Sáng 12/9, Bộ Công an cho biết, Dũng “trọc” Hà Đông (Nguyễn Văn Dũng, 52 tuổi, trú tại Hà Nội) bị tạm giữ hình sự vì liên quan đến vụ tổ chức, sử dụng trái phép chất ma túy tại quán karaoke Minh Minh (xóm 7, xã Sủ Ngòi, TP Hòa Bình).
Trước đó, vào 1h ngày 11/9, Công an TP Hòa Bình khi kiểm tra hành chính tại quán karaoke Minh Minh đã phát hiện 20 nam nữ thanh niên có dấu hiệu tổ chức, sử dụng ma túy trái phép chất ma túy tại 2 phòng hát số 301 và 402. Trong đó, có Dũng “trọc”.
Cơ quan công an xác định, đối tượng Lê Đức Hùng, SN 1982, trú tại phường Đồng Tiến, TP Hòa Bình, là người đã tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy cho nhóm đối tượng trên. Tại cơ quan Công an Lê Đức Hùng khai nhận toàn bộ hành vi tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy.
|
Dũng "trọc" và Lê Đức Hùng. |
Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Hòa Bình đã ra Quyết định tạm giữ hình sự đối với Lê Đức Hùng và 4 đối tượng khác để phục vụ công tác điều tra, gồm Nguyễn Văn Dũng (tức Dũng “trọc”); Hà Long Nhật, sinh năm 2002, trú tại thị trấn Mai Châu, tỉnh Hòa Bình, là nhân viên quán karaoke; Bùi Đức Hùng, sinh năm 1992, trú tại phường Thống Nhất, thành phố Hòa Bình và Nguyễn Văn Thanh, sinh năm 1992, trú tại Thị trấn Mai Châu, tỉnh Hòa Bình.
Sử dụng trái phép chất ma túy chỉ bị phạt hành chính?
Trao đổi với PV Kiến Thức, luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho rằng, quá trình điều tra, cơ quan công an sẽ làm rõ hành vi, vai trò của các đối tượng, trong đó có Dũng “trọc”. Cụ thể là hành vi sử dụng, tàng trữ trái phép chất ma túy hay hành vi tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy. Đồng thời, mở rộng điều tra của các đối tượng khác có liên quan, xem xét hành vi, nhân thân, lai lịch của đối tượng vi phạm để xem xét các hành vi vi phạm nào khác không để xử lý nếu có.
Dưới góc độ pháp luật, hành vi sản xuất, sử dụng, tàng trữ, vận chuyển, mua bán, chiếm đoạt trái phép chất ma túy là hành vi vi phạm pháp luật và tùy vào tính chất, mức độ, hậu quả hành vi mà có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Từ khi BLHS năm 2015 được ban hành, hành vi sử dụng trái phép chất ma túy đã được đưa ra khỏi quy định của pháp luật hình sự, thay vào đó là các hình thức xử lý theo quy định của pháp luật hành chính. Điều này cho thấy bên cạnh tính răn đe còn chứa đựng tính nhân đạo trong chính sách pháp luật của Việt Nam và phù hợp với các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã ký kết.
|
Dũng "trọc" thời điểm bị bắt quả tang liên quan ma túy trong quán karaoke. |
Luật sư Cường cho rằng, theo quy định tại khoản 1 Điều 21 Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội; phòng chống tệ nạn xã hội…thì những trường hợp có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy sẽ bị xử lý bằng một trong hai mức độ như sau: Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng. Ngoài ra tùy trường hợp thì người người nghiện có thể bị đưa vào trung tâm cai nghiện bắt buộc.
Đối với hành vi tàng trữ trái phép chất ma túy, khoản 2 Điều 21 Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng.
