“Đuổi khách trọ giữa mùa COVID-19 là không có lương tâm“

Google News

(Kiến Thức) - Chủ nhà trọ giữ 50 triệu đồng tiền cọc, đuổi khách ra khỏi nhà giữa mùa dịch bệnh gây bức xúc trên mạng xã hội. Luật sư Đặng Văn Cường cho rằng, phải căn cứ trên điều khoản hợp đồng và các quy định pháp luật để phán xét, nhưng về đạo đức, bà chủ nhà trọ không có lương tâm.

Mới đây, mạng xã hội lan truyền đoạn clip ghi lại hình ảnh và thông tin về bà chủ nhà trọ ở quận 2 TP HCM đòi đuổi người thuê và không trả 50 triệu đồng tiền cọc vì chậm đóng tiền nhà 1 tuần.
Theo thông tin đăng tải, cô gái ký hợp đồng thuê nhà trong 2 năm với chi phí là 22 triệu đồng/tháng (vừa làm chỗ ở vừa cho thuê lại), đặt cọc 50 triệu đồng. Cô gái ở được 14 tháng nhưng do dịch bệnh xảy ra, khách thuê của cô trả phòng, về quê nên không đủ tiền đóng. Cô gái xin chủ cho trả nhà trước thời hạn, gỡ lại một chút tiền đặt cọc nhưng không được đồng ý.
Chỉ chậm thanh toán tiền nhà 7 ngày, sang ngày thứ 8 cô bị chủ đuổi đi. Trong clip trên, cô gái nghẹn ngào mong được chia sẻ, anh công an cũng nhẹ nhàng thuyết phục chủ nhà thay đổi quyết định. Tuy nhiên, bà chủ nhà vẫn quyết định đuổi cô gái ra khỏi nhà.
Video: Chủ nhà trọ giữ tiền cọc, đuổi khách giữa mùa dịch gây bức xúc
 
