sau khi đối tượng này bị UBND phường 22, quận Bình Thạnh, TP.HCM phát hiện dương tính với ma túy tại một tụ điểm ăn chơi.
|
Huấn "Hoa Hồng". |
Huấn “Hoa Hồng” được biết đến như một “giang hồ mạng” khi thường xuyên livestream lên Facebook để khoe tiền, vàng và bản thân quan hệ với giới giang hồ. Đồng thời, đối tượng này cũng từng nổi tiếng do thường xuyên xuất hiện chung trên các livestream của hàng loạt các giang hồ mạng đình đám như Quang "Rambo" hay Khá "Bảnh". Trong nhiều video được đăng tải trên mạng, Huấn tỏ ra ngông nghênh, xem thường pháp luật.
Dư luận đặt câu hỏi, ngoài việc xử lý Huấn “Hoa Hồng” về hành vi sử dụng ma túy khi đối tượng này dương tính và bắt buộc đưa đi cai nghiện, các cơ quan chức năng có cần làm rõ số ma túy Huấn “Hoa Hồng” sử dụng là mua ở đâu? Liệu đối tượng này có tiếp tục bị điều tra tội tàng trữ, mua bán ma túy hay không? Với những đối tượng nhiều lần bị bắt quả tang sử dụng, dương tính với ma túy, việc chỉ đưa đi cai nghiện có phải quá nhẹ, bỏ lọt tội phạm?
Trao đổi với PV Kiến Thức, Luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, với hành vi sử dụng trái phép chất ma túy, hiện pháp luật Việt Nam đã bỏ chế tài hình sự nhưng có thể áp dụng biện pháp hành chính là bắt buộc cai nghiện.
Do vậy, giang hồ mạng Huấn “Hoa Hồng” có thể bị cơ quan chức năng xem xét bắt buộc cai nghiện đến 24 tháng.
Ngoài ra, Luật sư Cường cho rằng, cơ quan chức năng sẽ làm rõ số lượng ma túy đó từ đâu mà có, có dấu hiệu của tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy và tội tàng trữ trái phép chất ma túy hay không?. Trong trường hợp xác mình có căn cứ cho thấy đối tượng này đã có hành vi tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy hoặc hành vi tàng trữ trái phép chất ma túy sẽ xem xét xử lý hình sự đối tượng này và các đối tượng có liên quan về những tội danh tương ứng mà bộ luật hình sự đã quy định.
Luật sư Đặng Văn Cường cho biết, những năm gần đây người sử dụng mạng xã hội tăng lên nhanh chóng bởi sự phát triển của điện thoại thông minh và sức kết nối mạnh mẽ của mạng xã hội này. Mạng xã hội trở thành một môi trường diễn ra rất nhiều hoạt động của con người như buôn bán kinh doanh, giao lưu, chia sẻ tình cảm... từ đó những khái niệm như dân cư mạng xã hội, giang hồ mạng xã hội cũng ra đời.
Có một đặc điểm rất đặc thù của mạng xã hội là người sử dụng mạng xã hội rất thích tìm kiếm những thông tin độc, lạ, kinh dị để thỏa mãn tính hiếu kỳ, tò mò của người Việt Nam.
Nắm bắt tâm lý ấy mà một số đối tượng tự biến mình thành những kẻ “độc lạ”, thực hiện những hành vi mà trong đời thường đời sống xã hội không thể thực hiện được (nếu thực hiện sẽ bị xử lý ngay).
Những hành vi của các đối tượng này trên mạng xã hội thể hiện hình ảnh, thái độ côn đồ, hung hãn, coi thường tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự nhân phẩm của người khác, cho mình là tài giỏi, hơn người, đi rao giảng đạo đức cho người khác trong khi mức độ nhận thức của mình rất hạn chế. Những đối tượng này xuất hiện ngày càng nhiều trên mạng xã hội và được dân cư trên mạng xã hội gọi là “giang hồ mạng”. Do tính tò mò, hiếu kỳ và tâm lý muốn học theo của thanh thiếu niên nên những trang mạng này đã thu hút lượng người theo dõi rất lớn.
|
Luật sư Đặng Văn Cường. |
Để trở thành độc, lạ, nổi tiếng trên mạng xã hội, những đối tượng này hay săm trổ, chửi bới, khoe chiến tích, khoe tiền, khoe vũ khí, đe doạ đánh nhau... Những hình ảnh, thái độ như vậy tạo ra hình tượng có tính chất giang hồ. Tiếp cận với những thông tin, hình ảnh đó nhiều người trong giới trẻ cho rằng như thế mới mạnh mẽ, mới “ngầu” nên thường bắt trước, học theo. Điều này hết sức nguy hiểm cho xã hội, có thể dẫn đến lệch lạc về nhân cách của thế hệ trẻ, gây hoang mang lo lắng cho cộng đồng xã hội. Để tồn tại những đối tượng như vậy trên mạng xã hội sẽ tác động tiêu cực đến văn hóa, đạo đức xã hội. Bởi vậy, việc xử lý các đối tượng này là cần thiết.
Thời gian vừa qua các địa phương liên tục phát hiện, xử lý những sai phạm để triệt phá những đối tượng này trên mạng xã hội. Những trường hợp như Dương Minh Tuyền, Khá Bảnh... lần lượt bị xử lý về các hành vi liên quan đến ma túy, tín dụng đen, gây rối trật tự công cộng.
Huấn “Hoa Hồng” là một trong những nhân vật nổi tiếng ấy, việc cơ quan chức năng xem xét xử lý đối tượng này là cần thiết để đảm bảo an ninh an toàn mạng, đảm bảo sự lành mạnh trong thông tin mạng và giảm bớt những tác động tiêu cực của mạng xã hội đối với thanh thiếu niên và những người sử dụng mạng xã hội.
“Triệt phá giang hồ mạng, xóa bỏ những hình tượng xấu trên mạng xã hội là việc làm cần thiết để đảm bảo an ninh, an toàn bạn và đảm bảo sự hình thành phát triển nhân cách của thế hệ trẻ không bị tác động bởi những hiện tượng tiêu cực này, đảm bảo môi trường mạng văn minh, an toàn, lành mạnh và hướng thiện”, Luật sư Đặng Văn Cường cho hay.
>>> Mời độc giả xem video "Giang hồ mạng" Huấn hoa hồng bị đưa đi cai nghiện:
Tâm Đức