Nhập cảnh trái phép vào Việt Nam chủ yếu là người Trung Quốc
Trong thời gian gần đây, nhiều địa phương đã ghi nhận một số trường hợp người nước ngoài xâm nhập trái phép vào Việt Nam, đi sâu vào nội địa, qua nhiều tỉnh, thành phố không được kiểm soát, cách ly, áp dụng các biện pháp phòng chống dịch COVID-19.
|
Việt Nam trao trả 4 đối tượng quốc tịch Trung Quốc nhập cảnh trái phép. |
Điển hình, Đà Nẵng phát hiện hàng chục trường hợp người Trung Quốc nhập cảnh trái phép, không khai báo lưu trú. Hà Nội phát hiện 19 trường hợp người nước ngoài nhập cảnh trái phép, cư trú trên địa bàn TP Hà Nội.
Chỉ trong 4 tháng, Bộ đội biên phòng An Giang lập 136 tổ, chốt công tác ở biên giới Việt Nam - Campuchia, phát hiện 392 người xuất nhập cảnh trái phép…
Ngay trong sáng ngày 27/7, Đội Tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc số 1 (Cục CSGT) phát hiện xe ô tô chở 5 người quốc tịch Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào Việt Nam từ Lào Cai. Các đối tượng cho hay, họ đã thuê đò đi 4 tiếng trên sông để đến Lào Cai, sau đó có xe đón vào TPHCM.
Tại biên giới, ngoài các đường mòn, lối mở được quản lý, các đối tượng buôn lậu và dẫn người nhập cảnh trái phép không ngừng phá thêm hàng chục đường mòn, lối mở mới khiến lực lượng biên phòng vất vả trong kiểm soát, ngăn chặn người và hàng trốn lậu biên giới.
Còn từ cuối tháng 6 đến nay, cán bộ chiến sĩ thuộc Đồn biên phòng Trà Cổ (tỉnh Quảng Ninh) cũng đã bắt giữ 5 vụ xuất nhập cảnh trái phép, trong đó có 5 người Việt Nam và 12 người Trung Quốc.
Đáng nói, tình trạng nhập cảnh trái phép này ngoài sự cầm đầu của các đối tượng người Trung Quốc, còn có sự tiếp tay, giúp sức và dẫn đường của nhiều người Việt.
Theo đó, việc nhập cảnh trái phép không chỉ vi phạm pháp luật của nước Việt Nam còn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch bệnh COVID-19 khi mà dịch ở nước ngoài vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp.
|
Người cầm đầu đường dây nhập cảnh người trái phép Cao Lượng Cố. |
Trước thực tế đó, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh COVID-19 đề nghị Bộ Quốc phòng tiếp tục tăng cường kiểm soát chặt khu vực biên giới, đặc biệt là các đường mòn, lối mở, không để các trường hợp nhập cảnh trái phép vào Việt Nam. Tăng cường kiểm tra, giám sát công tác phòng chống lây nhiễm chéo COVID-19 tại các khu cách ly do đơn vị quân đội quản lý.
Bộ Công an tiếp tục chỉ đạo cơ quan công an địa phương quản lý chặt công tác quản lý tạm trú, tạm vắng và cư trú trên địa bàn; Thường xuyên kiểm tra, rà soát, xử lý người nước ngoài đến cư trú, tạm trú bất hợp pháp trên địa bàn. Quản lý chặt chẽ người nước ngoài được phép làm việc, lưu trú tại địa phương đặc biệt tại các cơ sở sản xuất kinh doanh, trường học, khách sạn, nhà nghỉ,...
Vận động quần chúng nhân dân thông báo kịp thời cho chính quyền địa phương khi phát hiện các trường hợp nhập cảnh trái phép trong cộng đồng để có biện pháp xử lý. Đồng thời, nhân dân không được chủ quan, thực hiện đúng và đầy đủ các quy định về phòng chống dịch COVID-19.
Chỉ đạo các cơ quan liên quan lập danh sách tất cả những người nhập cảnh trái phép lưu trú, cư trú tại địa phương và tổ chức cách ly, điều tra dịch tễ, lấy mẫu xét nghiệm, thực hiện nghiêm và đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch theo quy định đối với người nhập cảnh trái phép Việt Nam (nếu phát hiện).
Nhập cảnh trái phép là hành vi gây nguy hiểm cho xã hội
Ở góc độ pháp luật, Luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư Hà Nội) đánh giá hành vi nhập cảnh trái phép, cư trú trái phép tại Việt Nam trong bối cảnh dịch COVID-19 xuất hiện thêm diễn biến mới là hành vi nguy hiểm cho xã hội.
Theo luật sư, Điều 20 Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam năm 2014 quy định chỉ người có đầy đủ hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế và thị thực thì mới được nhập cảnh hợp pháp vào Việt Nam.
Còn các trường hợp khác, trong đó có việc giả mạo giấy tờ, khai sai sự thật để được cấp giấy tờ có giá trị nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú đều được coi là vi phạm pháp luật.
Luật sư cho biết, người nước ngoài nhập cảnh, hành nghề hoặc có hoạt động trái quy định tại Việt Nam; người giúp đỡ, chứa chấp, che giấu, tạo điều kiện cho người nước ngoài vào Việt Nam, ở lại Việt Nam hoặc qua lại biên giới quốc gia trái phép có thể bị phạt tiền 15-25 triệu đồng, theo quy định tại Điều 17 Nghị định 167/2013 của Chính phủ.
Nếu đã bị xử phạt hành chính về trường hợp trên nhưng tái phạm thì người vi phạm còn có thể bị xử lý hình sự về tội Vi phạm quy định về xuất cảnh, nhập cảnh; tội Lưu trú ở Việt Nam trái phép, với mức xử lý gồm phạt tiền đến 50 triệu đồng hoặc phạt tù tối đa 3 năm.
>>> Mời bạn đọc xem thêm video: Đường dây đưa người Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào Việt Nam
Nguồn VNEWS
Hà Trang