Trường hợp người nào tàng trữ trái phép chất ma túy mà không nhằm mục đích mua bán, vận chuyển, sản xuất trái phép chất ma túy thuộc trường hợp đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi tàng trữ trái phép chất ma túy hoặc đã bị kết án về tội này hoặc một trong các tội quy định tại các điều 248, 250, 251 và 252 của Bộ luật hình sự 2015, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; hoặc trường hợp tàng trữ trái phép chát ma túy thỏa mãn dấu hiệu về định lượng một số chất nhất định quy định tại khoản 1 Điều 249 BLHS thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội tàng trữ trái phép chất ma túy quy định tại Điều 249 BLHS.
Mức hình phạt cao nhất đối với tội này có thể lên đến tù chung thân. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
“Hành vi tàng trữ trái phép chất ma túy có thể được hiểu là hành vi cất giữ, cất giấu bất hợp pháp chất ma túy ở bất cứ nơi nào (như trong nhà, ngoài vườn, chôn dưới đất, để trong vali, cho vào thùng xăng xe, cất giấu trong quần áo, tư trang mặc trên người hoặc theo người….) mà không nhằm mục đích mua bán, vận chuyển hoặc sản xuất trái phép chất ma túy” – luật sư Đặng Văn Cường cho biết.
Đối với tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy được quy định, hướng dẫn tại Điều 255 BLHS. Theo đó, mức án nhẹ nhất là 2 năm và cao nhất là tù chung thân. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, phạt quản chế, cấm cư trú từ 1 năm đến 5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
|
Các đối tượng liên quan vụ việc. |
Dẹp loạn… giang hồ mạng!
Dũng “trọc” không chỉ được biết đến là một đại ca giang hồ chuyên bảo kê nhà hàng, khách sạn, quán karaoke, cho vay nặng lãi và đòi nợ thuê mà còn biết đến là một giang hồ mạng khi thường xuyên lên mạng xã hội, kết giao với các "giang hồ mạng" như Phú Lê, Huấn "hoa hồng", Dương Minh Tuyền...
Đặc biệt, Dũng "trọc" nhận Khá "bảnh" (Ngô Bá Khá) làm con nuôi. Hôm Khá Bảnh bị tuyên án, Dũng "trọc" đã cùng một số anh em xuất hiện ở toà án Bắc Ninh.
Luật sư Đặng Văn Cường cho rằng, sự phát triển của mạng xã hội mang lại nhiều tiện ích nhưng cũng mang đến những mặt trái của xã hội khi xuất hiện những giang hồ mạng xã hội đen, nhiều đối tượng nổi tiếng trên mạng xã hội là do nói tục, chửi bậy, khoe thân, làm những điều kỳ dị bất thường.
Đặc điểm của mạng xã hội là những hình ảnh kinh dị, quái gở, những hiện tượng “độc, lạ” lại được nhiều người quan tâm, theo dõi, chia sẻ. Từ đó khiến cho nhiều đối tượng “dị” có đất sống trên mạng, họ kiếm được tiền từ những hình ảnh, hành vi bất thường trên mạng xã hội.
Nhiều người sử dụng mạng xã hội như một trò giải trí, tìm kiếm những thứ mà đời thực không có được, không được nhìn thấy…Chính vì thế mà những trò lố, những cảnh khỏa thân, những lời nói tục chửi bậy, đâm chém, đánh đấm, những tin tức kinh dị, rùng rợn lại trở nên hot và nhiều người theo dõi chia sẻ đã tác động tiêu cực đến xã hội, đặc biệt là đối với giới trẻ. Giang hồ mạng chính là sự “độc, lạ, dị” thỏa mãn được sự quan tâm, hiếu kỳ, tò mò của cư dân mạng.
|
Dũng "trọc" cùng con nuôi Khá bảnh. |
Đồng thời, mạng xã hội cũng trở thành công cụ để những người xưng là giang hồ mạng kiếm tiền, thu nhận “đàn em” đồng thời thỏa mãn cảm giác được nhiều người nể phục. Những người theo dõi, tôn sùng, ủng hộ bộ phận giang hồ mạng hầu hết là giới trẻ, thậm chí hầu hết là những trẻ em chưa thành niên.