Trao đổi với PV Kiến Thức, về vấn đề bà chủ nhà đuổi khách thuê trọ giữa dịch COVID-19, Luật sư Đặng Văn Cường, Văn Phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư TP Hà Nội bày tỏ, trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay thì rất nhiều các hợp đồng thuê nhà gặp phải những vướng mắc, tranh chấp như vậy. Việc hòa giải, thương lượng giữa các bên để tìm hướng giải quyết là cần thiết trên cơ sở chia sẻ, hỗ trợ lẫn nhau trong thời điểm khó khăn này.
Phần lớn là các chủ cho thuê đều chia sẻ với người đi thuê về tiền nhà, giá thuê, đều giảm giá, thậm chí là không thu tiền thuê. Nếu cần thiết thì có thể thanh lý hợp đồng và thanh toán lại tiền cọc. Tuy nhiên một số người vì lòng tham hoặc vì thiếu hiểu biết pháp luật mà cố tình đầy người đi thuê vào tình huống khó khăn như trường hợp trong clip này.
Hành vi của người phụ nữ lớn tuổi trong clip này là cứng nhắc, không có chút tình nên dư luận sẽ bất bình và có thể tẩy chay đơn vị cho thuê phòng trọ này. Cơ quan chức năng cũng sẽ xác minh làm rõ điều kiện cho thuê cũng như việc nộp thuế thu nhập của người phụ nữ này trong thời gian vừa qua. Nếu có vi phạm thì cần phải xử lý theo quy định của pháp luật.
Còn đối với việc chấm dứt hợp đồng thuê nhà và thanh lý hợp đồng này thì hai bên thương lượng thỏa thuận phải không thỏa thuận được thì có thể đề nghị tòa án giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự. Tuy nhiên, số tiền đặt cọc 50.000.000 đồng với người cho thuê nhà thì không lớn nhưng với người đi thuê là số tiền rất lớn, khi họ đã chấm dứt hợp đồng thì về đạo lý là nên trả cho họ, ăn tiêu số tiền đó không những lương tâm cắn rứt mà còn bị xã hội cười chê, lên án.
“Duoi khach tro giua mua COVID-19 la khong co luong tam“
Hình ảnh chủ nhà trọ giữ 50 triệu đồng tiền cọc, đuổi khách ra khỏi nhà.
Dưới góc độ pháp lý, theo quy định của bộ luật dân sự thì hợp đồng thuê nhà là một dạng của hợp đồng thuê tài sản, được hiểu là sự thỏa thuận bằng văn bản giữa bên cho thuê và bên thuê, theo đó bên cho thuê có nghĩa vụ giao nhà ở cho bên thuê, bên thuê có nghĩa vụ trả tiền thuê. Về nguyên tắc, khi thực hiện hợp đồng thuê nhà thì các bên phải tuân thủ các điều khoản trong hợp đồng như thời hạn thuê, giá thuê, quyền và nghĩa vụ các bên, việc chấm dứt hợp đồng,…, tuy nhiên các điều khoản này phải phù hợp quy định pháp luật.
Trong trường hợp nội dung hợp đồng không quy định cụ thể thì trong trường hợp có tranh chấp xảy ra sẽ áp dụng theo Bộ luật dân sự, Luật nhà ở và các văn bản pháp luật khác có liên quan để giải quyết.
Liên quan đến dịch COVID-19 hiện nay đã khiến hoạt động của các cơ sở kinh doanh ăn uống, vui chơi, giải trí, các cơ sở kinh doanh dịch vụ không thiết yếu phải đóng cửa theo yêu cầu của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Việc này ảnh hưởng nghiêm trọng đến doanh thu của các cơ sở này. Đồng thời cũng ảnh hưởng đến các hoạt động khác trong xã hội, mọi hoạt động kinh doanh đều ngưng trệ, khó khăn, những người đi thuê nhà gần như không còn thu nhập để trả tiền thuê nhà nữa thậm chí nếu tình trạng kéo dài có thể gây thua lỗ, phá sản.
Tuy nhiên, trong bối cảnh này, các cơ sở kinh doanh vẫn phải chịu chi phí thuê nhà, thuê mặt bằng, gánh nặng về chi phí mặt bằng, nhân viên và các khoản chi phí tháng khiến nhiều cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ có ý định trả mặt bằng để giảm lỗ. Trong trường hợp này, nếu hợp đồng giữa các bên có điều khoản cụ thể về việc đơn phương chấm dứt hợp đồng hoặc hủy bỏ hợp đồng khi xảy ra dịch bệnh,… hoặc điều khoản về việc giảm, miễn tiền thuê trong tình hình dịch bệnh,…. thì sẽ thực hiện theo điều khoản trong hợp đồng đó.
Còn trong trường hợp hợp đồng không có điều khoản cụ thể về vấn đề này thì để đảm bảo quyền lợi của mình, bên thuê nhà có thể căn cứ theo quy định tại Điều 420 Bộ luật dân sự về việc thực hiện hợp đồng theo hoàn cảnh thay đổi cơ bản để đề xuất, thỏa thuận lại nội dung hợp đồng về giá thuê, thời hạn thuê,... với bên cho thuê như sau:
