Đường dây vay lãi ‘cắt cổ’ qua app, bôi nhọ con nợ: “Ông trùm” phạm nhiều tội danh?

Google News

“Ông trùm” cầm đầu đường dây cho vay lãi nặng qua app và đòi nợ thuê có quy mô xuyên quốc gia, liên quan đến gần 300 đối tượng là một người Trung Quốc.

Ông trùm là ai?
Thông tin mới nhất đường dây cho vay lãi nặng qua app, đòi nợ thuê có quy mô xuyên quốc gia với gần 300 đối tượng, ngày 26/5, Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội đã ra lệnh bắt khẩn cấp 7 đối tượng về hành vi “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”.
Đường dây này do một đối tượng người Trung Quốc cầm đầu. Trong số các đối tượng bị bắt giam có Nguyễn Quang Vũ (SN 1987, trú quận Long Biên, Hà Nội) - Phó giám đốc thay mặt đối tượng đứng đầu người Trung Quốc điều hành chính hệ thống cho vay, đòi nợ tại Việt Nam.
Đối tượng quản lý phụ trách toàn bộ hệ thống đòi nợ tại Việt Nam là Zhang Min (Mẫn), SN 1986, người Trung Quốc. Mẫn chịu trách nhiệm quản lý, đốc thúc các trưởng bộ phận đòi nợ của khách hàng.
Duong day vay lai ‘cat co’ qua app, boi nho con no: “Ong trum” pham nhieu toi danh?
Nguyễn Quang Vũ tại cơ quan điều tra. 
Nhiều đối tượng tham gia giúp sức cho ông trùm người Trung Quốc như Trần Bá Phan (SN 1990, trú tại xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, Hà Nội) - Trợ lý, giúp việc trực tiếp và phiên dịch cho đối tượng đứng đầu người Trung Quốc. Nếu đối tượng này không có mặt tại Việt Nam, Phan sẽ nhận lệnh từ Nguyễn Quang Vũ. Phan cũng được giao thành lập 2 công ty con để phục vụ việc cho vay lãi nặng và đòi nợ thuê của công ty tổng do đối tượng người Trung Quốc chỉ đạo điều hành…
Thủ đoạn của các đối tượng trong đường dây tổ chức cho vay lãi nặng qua các app “cashvn”, “vaynhanhpro” và “ovay” là chạy quảng cáo trên mạng xã hội, mời chào khách hàng có nhu cầu vay tiền qua app, thế chấp bằng hình ảnh cá nhân kèm thông tin nhân thân lai lịch và danh bạ điện thoại. Người vay sẽ phải thanh toán trong vòng 3-5 ngày số tiền gốc ban đầu, tiền lãi sẽ được các đối tượng cắt ngay khi giải ngân. Lãi suất các đối tượng cho vay lên tới 1.570% - 2.190%/năm.
Nếu người vay không thanh toán đúng kỳ hạn lãi, các đối tượng sẽ cho bộ phận đòi nợ được phân cấp khác nhau nhắn tin, gọi điện nhắc nhở, đe dọa, khủng bố tinh thần người vay và người thân, cũng như những người có trong danh bạ điện thoại của người vay. Để gây sức ép với người vay không thanh toán đúng kỳ hạn lãi, các đối tượng còn đăng tải hình ảnh của người vay lên các trang mạng xã hội nhằm bôi nhọ uy tín, hạ danh dự, làm nhục để thúc ép người vay, hoặc người thân của người vay phải trả tiền, gây bức xúc trong dư luận.
Đã có gần 1 triệu tài khoản vay qua các app của đường dây này và số tiền chúng giải ngân cho vay khoảng gần 1.000 tỷ đồng. Cho đến khi bị đánh sập, đường dây cho vay lãi nặng và đòi nợ dưới hình thức “tín dụng đen” này ước tính đã thu lợi nhuận bất chính khoảng gần 500 tỷ đồng.
Dấu hiệu phạm nhiều tội danh
Trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường – Đoàn Luật sư TP Hà Nội đánh giá cao việc triệt xóa đường dây cho vay qua app trên của lực lượng công an là một chiến công và cho rằng, cần mở rộng điều tra, phát hiện, xử lý thêm nhiều trường hợp tương tự để làm sạch không gian mạng, bảo vệ quyền sở hữu hợp pháp tài sản của công dân, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội.
Theo quy định của pháp luật, với mức lãi suất lên đến 1.570-2.190%/năm là cao gấp nhiều lần mức lãi suất trần của Bộ luật Dân sự (tối đa 20%/năm), hành vi của các đối tượng đã thu lợi bất chính hơn 30 triệu trở lên, do đó, đối tượng cầm đầu, thực hiện hành vi sẽ bị xử lý hình sự về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự theo Điều 201 bộ luật hình sự. Các đối tượng trong vụ án này sẽ phải đối mặt với khung hình phạt cao nhất của tội danh này là bị phạt tiền từ 200 triệu đồng đến 1 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Ngoài tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự, cơ quan điều tra sẽ làm rõ các hành vi phạm tội khác có liên quan như cưỡng đoạt tài sản, rửa tiền và các và các hành vi vi phạm pháp luật khác.
Duong day vay lai ‘cat co’ qua app, boi nho con no: “Ong trum” pham nhieu toi danh?-Hinh-2
 
