Sau khi cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thái Bình khởi tố vụ án “cố ý gây thương tích” xảy ra ngày 30/3 tại Công ty TNHH Đường Dương, khởi tố bị can, bắt tạm giam vợ chồng Nguyễn Xuân Đường (Đường Nhuệ) cùng 4 bị can khác, nhiều cơ quan báo chí đã đăng tải hàng loạt vụ việc có dấu hiệu phạm tội hoạt động có tổ chức, mang tính chất “xã hội đen” của nhóm đối tượng “Đường Nhuệ”.
Trong đó đáng chú ý là thông tin thu tiền bảo kê liên quan hoạt động hỏa táng của người dân tại Thái Bình.
Mới đây, Thượng tá Nguyễn Thanh Trường, Giám đốc Công an tỉnh Thái Bình cho biết, ngoài việc tập trung củng cố chặt chẽ các tài liệu, chứng cứ để xử lý các đối tượng theo đúng quy định của pháp luật trong vụ án “Cố ý gây thương tích” xảy ra ngày 30/3 tại trụ sở Công ty TNHH Đường Dương, Ban Giám đốc Công an tỉnh sẽ chỉ đạo, phân công các đơn vị nghiệp vụ nắm tình hình, thu thập chứng cứ, củng cố tài liệu về các hành vi phạm tội nghi vấn liên quan đến vợ chồng Nguyễn Xuân Đường, Nguyễn Thị Dương. Đồng thời, phát động phong trào quần chúng nhân dân tố giác tội phạm.
|
Bị can Nguyễn Xuân Đường. |
“Chẳng hạn, chúng tôi đang tiến hành mở rộng điều tra, làm việc với các chủ doanh nghiệp hoạt động trong dịch vụ mai táng để làm rõ tố giác của người dân về hành vi cưỡng đoạt tài sản của Nguyễn Xuân Đường và đồng bọn trong lĩnh vực này...Quan điểm của chúng tôi là điều tra, mở rộng triệt để vụ án, theo đúng quy định của pháp luật, không bỏ lọt tội phạm, nhưng không làm oan cho người dân”, Thượng tá Nguyễn Thanh Trường cho biết.
Theo tìm hiểu của PV Kiến Thức, những năm qua tỷ lệ người dân lựa chọn hình thức hỏa táng cho người quá cố tăng dần. Đây được cho là góp phần tiết kiệm chi phí, lan tỏa nếp sống văn minh trong việc tang. Bởi mức phí hỏa táng cho người quá cố hiện tương đối thấp chỉ từ 4 đến 11 triệu/trường hợp.
Tuy nhiên, hiện TP. Hà Nội và nhiều tỉnh Bắc Bộ hỗ trợ mức tối thiểu là 4 triệu đồng/ ca từ ngân sách thành phố, 2 triệu đồng/ ca từ ngân sách huyện, nhiều xã cũng hỗ trợ 1 triệu đồng/ ca, nên thực tế người dân chỉ phải chi trả 4-6 triệu đồng. Mức chi phí này theo tính toán của người dân thấp hơn nhiều so với các khoản chi cho hình thức hung táng - cải táng.
Theo báo giá dịch vụ hỏa táng tại đài hóa thân An Lạc Viên (Công viên nghĩa trang An Lạc Viên Thái Nguyên) nếu hỏa táng lấy xương trong giờ hành chính từ 6 đến 8 triệu đồng/1ca. Nếu ngoài giờ hành chính sẽ thu thêm 1 triệu đồng và lấy tro sẽ thu thêm một triệu đồng nữa.
Bảng giá dịch vụ hoả táng của Bình Hưng Hoà và Nghĩa Trang Đa Phước (TP HCM) cho thấy, giá dịch vụ hỏa táng tùy thuộc vào áo quan và dao động từ 3,6 triệu đến 5,5 triệu/ca. Tại Phước Lạc Viên Bình Dương từ 2,6 triệu đến 3,8 triệu đồng/ca.
