Liên quan đến vụ án vợ chồng trùm giang hồ Nguyễn Xuân Đường (Đường Nhuệ) cố ý gây thương tích, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thái Bình đang tiếp tục mở rộng điều tra nhiều hành vi vi phạm pháp luật khác của các đối tượng này, trong đó có việc băng nhóm “Đường Nhuệ” bị tố cáo ăn chặn cả tiền mai táng người chết.
“Làm luật” thu phí cả tiền hỏa táng người chết
Một số doanh nghiệp làm dịch vụ mai táng trên địa bàn tỉnh Thái Bình mới đây phản ánh, từ cuối năm 2017 đến thời điểm Nguyễn Xuân Đường bị khởi tố về tội Cố ý gây thương tích, băng nhóm tội phạm này đã nhiều lần ăn chặn, cưỡng đoạt tiền của các doanh nghiệp này.
Một doanh nghiệp mai táng tại Thái Bình đã thẳng thắn nói rằng, từ năm 2018, Đường Nhuệ đã huy động đàn em đến các doanh nghiệp dịch vụ mai táng và yêu cầu phải ký kết văn bản về việc mọi dịch vụ về hỏa táng phải thực hiện thông qua Hiệp hội tang lễ Thái Bình, do Công ty Đường Dương của Đường Nhuệ đứng đầu.
|
Hai bị can Nguyễn Xuân Đường và Nguyễn Thị Dương. |
Các doanh nghiệp dịch vụ mai táng khi thực hiện dịch vụ hỏa thiêu phải báo ca lại với đàn em của Đường Nhuệ về thời gian, địa điểm và hàng tháng các doanh nghiệp phải nộp lại tiền cho nhóm tội phạm này với mỗi trường hợp hỏa thiêu là 500.000 đồng/trường hợp (tiếng là tiền từ thiện nhưng thực chất là tiền bảo kê).
Để yên ổn làm ăn, nhiều doanh nghiệp dịch vụ mai táng trên địa bàn tỉnh Thái Bình đã phải nộp cho băng nhóm Đường Nhuệ số tiền trên. Bởi nếu không nộp sẽ bị đàn em của Đường Nhuệ đe dọa, thậm chí đánh và đập vỡ xe chở quan tài, cắt địa bàn không cho làm ăn. Khoản tiền này các doanh nghiệp dịch vụ mai táng lại thu thêm từ thân nhân người đã mất.
Ông T.Đ.G., Công ty Hoàng Long (đơn vị sở hữu Đài hóa thân tại Nam Định) cho biết, giai đoạn 2016 - 2017, công ty đã ủy quyền cho Công ty Thành Phát làm đại lý cấp 1, phụ trách khu vực Thái Bình với nhiệm vụ giới thiệu dịch vụ, báo ca cần hỏa táng (báo ca) về Hoàng Long. Tuy nhiên cuối tháng 12/2017, Nguyễn Xuân Đường bắt đầu chèn ép, đánh đập nhân viên, buộc Công ty Thành Phát dừng hoạt động để nhóm của Đường Nhuệ độc quyền dịch vụ hỏa táng tại Thái Bình.
Theo lời ông G., Công ty TNHH Đường Dương sau đó đề nghị phía Công ty Hoàng Long cho mình độc quyền nhận các ca hỏa thiêu ở Thái Bình nhưng không được đồng ý. Do đó, liên tục 2 tháng liền, Đường Nhuệ buộc các cơ sở tang lễ tại Thái Bình phải đưa thi thể đi hỏa táng tại Hải Phòng dù việc này khiến giá dịch vụ tăng lên bởi đường xa hơn. Nếu ai cố tình sang Nam Định hỏa táng, Đường sẽ “xử lý” nghiêm.
“Người dân tại Thái Bình phản đối, nói nếu bắt sang Hải Phòng họ sẽ chôn cất, không hỏa táng nữa nên Đường cho họp các dịch vụ tang lễ, nói cho quay lại Nam Định nhưng thu 500 nghìn đồng/ca hỏa táng”, ông Trần Đình Giao cho biết.
Anh V.C., (một công ty làm dịch vụ an táng tại Thái Bình) cho biết, bản thân công ty anh nhiều lần bị o ép, khống chế, anh C. phải trực tiếp "báo ca" và nộp tiền theo tháng cho Đường.
