Bốn người chết đuối, 2 người hiện đang mất tích. Đó là những con số đau lòng về vụ đuối nước xảy ra tại bãi biển thuộc khu Resort Đất Lành (xã Tân Tiến, thị xã La Gi, tỉnh Bình Thuận).
Thảm họa tắm biển là cụm từ được dùng để nói về vụ việc trên khi địa điểm kinh doanh du lịch, tắm biển này trở thành nơi chết chóc, tang thương. Những công nhân sau những ngày làm việc vất vả được công ty tạo điều kiện cho đi nghỉ dưỡng đã phải trải qua chuyến du lịch định mệnh, một số người đã mãi mãi không thể trở về nhà. Thậm chí, ngay những người cứu hộ, xả thân cứu du khách cũng phải mất mạng bởi chính công việc họ vẫn làm thường ngày.
Đáng chú ý, nguyên nhân dẫn đến vụ việc trên không chỉ do thời tiết xấu, sóng biển lớn mà chủ yếu do ý thức rất kém đến từ du khách và sự chủ quan trong công tác đảm bảo an toàn cho du khách khi tắm biển của khu Resort Đất Lành.
|
Vụ việc đuối nước thương tâm xảy ra khi một số du khách tắm biển bị sóng lớn cuốn. |
“Đã đến biển là phải tắm thôi” – suy nghĩ chung của một số du khách trong vụ việc trên đã dẫn đến những hậu quả thương tâm. Chỉ vì thỏa mãn nhu cầu tắm biển, một số du khách đã không tuân thủ các điều kiện đảm bảo an toàn của ban quản lý khu resort, bất chấp biển cảnh bảo nguy hiểm khi biển động, thiếu kiến thức để tự bảo vệ tính mạng của mình, không lường trước được hậu quả dẫn đến một số người vĩnh viễn mất đi mạng sống.
Cùng với đó là sự yếu kém trong công tác quản lý, đảm bảo an toàn cho du khách của chính Resort cũng là nguyên nhân dẫn đến sự việc trên. Điều đó thể hiện qua việc ông Võ Thanh Dũng - Giám đốc Đất Lành Resort khi trả lời báo chí cho biết: “Có cảnh báo nhưng đành chịu thua vì du khách không chấp hành”.
Người đứng đầu khu Resort Đất Lành cho biết, luôn chú trọng đến vấn đề cứu hộ. Những ngày gió bão, mùa nước lớn, đơn vị đều cảnh báo, yêu cầu khách ngưng tắm biển, đồng thời kết hợp với những đơn vị làm tour để thông báo cho du khách. Thậm chí, tại bãi biển này, luôn có đội cứu hộ túc trực 24/24 để nhắc du khách không nên tắm biển trong mùa mưa gió, nước lớn.
Thực tế, những biện pháp trên đã không thể ngăn chặn được thảm họa khi điểm “chết người” không được làm chặt chẽ. Đó là việc dù có đội cứu hộ, có cảnh báo nhưng không có biện pháp mạnh để ngăn cản du khách tắm biển khi thời tiết xấu. Đó là việc “chỉ nhắc nhở người ta chứ không thể ngăn cản được” và khi du khách không chấp hành, người đứng đầu khu Resort Đất Lành cho biết cũng “đành chịu thua”.
Những phát ngôn trên của ông Võ Thanh Dũng - Giám đốc Đất Lành Resort cho thấy, khu Resort đã làm hết sức mình và lỗi hoàn toàn xuất phát từ ý thức của du khách. Đó thực sự là những phát ngôn vô cảm của người đứng đầu khu du lịch này. Đồng thời cho thấy, sự chủ quan, thiếu trách nhiệm của khu du lịch trong việc đảm bảo an toàn tính mạng cho du khách.
Bởi thực tế, các quy định, các biện pháp về đảm bảo an toàn cho du khách được ban hành rất chặt chẽ bài bản như việc giăng dây giới hạn cảnh báo không để du khách và người dân xuống tắm ở những khu vực nguy hiểm, có vùng nước xoáy; thành lập đội cứu hộ được trang bị các phương tiện như xuồng cứu hộ, loa cầm tay, áo phao, phao tròn, còi cứu hộ...; bố trí người trực gác tại trạm quan sát, phát loa nhắc nhở, cảnh báo du khách về các điều kiện đảm bảo an toàn khi tắm biển; phân công người thường xuyên tuần tra tại các khu vực nguy hiểm đề phòng du khách có ý định vượt ranh giới thể hiện tài bơi lội dẫn đến tai nạn đuối nước…
Tuy nhiên, tại khu Resort Đất Lành đã xem nhẹ những quy định và thực hiện các biện pháp theo kiểu cho có. Bởi đã cấm, đã cảnh báo thì không có chuyện du khách có thể xuống biển tắm được, chỉ trừ trường hợp có cấm, có cảnh báo nhưng chỉ là chiếc biển treo, đặt cho có, nhân viên không giám sát chặt chẽ, không có biện pháp cấm đoán cần thiết thì du khách mới có thể vô tư xuống biển tắm khi thời tiết nguy hiểm.
Một minh chứng rõ ràng nhất, ngay sau khi xảy ra vụ việc thương tâm trên, ban quản lý resort Đất Lành mới tiến hành khoanh vùng cảnh báo khu vực nguy hiểm trên biển để người dân và du khách được biết. Đồng thời, cử người trực thường xuyên trên các bãi tắm để sẵn sàng cứu nạn, cứu hộ khi có tình huống xấu xảy ra. Nếu những biện pháp này được triển khai sớm hơn, kiên quyết hơn, mạnh mẽ hơn thì đã không có vụ việc thương tâm trên. Bởi đây không phải là vụ “tai nạn không thể lường trước được” như lời lãnh đạo Resort Đất Lành nói mà đó hoàn toàn có thể ngăn chặn, nếu không có sự chủ quan và sự “chịu thua” của khu Resort này.
Được biết ngay sau khi xảy ra sự việc, Sở VHTT&DL đã ban hành thông báo khẩn trong đó yêu cầu, các đơn vị liên quan kiểm tra, tăng cường các trang thiết bị, phương tiện để đảm bảo công tác cứu hộ; Các đơn vị phải tăng cường lực lượng nhân viên trực cứu hộ sẵn sàng để ứng phó kịp thời, chủ động tuyên truyền, thông báo đến du khách và kiên quyết hạn chế cho du khách tắm biển trong điều kiện thời tiết xấu. Dư luận đặt ra câu, cơ quan quản lý du lịch tỉnh Bình Thuận này đã tích cực kiểm tra, xử lý những đơn vị, doanh nghiệp kinh doanh du lịch trong công tác đảm bảo an toàn cho du khách tắm biển hay chỉ là khi “mất bò mới lo làm chuồng”?.
Để đảm bảo an toàn cho du khách, các cơ quan tỉnh Bình Thuận cần tăng cường kiểm tra, xử lý những đơn vị buông lỏng quản lý, không chấp hành nghiêm những quy định, biện pháp đảm bảo an toàn tại các bãi biển. Trước tiên cần kiểm tra xử lý trách nhiệm của Resort Đất Lành khi để xảy ra sự việc trên. Bởi kinh doanh du lịch bãi biển không có chỗ cho sự chủ quan, vô cảm, bởi đó là tính mạng không chỉ một người mà là rất nhiều người.
Thiên Nga