Trao đổi với Zing.vn, TS Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chuyên nghiệp, Bộ GD&ĐT, cho hay thời gian qua, một số vấn đề ảnh hưởng lớn tới uy tín của ngành giáo dục liên quan đề án đổi mới thi THPT quốc gia và một số tuyên bố chưa “chín” của lãnh đạo bộ.
“Những vụ việc này nhắc nhở ngành cần thận trọng hơn trong các tuyên bố, nghiên cứu bài bản hơn trước khi đưa ra quyết định”, ông Vinh nói.
Sau dự thảo thông tư đuổi học sinh viên bán dâm lần thứ tư gây tranh cãi, GS.TSKH Phạm Tất Dong, Phó chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, nhận định qua vụ việc này có thể thấy đội ngũ giúp việc cho bộ trưởng quá yếu kém, để xảy ra sai sót rất sơ đẳng, không chấp nhận được.
Quy định "cho có"
Đề cập dự thảo thông tư về quy chế công tác học sinh, sinh viên đối với các ngành đào tạo giáo viên trình độ cao đẳng, trung cấp đang lấy ý kiến nhân dân, luật sư Vũ Tiến Vinh - Giám đốc Công ty luật Bảo An, Hà Nội - cho rằng nếu có trường hợp sinh viên bán dâm bị bắt đến lần thứ tư, đây có thể hiểu “hành nghề” chuyên nghiệp.
|
Dự thảo khung vi phạm, xử phạt gây tranh cãi của Bộ GD&ĐT.
|
Luật sư Vinh chỉ ra 4 điểm vô lý trong dự thảo. Thứ nhất, hệ thống cơ sở dữ liệu về xử phạt vi phạm hành chính hiện nay chưa hoàn thiện, không dễ dàng trong việc kiểm soát một người đã vi phạm cùng một hành vi đến lần thứ mấy.
Thứ hai, pháp luật Việt Nam không có quy định cho cơ quan chức năng được công khai thông tin cá nhân của người vi phạm hành chính liên quan hoạt động mại dâm.
Với quy định này, nhà trường không thể có thông tin sinh viên vi phạm lần thứ mấy. Thậm chí, trường công khai số lần vi phạm của sinh viên là xâm phạm bí mật đời tư. Sinh viên có quyền kiện cơ quan đã cung cấp dữ liệu vi phạm cho trường.
Thứ ba, dự thảo đề cập sinh viên mại dâm lần thứ tư bị đuổi học là quy định chỉ mang tính chất cho có, chứ không có tính hiệu lực.
Thứ tư, theo luật sư, khái niệm “hoạt động mại dâm” được hiểu có nội hàm bao gồm cả chứa chấp, môi giới mại dâm, nhưng dự thảo lại quy định hành vi “chứa chấp, môi giới mại dâm” ở mục 16 và chỉ vi phạm lần thứ nhất cũng bị buộc thôi học.
Chiều 30/10, đại biểu Phạm Thị Minh Hiền (đoàn Phú Yên) chất vấn trách nhiệm của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ về dự thảo quy định đuổi học sinh viên bán dâm lần thứ tư.
Theo nữ đại biểu, dự thảo khiến dư luận lo lắng, nghi ngờ về năng lực, tâm lực, uy lực của bộ máy quản lý giáo dục hiện nay.
"Xin bộ trưởng cho biết trách nhiệm của mình về vấn đề này? Vai trò nêu gương của người đứng đầu ngành khi bộ trưởng thường xuyên đưa ra quan điểm sai, sửa sai, xử lý nghiêm, kiên quyết xử lý nghiêm, rút kinh nghiệm rồi tiếp tục sai. Làm cách nào để giữ sự tôn nghiêm của quản lý giáo dục hiện nay?", bà Hiền chất vấn.
Phạt giáo viên đánh học sinh cao nhất 30 triệu đồng
Trước đó, đầu tháng 10, Bộ GD&ĐT đưa ra dự thảo nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục, nhằm ngăn chặn những tiêu cực xảy ra trong môi trường giáo dục.
Trong đó, điều 32 của dự thảo quy định: "Phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với hành vi xúc phạm nhân phẩm, danh dự người học. Phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng đối với hành vi xâm phạm thân thể người học".
Thầy Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng THCS-THPT Lê Quý Đôn, Hà Nội, cho hay việc xử lý giáo viên đã có luật công chức, viên chức, giáo viên vi phạm sẽ bị kỷ luật.
Vì vậy, bộ cần xem xét lại việc có nên áp dụng điều 32 hay không? Việc nộp phạt đôi khi lại theo tính chất… bỏ tiền ra để xóa bỏ hành vi.
Luật sư Đỗ Hải Bình, Đoàn luật sư TP.HCM, thông tin, khoản 2, điều 32 của dự thảo quy định "Phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng đối với hành vi xâm phạm thân thể người học", tuy nhiên lại không nếu rõ hành vi xâm phạm thân thể người học là gì.