“Bản thân tôi làm cho Đường 2 lần, tổng kết vào ngày 5 và 20 hằng tháng Âm lịch. Mỗi ca hỏa táng, cơ sở mất 500 nghìn đồng, đến ngày nộp tiền sẽ tổng kết tin nhắn để tính toán. Hai lần tôi thu giúp Đường tổng số tiền 165 triệu đồng. Hàng tháng, tôi vẫn phải mang gần 50 triệu của công ty mình đi nộp cho Đường. Như vậy suốt hai năm qua, Đường thu khoảng 150 triệu/tháng”, nhân viên này cho biết.
Anh N.T.V., nhân viên Công ty T.P, người bị Đường Nhuệ chèn ép, đánh đập cho biết, việc Đường Nhuệ đánh anh, chèn ép nhằm buộc doanh nghiệp dừng hoạt động để Công ty TNHH Đường Dương độc quyền dịch vụ hỏa táng tại Thái Bình. Thậm chí, cuối năm 2017, Đường Nhuệ và đàn em đến gặp anh, yêu cầu rút về Nam Định.
“Đường có hẹn tôi ở văn phòng, nhờ tôi nhắn lãnh đạo để lại văn phòng cho Đường. Tôi bảo không thể quyết định, lập tức Đường chửi bới, cho mấy thanh niên lao vào đánh tôi. Đến đầu năm 2018, tôi nhận 1 ca hỏa táng rồi chở áo quan tới nhưng khi về văn phòng, có người đến đánh, bắt tôi phải gọi điện cho đám tang nói xin thôi, để Đường Dương làm. Sau đó, Công ty T.P., rút văn phòng khỏi Thái Bình”, anh V., cho biết.
Ăn chặn tiền hỏa táng là hành vi trái pháp luật
Trao đổi với PV Kiến Thức, thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược (Bộ Công an) cho biết, nếu theo thông tin phản ánh từ báo chí, việc các đối tượng trong băng nhóm Đường Nhuệ có hành vi ăn chặn tiền mai táng người chết là hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm các quy định chung của Nhà nước. Do đó Công an tỉnh Thái Bình cần điều tra làm rõ và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
“Tất cả những hành vi ấy đều nằm ngoài quy định của luật pháp và quy định của địa phương và trách nhiệm điều tra làm rõ ở đây thuộc về Công an tỉnh Thái Bình. Hành vi vi phạm đạo đức sẽ bị điều chỉnh bởi các quan hệ xã hội, xã hội lên án, tẩy chay còn hành vi vi phạm pháp luật thì cần phải xử lý theo quy định của pháp luật ” - tướng Cương cho biết.
Thiếu tướng Lê Văn Cương cho rằng, Công an tỉnh Thái Bình cần sớm xác minh thông tin trên để có căn cứ xử lý theo quy định của pháp luật nếu các đối tượng này vi phạm”.
|
Thiếu tướng Lê Văn Cương. |
Có dấu hiệu tội Cưỡng đoạt tài sản
Luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, cơ quan điều tra cần phải xác minh làm rõ thông tin mà các doanh nghiệp dịch vụ hỏa táng cung cấp để làm rõ hành vi cưỡng đoạt tài sản, xử lý nghiêm minh băng nhóm đối tượng này theo quy định của pháp luật.
Theo thông tin này, trong suốt thời gian dài nhiều doanh nghiệp dịch vụ mai táng tại Thái Bình dù biết việc phải nộp khoản tiền 500.000 đồng đối với trường hợp đi hỏa táng cho Đường Nhuệ là rất vô lý, nhưng không nộp thì doanh nghiệp sẽ không yên ổn để làm ăn nên đã phải nộp.
Thực tế, nhiều doanh nghiệp đã bị đàn em của Đường “Nhuệ” đe dọa, đánh phủ đầu, đập vỡ xe chở quan tài,… cắt địa bàn không cho làm ăn. Đây là những hành vi thể hiện thái độ côn đồ, thách thức pháp luật xâm hại nghiêm trọng đến hoạt động của các doanh nghiệp và quyền lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân, làm tăng thêm gánh nặng cho những gia đình có người tử vong cần phải hỏa táng.
Về mặt đạo đức, anh chặn tiền của người chết là hành vi bị ổi nhất trong các hành vi ăn tiền, dù số tiền là doanh nghiệp phải nộp nhưng doanh nghiệp đã phải thu thêm tiền dịch vụ hỏa táng của các gia đình có người chết. Có lẽ chính vì thế mà khi nhóm đối tượng này bị bắt giữ, nhiều người dân đã cảm thấy vui mừng, vì họ không phải chứng kiến những cảnh bức xúc như vậy.