Tại Đà Nẵng, giá dịch vụ hỏa táng tại Trung tâm hỏa táng An Phước Viên cho thấy, đối với hỏa táng cốt (tức là sau khi bốc mộ) với giá từ 1,3 - 2,9 triệu đồng/ca; hỏa táng áo quan (tức vừa mới mất) có giá từ 3,9 - 5,080 triệu đồng/ca.
Tại Nam Định, mức phí áp dụng đối với mỗi trường hợp hỏa táng tại Đài hóa thân Hoàn vũ Nam Định là 4,3 triệu đồng. Đây cũng là nơi nhiều người dân ở Thái Bình (địa phương chưa có dịch vụ hỏa táng) đưa người quá cố đi hỏa táng.
Dù mức phí hỏa táng không lớn nhưng những doanh nghiệp làm dịch vụ này đã thu lợi nhuận không nhỏ. Nhóm ngó thấy việc này, Nguyễn Xuân Đường đã nhảy vào lĩnh vực này với những hành vi được cho là có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Cụ thể, theo nhiều người làm việc trong lĩnh vực tang lễ tại Thái Bình mới đây cho biết, Đường “Nhuệ” bảo kê, chỉ định nơi hỏa táng và thu 500 nghìn đồng/1 trường hợp. Số tiền này các gia đình người chết phải chịu và được cộng vào chi phí bên ngoài dịch vụ tang lễ.
Hiện tỉnh Thái Bình có khoảng 23-25 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ mai táng, nhưng chưa có dịch vụ hỏa táng. Trong khi đó, mỗi một tháng, trung bình Thái Bình có 300 – 400 ca hỏa táng, nếu những thông tin tố cáo trên là đúng thì mỗi tháng Đường Nhuệ thu một số tiền không nhỏ từ hoạt động phi pháp này.
Mới đây, Chủ tịch Công ty Hoàng Long (đơn vị sở hữu Đài hóa thân tại Nam Định) khi trao đổi với báo chí cho biết, Công ty Hoàng Long từng ủy quyền cho Công ty Thành Phát làm đại lý cấp 1, phụ trách khu vực Thái Bình với nhiệm vụ giới thiệu dịch vụ, báo ca cần hỏa táng (báo ca) về Hoàng Long. Tuy nhiên, từ cuối tháng 12/2017, Đường "Nhuệ" bắt đầu chèn ép, đánh đập anh Nguyễn Th. V. - nhân viên Cty Thành Phát nhằm buộc doanh nghiệp dừng hoạt động để Công ty Đường Dương độc quyền dịch vụ hỏa táng tại Thái Bình.
“Đường có hẹn mình ở văn phòng, nhờ tôi nhắn lãnh đạo để lại văn phòng cho Đường. Tôi bảo không thể quyết định, lập tức Đường chửi bới, cho mấy thanh niên lao vào đánh tôi. Đến đầu năm 2018, tôi nhận 1 ca hỏa táng rồi chở áo quan tới nhưng khi về văn phòng, có người đến đánh, bắt tôi phải gọi điện cho đám tang nói xin thôi, để Đường Dương làm. Sau đó, Cty Thành Phát rút văn phòng khỏi Thái Bình”, anh V. kể lại và cho biết, từ năm 2016 Công ty Thành Phát đã hoạt động tại Thái Bình nhưng cuối 2017, Đường “Nhuệ” và nhiều người đến gặp anh, yêu cầu “rút” về Nam Định.
Theo lời Chủ tịch Công ty Hoàng Long, Công ty TNHH Đường Dương sau đó đề nghị phía Công ty Hoàng Long cho mình độc quyền nhận các ca hỏa thiêu ở Thái Bình nhưng không được đồng ý. Vì vậy, trong 2 tháng liền, Đường “Nhuệ” buộc các cơ sở tang lễ tại Thái Bình phải đưa thi thể đi hỏa táng tại Hải Phòng dù việc này khiến giá dịch vụ tăng lên bởi đường xa hơn. Nếu ai cố tình sang Nam Định hỏa táng, Đường sẽ “xử lý” nghiêm.