Nếu dự thảo được thông qua, điều 32 của nghị định sẽ chồng chéo những quy định của luật hiện hành.
Cấm viết vào sách giáo khoa
Ngày 24/9, sau khi dư luận bức xúc về sách giáo khoa (SGK) độc quyền và lãng phí nhiều năm, Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ ra chỉ thị về việc học sinh không viết, vẽ vào sách, gây lãng phí.
Bộ yêu cầu giám đốc sở GD&ĐT chỉ đạo các cơ sở giáo dục địa phương quán triệt từng cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh về việc giữ gìn SGK để sử dụng và sử dụng lại. Đồng thời, các cơ sở hướng dẫn học sinh nghiên cứu SGK để thực hiện các hoạt động học và ghi kết quả học tập vào vở, không viết, vẽ vào sách.
|
Học sinh lớp 3 viết vào SGK. Ảnh: Q.Q. |
Theo nhiều giáo viên, Bộ GD&ĐT yêu cầu không viết vào SGK chỉ là cách giải quyết phần ngọn. Điều quan trọng là thiết kế lại sách sao cho phù hợp mục đích sử dụng.
Sau khi nhận được ý kiến trái chiều của dư luận, ông Nguyễn Xuân Thành, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD&ĐT, cho hay việc ra chỉ thị trên nhằm yêu cầu giáo viên hướng dẫn học sinh hạn chế việc viết vào sách chứ không cấm hoàn toàn.
Đây không phải yêu cầu bắt buộc mà chỉ khuyến khích giáo viên thực hiện phương pháp dạy học tích cực và hướng dẫn để học sinh không chỉ biết giữ gìn, bảo quản sách, mà còn có ý thức tốt trong việc sử dụng sách lâu dài.
Thu hồi đề án 749 tỷ đồng
Vào tháng 5, dư luận xôn xao về đề án “Đổi mới thi THPT quốc gia và tuyển sinh đại học, cao đẳng sư phạm, trung cấp sư phạm hệ chính quy giai đoạn 2018-2020” của Bộ GD&ĐT.
Theo đề án đổi mới thi này, kỳ thi THPT quốc gia gồm 5 bài thi: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, bài thi tổ hợp Khoa học Tự nhiên và bài thi tổ hợp Khoa học Xã hội. Bộ GD&ĐT sẽ xây dựng ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa đủ lớn, nâng cao độ phân hóa của đề thi đáp ứng yêu cầu tổ chức kỳ thi THPT quốc gia theo chương trình giáo dục phổ thông hiện hành.
Tổng kinh phí thực hiện đề án là hơn 749 tỷ đồng, trong đó năm 2018 chi hơn 344 tỷ đồng, năm 2019 hơn 203 tỷ đồng và năm 2020 hơn 201 tỷ đồng.
Ngay sau đó, đề án này bị thu hồi sáng 22/5. Bộ GD&ĐT cho hay Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã chỉ đạo kiểm tra lại nội dung đề án, xét thấy nội dung về tài chính được tính toán tích hợp từ nhiều nguồn liên quan, có sự trùng lắp, một số nội dung thiếu khả thi; một số khoản mục là chi phí gián tiếp chứ không trực tiếp cho hoạt động tổ chức thi.
Bộ trưởng chỉ đạo thu hồi đề án để tiếp tục hoàn thiện, bộ phận soạn thảo nghiêm túc rút kinh nghiệm trong việc xây dựng các đề án, dự án, đặc biệt là khi tính toán nội dung về tài chính.
Bộ GD&ĐT thừa nhận công văn gây hiểu nhầm
Tháng 10/2017, Bộ GD&ĐT có văn bản yêu cầu các sở GD&ĐT chỉ đạo cơ sở giáo dục phổ thông tiếp tục điều chỉnh nội dung dạy học theo hướng tinh giản để phù hợp thời lượng dạy học và điều kiện thực tế của nhà trường.
Trong đó, Bộ GD&ĐT yêu cầu: "Các trường không dạy những nội dung, bài tập, câu hỏi trong SGK vượt quá mức độ cần đạt về kiến thức, kỹ năng của chương trình giáo dục phổ thông hiện hành. Tuyệt đối không dạy những nội dung ngoài SGK".
Theo TS Trịnh Thu Tuyết, cựu giáo viên THPT Chu Văn An, Hà Nội, sách giáo khoa là một trong những yếu tố quan trọng nhưng không phải duy nhất cung cấp kiến thức, kỹ năng cho học sinh.
Đồng tình với ý kiến trên, cô Nguyễn Thị Huyền Thảo - giáo viên trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, TP.HCM - lo ngại rằng SGK hiện nay lạc hậu, nhất là SGK Lịch sử.
Tối cùng ngày, ông Nguyễn Xuân Thành, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ GD&ĐT, giải thích việc diễn đạt đã gây hiểu nhầm là bộ chỉ cho phép giáo viên khai thác sử dụng SGK để dạy học. Điều này không đúng tinh thần chỉ đạo của bộ.
Theo Zing/ Quyên Quyên