Trong trường hợp, thông tin mà các doanh nghiệp hỏa táng phản ánh là đúng sự thật, cơ quan điều tra có thể khởi tố vụ án cưỡng đoạt tài sản và khởi tố các đối tượng đã thực hiện hành vi cưỡng đoạt tiền của các doanh nghiệp này.
|
Luật sư Đặng Văn Cường. |
Thủ đoạn của các đối tượng rất tinh vi, che giấu hành vi cưỡng đoạt tài sản bằng cách che đậy hành vi vi phạm bằng các quan hệ sự, kinh tế, cho rằng đây là khoản tiền từ thiện.
Tuy nhiên, những văn bản giấy tờ ký kết như vậy chỉ là hình thức để che giấu thủ đoạn cưỡng đoạt tài sản. Theo quy định của pháp luật thì trong các giao dịch kinh tế, dân sự mà phải chuyển giao tài sản thì ý chí của hai bên phải tự nguyện.
Luật sư Cường cho biết, pháp luật nghiêm cấm hành vi đe dọa, uy hiếp tinh thần của người khác làm người khác sợ hãi để buộc người khác phải giao tài sản cho mình. Hành vi của nhóm đối tượng này (theo mô tả của các doanh nghiệp dịch vụ hỏa táng) thì đây rõ ràng là hành vi cưỡng đoạt tài sản là hành vi đe dọa, uy hiếp tinh thần của người khác hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần của người khác nhằm chiếm đoạt tài sản.
Theo thông tin mà các doanh nghiệp phản ánh thì rõ ràng các doanh nghiệp này không muốn nộp khoản tiền 500.000 đồng trên một trường hợp hỏa táng cho các đối tượng này nhưng nếu không được thì sẽ bị các đối tượng này đập phá, đánh đập, đe dọa, uy hiếp. Mỗi khi nộp tiền, đại diện doanh nghiệp phải viết vào văn bản ghi là tiền từ thiện là không đúng với ý chí của các doanh nghiệp này, đây là điển hình của hành vi cưỡng đoạt tài sản. Bởi vậy, nếu làm rõ các thông tin này, cơ quan điều tra sẽ xử lý các đối tượng này về tội cưỡng đoạt tài sản theo quy định tại điều 170 Bộ luật hình sự năm 2015.
Theo đó, nếu kết quả điều tra cho thấy các đối tượng đã chiếm đoạt số tiền từ 500.000.000 đồng trở lên thì các đối tượng này sẽ phải đối mặt với mức hình phạt là phạt tù từ 12 năm đến 20 năm. Ngoài ra còn phải hoàn trả toàn bộ số tiền đã chiếm đoạt cho doanh nghiệp.
Luật sư Cường nhận định, đây là hành vi hết sức thất đức, tàn nhẫn và rất bỉ ổi khi làm tăng thêm gánh nặng chi phí cho những gia đình có người vừa tử vong mà vẫn danh nghĩa là làm thiện, dùng cái vỏ bọc từ thiện để che giấu thủ đoạn cưỡng đoạt, cướp bóc tinh vi của mình. Vấn đề này cơ quan điều tra sớm làm rõ để xử lý các đối liên quan theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra Cơ quan điều tra cũng sẽ làm rõ có việc bảo kê, bao che cho hành vi vi phạm pháp luật này hay không. Nếu để nhóm đối tượng này hành động ngang nhiên, công khai, đe dọa uy hiếp nhiều doanh nghiệp như vậy thì rất có thể có một nhóm lợi ích hoặc có kẻ đã chống lưng cho các đối tượng này thực hiện hành vi phạm tội.
“Hành vi như vậy là hết sức nghiêm trọng, nguy hiểm cho xã hội, gây bức xúc bất bình kéo dài với doanh nghiệp và ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của nhiều người dân. Vấn đề này cơ quan điều tra sẽ làm rõ và sớm có kết luận để kịp thời xử lý công bằng, đúng pháp luật. Trong trường hợp kết quả giải quyết vụ án xác định đây là băng nhóm tội phạm nguy hiểm, những thông tin mà báo chí, dư luận phản ánh là đúng thì đây thực sự là một chiến công của cơ quan bảo vệ pháp luật địa phương này trong việc đấu tranh với những băng nhóm tội phạm nguy hiểm”, Luật sư Cường cho hay.
>>> Mời độc giả xem video Phó Thủ tướng yêu cầu điều tra, làm rõ hành vi phạm tội của Đường 'Nhuệ'
Tâm Đức