Một thông tin đáng chú ý khác, cuối 2017, tất cả 23 cơ sở dịch vụ tang lễ tại Thái Bình được Nguyễn Xuân Đường gọi đến, yêu cầu ký vào văn bản nội dung muốn hỏa táng phải thông qua hiệp hội tang lễ Thái Bình, đứng đầu là Cty TNHH Đường Dương.
Các đơn vị dịch vụ mai táng trên địa bàn tỉnh Thái Bình khi nhận đưa người đi hỏa táng đều phải báo cáo chi tiết thông tin về thời gian, địa điểm cho nhóm của Đường Nhuệ. Căn cứ vào số liệu báo cáo, hàng tháng các công ty dịch vụ mai táng phải nộp đủ cho băng nhóm giang hồ này.
Những thông tin trên hiện đang được Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thái Bình làm rõ. Tuy nhiên, hành vi làm luật, ăn chặn tiền hỏa táng của cả người đã khuất khiến dư luận vô cùng bức xúc và yêu cầu sớm điều tra làm rõ.
>>> Mời độc giả xem video Băng nhóm Đường Nhuệ -làm luật- cả người chết
Luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, hành vi đe dọa uy hiếp người khác để buộc người khác phải giao tài sản thì đây là hành vi cưỡng đoạt tài sản. Hành vi này sẽ bị xử lý hình sự theo quy định tại Điều 170 bộ luật hình sự năm 2015.
Bởi vậy, cơ quan điều tra sẽ làm rõ thông tin về việc nhóm đối tượng Đường Nhuệ đã đe dọa uy hiếp người của các doanh nghiệp dịch vụ hỏa táng để buộc các doanh nghiệp này phải trả cho bọn chúng mỗi trường hợp hỏa táng là 500.000 đồng/ca.
Trường hợp nội dung phản ánh, tố cáo của các doanh nghiệp thực hiện dịch vụ hỏa táng này là đúng pháp luật, cơ quan điều tra sẽ phải khởi tố các đối tượng này về Tội cưỡng đoạt tài sản và các đối tượng này sẽ phải đối mặt với mức hình phạt cao nhất là 20 năm tù theo quy định tại Điều 170 Bộ luật hình sự năm 2015.
Luật sư Cường nhận định, đây là những hành vi thể hiện thái độ côn đồ, thách thức pháp luật xâm hại nghiêm trọng đến hoạt động của các doanh nghiệp và quyền lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân, làm tăng thêm gánh nặng cho những gia đình có người tử vong cần phải hỏa táng.
Về mặt đạo đức, việc ăn chặn tiền của người chết là hành vi bị ổi nhất trong các hành vi ăn tiền, dù số tiền là doanh nghiệp phải nộp nhưng doanh nghiệp đã phải thu thêm tiền dịch vụ hỏa táng của các gia đình có người chết. Có lẽ chính vì thế mà khi nhóm đối tượng này bị bắt giữ, nhiều người dân đã cảm thấy vui mừng, vì họ không phải chứng kiến những cảnh bức xúc như vậy.
“Hành vi hết sức thất đức, tàn nhẫn và rất bỉ ổi khi làm tăng thêm gánh nặng chi phí cho những gia đình có người vừa tử vong mà vẫn danh nghĩa là làm thiện, dùng cái vỏ bọc từ thiện để che giấu thủ đoạn cưỡng đoạt, cướp bóc tinh vi của mình. Vấn đề này cơ quan điều tra sớm làm rõ để xử lý các đối liên quan theo quy định của pháp luật”, Luật sư Cường cho hay.
Lan Mai