Do đó, hành vi ứng xử của giang hồ mạng có tác động, ảnh hưởng lớn tới lối sống, đạo đức và nhân cách của giới trẻ.
Cũng theo luật sư Cường, giống với bản chất “giang hồ”, các giang hồ mạng thực chất là những đối tượng lưu manh, côn đồ, thất học nhưng lại viết sách, rao giảng đạo đức, triết lý, đạo lý... làm nhiều người trẻ coi là thần tượng, học theo, ảnh hưởng tương lai của nhiều bạn trẻ, làm giá trị đạo đức xã hội bị đảo lộn. Những hành vi của các đối tượng “giang hồ mạng” trên mạng xã hội thể hiện thái độ côn đồ, hung hãn, coi thường tính mạng sức khỏe, tài sản danh dự nhân phẩm của người khác, coi mình là giỏi, hơn ngươi để đi rao giảng đạo đức cho người khác trong khi mức độ nhận thức của mình rất hạn chế, lối sống lệch lạc, sa đọa.
Mục đích của những đối tượng giang hồ mạng cũng chỉ nhằm thu hút sự chú ý và kiếm tiền từ cư dân mạng chứ không phải là tôn vinh những giá trị nhân văn như vẫn thường nói.
Tuy nhiên, những hành vi của các đối tượng giang hồ mạng đã tác động tiêu cực đến sự hình thành nhân cách của giới trẻ, làm ảnh hưởng đảo lộn các giá trị đạo đức xã hội, sẽ có thể gây hậu quả khôn lường nếu không xử lý. Bởi vậy các cơ quan bảo vệ pháp luật đang rất quyết liệt dẹp loạn “giang hồ mạng”. Đây là một chủ trương đúng đắn để tạo ra môi trường mạng trong sạch, có văn hóa, hạn chế tối đa những tác động tiêu cực đến sự phát triển và hình thành nhân cách của giới trẻ.
Thực tế, thời gian qua, nhiều giang hồ mạng có tên tuổi dần dần bị bóc gỡ, xử lý hình sự bởi các hành vi vi phạm pháp luật khác nhau. Các đối tượng giang hồ mạng luôn bị đặt dưới “tầm ngắm” của các cơ quan chức năng, dễ dàng bị áp dụng các chế tài pháp luật nếu như có những hành vi vi phạm pháp luật. Khi có căn cứ chứng minh những đối tượng giang hồ mạng có hành vi vi phạm pháp luật; xâm phạm đến quyền và lợi ích của cá nhân, cơ quan, tổ chức, nhà nước; gây hậu quả xấu cho xã hội thì việc xử lý là cần thiết.
Đến nay cơ quan điều tra bắt giữ đối tượng giang hồ mạng Dũng "trọc” để điều tra làm rõ hành vi sử dụng, tàng trữ ma tuý trái phép là không có gì lạ. Trước đó các địa phương liên tục phát hiện, xử lý những sai phạm để triệt phá những đối tượng “giang hồ mạng” như Dương Minh Tuyền, Khá “bảnh”, Huấn “hoa hồng”, Đường “Nhuệ”, “Phú Lê”,.. lần lượt bị xử lý về các hành vi liên quan đến ma tý, tín dụng đen, cờ bạc, gây rối trật tự công cộng, hành hung người khác…
Việc cơ quan chức năng triệt phá giang hồ mạng, xử lý những đối tượng trên, xóa bỏ những hình tượng xấu trên mạng xã hội là cần thiết để đảm bảo an ninh an toàn mạng, đảm bảo sự lành mạnh trong thông tin mạng và giảm bớt những tác động tiêu cực của mạng xã hội đối với thanh thiếu niên và những người sử dụng mạng xã hội; đảm bảo sự hình thành phát triển nhân cách của thế hệ trẻ không bị tác động bởi những hiện tượng tiêu cực này.
>>> Mời độc giả xem thêm video Phú Lê, Đường "Nhuệ" và kết cục giống nhau của những “giang hồ mạng"
Tâm Đức