“Duoi khach tro giua mua COVID-19 la khong co luong tam“-Hinh-2
Luật sư Đặng Văn Cường, Văn Phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư TP Hà Nội.
Điều 420. Thực hiện hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản
1. Hoàn cảnh thay đổi cơ bản khi có đủ các điều kiện sau đây:
a) Sự thay đổi hoàn cảnh do nguyên nhân khách quan xảy ra sau khi giao kết hợp đồng;
b) Tại thời điểm giao kết hợp đồng, các bên không thể lường trước được về sự thay đổi hoàn cảnh;
c) Hoàn cảnh thay đổi lớn đến mức nếu như các bên biết trước thì hợp đồng đã không được giao kết hoặc được giao kết nhưng với nội dung hoàn toàn khác;
d) Việc tiếp tục thực hiện hợp đồng mà không có sự thay đổi nội dung hợp đồng sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng cho một bên;
đ) Bên có lợi ích bị ảnh hưởng đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết trong khả năng cho phép, phù hợp với tính chất của hợp đồng mà không thể ngăn chặn, giảm thiểu mức độ ảnh hưởng đến lợi ích.
2. Trong trường hợp hoàn cảnh thay đổi cơ bản, bên có lợi ích bị ảnh hưởng có quyền yêu cầu bên kia đàm phán lại hợp đồng trong một thời hạn hợp lý.
3. Trường hợp các bên không thể thỏa thuận được về việc sửa đổi hợp đồng trong một thời hạn hợp lý, một trong các bên có thể yêu cầu Tòa án:
a) Chấm dứt hợp đồng tại một thời điểm xác định;
b) Sửa đổi hợp đồng để cân bằng quyền và lợi ích hợp pháp của các bên do hoàn cảnh thay đổi cơ bản.
Tòa án chỉ được quyết định việc sửa đổi hợp đồng trong trường hợp việc chấm dứt hợp đồng sẽ gây thiệt hại lớn hơn so với các chi phí để thực hiện hợp đồng nếu được sửa đổi.
4. Trong quá trình đàm phán sửa đổi, chấm dứt hợp đồng, Tòa án giải quyết vụ việc, các bên vẫn phải tiếp tục thực hiện nghĩa vụ của mình theo hợp đồng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Như vậy, căn cứ vào quy định trên, trong trường hợp này, bên thuê nhà cần phải chứng minh về việc hoàn cảnh thay đổi, như đã dùng nhiều cách để nhằm khắc phục tuy nhiên vì dịch bệnh nên tình hình kinh doanh không thay đổi. Đồng thời cần thống kê lại số liệu doanh thu, thu nhập trước khi xảy ra dịch bệnh và những thiệt hại phải gánh chịu kể từ khi xảy ra đại dịch để chứng minh việc tiếp tục thực hiện hợp đồng mà không có sự thay đổi nội dung hợp đồng sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng cho một bên.
Ngoài ra, bên thuê nên chủ động thông báo với bên cho thuê về những khó khăn trong tinh hình hiện tại, về ảnh hưởng của đại dịch đến việc kinh doanh không như mong muốn và từ đó khó có thể thực hiện nghĩa vụ trả tiền thuê mặt bằng theo hợp đồng, về những thiệt hại phải gánh chịu khi xảy ra đại dịch, từ đó đàm phán và đề xuất miễn, giảm tiền thuê mặt bằng trong thời gian xảy ra dịch bệnh COVID-19 theo quy định tại khoản 2 Điều 420 Bộ luật dân sự.
Trong trường hợp các bên không thỏa thuận được thì có thể yêu cầu Tòa án có thẩm quyền giải quyết về việc chấm dứt hợp đồng tại một thời điểm xác định hoặc Sửa đổi hợp đồng để cân bằng quyền và lợi ích hợp pháp của các bên do hoàn cảnh thay đổi cơ bản. Tòa án chỉ được quyết định việc sửa đổi hợp đồng trong trường hợp việc chấm dứt hợp đồng sẽ gây thiệt hại lớn hơn so với các chi phí để thực hiện hợp đồng nếu được sửa đổi.
Tuy nhiên, trong quá trình đàm phán sửa đổi, chấm dứt hợp đồng, Tòa án giải quyết vụ việc, các bên vẫn phải tiếp tục thực hiện nghĩa vụ của mình theo hợp đồng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Còn người thuê không được tự ý hủy bỏ hợp đồng hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng nếu không có thỏa thuận hoặc không thuộc trường hợp theo quy định pháp luật.
>>> Xem thêm video: Chủ nhà trọ giữ tiền cọc, đuổi khách giữa mùa dịch

Nguồn: Đài Truyền Hình Đồng Tháp.

Trung Vương