Theo báo cáo đánh giá hoạt động du lịch trên địa bàn thành phố Đà Nẵng 9 tháng năm 2024, tổng lượng khách lưu trú trên địa bàn ước đạt 8,67 triệu lượt, tăng 33% so với cùng kỳ năm 2023; doanh thu lưu trú, ăn uống, lữ hành ước hơn 26 ngàn tỷ đồng, tăng 26%.
Về cơ cấu khách quốc tế, Top 10 thị trường khách quốc tế 9 tháng qua: Hàn Quốc (chiếm tỷ lệ 41,3%), Đài Loan (Trung Quốc), Thái Lan, Trung Quốc, Ấn Độ, Mỹ, Nhật Bản, Malaysia, Úc, Nga.
|
Đà Nẵng phát triển du lịch cưới với thông điệp “Đà Nẵng, Nơi khởi nguồn hạnh phúc” (Where happiness begins) |
So với thời điểm năm 2019, tỷ lệ khách Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan, Nhật Bản đến Đà Nẵng đều giảm. Đặc biệt là thị trường Hàn Quốc giảm 8,5%; Trung Quốc giảm 13,6%. Bù đắp sự sụt giảm này là sự tăng trưởng của một số thị trường mới: Đài Loan tăng 8,1%, Ấn Độ tăng 4,2%, Úc tăng 1,1%, Nga tăng 1,4%...
Bà Trương Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Sở Du lịch TP Đà Nẵng cho rằng, thực tế này phản ánh xu hướng dịch chuyển của một số thị trường khách truyền thống sang các điểm đến mới. Đồng thời thể hiện rõ hiệu quả của chủ trương đa dạng hóa thị trường khách quốc tế với các nỗ lực xúc tiến, tìm kiếm mở rộng thị trường, khôi phục phát triển các đường bay quốc tế trực tiếp, tăng cường tổ chức lễ hội sự kiện thu hút khách và công tác truyền thông – quảng bá điểm đến... nhằm duy trì và tăng trưởng lượng du khách đến Đà Nẵng.
|
Xúc tiến điểm đến tại các thị trường tiềm năng |
Theo đánh giá, các biến động kinh tế chính trị quốc tế, thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, tình hình suy thoái kinh tế toàn cầu hiện nay dẫn đến giảm nhu cầu du lịch, chi phí vé máy bay cao, du khách có xu hướng tiết kiệm, thắt chặt chi tiêu và chọn điểm đến gần.
Mặt khác, hiện nay đang có sự cạnh tranh điểm đến quốc tế rất mạnh mẽ từ Thái Lan, Trung Quốc như giá rẻ, chính sách visa thông thoáng, chính phủ hỗ trợ bằng tiền cho các hãng hàng không mở đường bay, tặng voucher bằng tiền cho du khách....
Trong khi đó, quy mô, năng lực khai thác thị trường và tính liên kết hợp tác trong kinh doanh của các doanh nghiệp du lịch Đà Nẵng còn hạn chế. Sản phẩm du lịch mới của TP từ một số dự án du lịch động lực chưa được triển khai, có nguy cơ làm giảm lợi thế cạnh tranh điểm đến, giảm thời gian lưu trú. Hoạt động vui chơi giải trí dưới nước, du lịch đường thủy phát triển chưa tương xứng tiềm năng.
Trách nhiệm tham gia đóng góp nguồn lực kinh phí của phần lớn các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn thành phố để triển khai xúc tiến thị trường, truyền thông điểm đến, tổ chức sự kiện/lễ hội thu hút khách còn hạn chế.
|
Đà Nẵng cùng Thừa Thiên Huế và Quảng Nam giới thiệu thương hiệu du lịch “Miền di sản diệu kỳ - Amazing Central Vietnam Heritage” đến với đất nước Úc |
Báo cáo cũng cho biết, quy hoạch bến và cảnh quan chưa đồng bộ. Cảnh quan hai bờ Sông Hàn còn thiếu ánh sáng về đêm, điện chiếu sáng một số cây cầu đã xuống cấp. Một số tuyến đường tại khu vực bán đảo Sơn Trà còn đang sửa chữa; nguy cơ sạt lở tại các tuyến đường tại bán đảo Sơn Trà.
Thêm vào đó, chất lượng nguồn nhân lực phục vụ du lịch chưa đồng đều và chưa chuyên nghiệp về nghiệp vụ và kỹ năng phục vụ do có tình trạng dịch chuyển lao động sau COVID 19, thiếu nhân lực du lịch có kinh nghiệm nghề. Doanh nghiệp du lịch còn gặp nhiều khó khăn trong kinh doanh nên việc đầu tư cho đào tạo nhân lực, nâng cấp cơ sở vật chất rất hạn chế.
Vẫn còn xuất hiện tình trạng chèo kéo khách, bán hàng rong tại một số tuyến đường tập trung khách như: Cầu tàu tình yêu, khu vực vỉa hè phía Tây Cầu Rồng và đường Bạch Đằng nối dài, vỉa hè tuyến biển Hoàng Sa, Trường Sa-Võ Nguyên Giáp, cổng Cảng Đà Nẵng...
Theo Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng, trong các tháng còn lại của năm 2024, Du lịch Đà Nẵng sẽ tiếp tục xúc tiến mở các đường bay quốc tế trực tiếp đến TP, tổ chức đón các đường bay mới và chương trình kích cầu khai thác khách 2 chiều để duy trì các đường bay. Triển khai các hoạt động xúc tiến khai thác thị trường khách Úc, khách đường biển, đường bộ, liên kết hình thành và tạo xu hướng du lịch trải nghiệm bằng tàu hỏa.
Trong quý 4/2024, Đà Nẵng sẽ công bố Bộ tiêu chí Văn hóa du lịch Đà Nẵng - Da Nang SMILE; Triển khai tổ chức các sự kiện, lễ hội, sản phẩm du lịch đặc sắc như Lễ hội Noel - năm mới 2025; công bố Chiến dịch Da Nang Food Tour; triển khai đầu tư giai đoạn 2 chợ đêm Sơn Trà;
Ngành du lịch sẽ triển khai chính sách thu hút khách du lịch MICE, du lịch cưới; các chương trình kích cầu thu hút khách dịp cuối năm, kích cầu thị trường khách Ấn Độ…
Dự báo năm 2024 tổng lượng khách lưu trú tại Đà Nẵng đạt 10,3 triệu lượt, tăng gần 40% so với năm 2023 (khách quốc tế ước đạt 4,2 triệu lượt, tăng 2,1 lần); doanh thu lưu trú, ăn uống, lữ hành ước hơn 38 ngàn tỷ đồng, tăng 37% so với năm 2023.
Phấn đấu năm 2025, tổng lượt khách lưu trú ước đạt hơn 10,5 triệu lượt, tăng 6% so với năm 2024. Trong đó, khách quốc tế ước đạt 4,3 triệu lượt, tăng 11%, khách nội địa ước đạt hơn 6,2 triệu lượt. Doanh thu lưu trú, ăn uống, lữ hành năm 2025 ước đạt 40,7 ngàn tỷ đồng, tăng 11% so với năm 2024.
>>> Mời độc giả xem thêm video Đà Nẵng: Xã hội hóa Lễ hội Vu Lan báo hiếu tại Ngũ Hành Sơn:
Hàn Băng