Thực tế cho thấy, các đối tượng cho vay nặng lãi sẽ kèm theo hành vi đòi nợ bằng cách đe dọa, uy hiếp tinh thần của nạn nhân. Do đó trường hợp cơ quan điều tra có căn cứ cho thấy có nạn nhân đã bị đe dọa uy hiếp tinh thần khiến nạn nhân sợ hãi đưa tài sản, cơ quan điều tra sẽ khởi tố vụ án hình sự về tội cưỡng đoạt tài sản theo quy định tại điều 170 bộ luật hình sự.
Nếu có hành vi dùng vũ lực, đánh đập, uy hiếp tinh thần của nạn nhân để đòi nợ, sẽ khởi tố về tội cướp tài sản theo điều 168 bộ luật hình sự. Ngoài ra, với số tiền chiếm đoạt mà các đối tượng thực hiện hành vi rửa tiền hoặc đưa cho người khác cất giấu thì có thể xử lý thêm về tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có, tội rửa tiền theo quy định của bộ luật hình sự.
Vì sao tội phạm tín dụng đen qua mạng… lại gia tăng?
Luật sư Cường cho rằng, với sự phát triển của xã hội, nhu cầu vay tiêu dùng trong xã hội là rất lớn, các ngân hàng và các tổ chức tín dụng chưa đáp ứng được hết nhu cầu vay tiêu dùng của nhân dân, thêm vào đó sự phát triển của công nghệ cao khiến việc cho vay có thể thực hiện qua các nền tảng công nghệ dẫn đến nảy sinh những vấn đề xã hội liên quan đến hoạt động vay tiêu dùng trên mạng internet.
Hiện tượng cho vay lãi nặng rồi đòi nợ theo kiểu "xã hội đen" đã trở thành vấn nạn nhức nhối trong xã hội ở nhiều địa phương. Vì vậy, khi sửa đổi luật Đầu tư, Quốc Hội đã bỏ hình thức đầu tư là dịch vụ đòi nợ. Cùng với đó, sự quyết liệt ở nhiều địa phương trong thời gian qua đã bóc gỡ nhiều đường dây cho vay lãi nặng và đòi nợ theo kiểu xã hội đen. Tuy nhiên, nhiều đối tượng cho vay nặng lãi đã lợi dụng thực hiện trên không gian mạng với những chiêu trò, thủ đoạn tinh vi, khó phát hiện, khó xử lý và gây ra những hiện tượng tiêu cực cho xã hội.
Hiện tượng cho vay tiền online qua các app điện tử rồi đòi nợ bằng cách gọi điện, đe doạ, khủng bố tinh thần của nạn nhân và những người thân con nợ vẫn là những vấn nạn nhức nhối chưa có "thuốc đặc trị". Các đối tượng thường thực hiện hành vi phạm tội có tổ chức, sử dụng vũ lực để đe dọa uy hiếp tinh thần nạn nhân khiến nạn nhân sợ hãi không dám tố cáo, hành vi cho vay trên không gian mạng khó thu thập chứng cứ... gây khó cho cơ quan chức năng.
Để giảm thiểu tình trạng cho vay lãi nặng bằng công nghệ cao thì phải thực hiện nhiều giải pháp. Trong đó có giải pháp tăng cường các gói tín dụng tiêu dùng, đơn giản hóa thủ tục cho vay của các ngân hàng và các tổ chức tín dụng. Đồng thời, cơ quan phòng chống tội phạm công nghệ cao cũng cần tăng cường lực lượng, tăng cường các phương tiện kỹ thuật để kịp thời phát hiện, xử lý các nhóm đối tượng thực hiện cho vay nặng lãi bằng hình thức online và đòi nợ theo kiểu đe dọa uy hiếp tinh thần của nhiều người.
Khi sửa đổi bộ luật hình sự cần có thể tăng mức hình phạt đối với tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự, hoàn thiện cơ chế chính sách pháp luật để bảo vệ quyền sở hữu tài sản của công dân, lành mạnh hóa các quan hệ dân sự trong đó có hoạt động cho vay tài sản.
>>> Mời độc giả xem thêm video Trùm tín dụng đen hành con nợ 'thừa sống thiếu chết":

Nguồn: ANTV


Hải Ninh