Thời gian qua, Báo Gia đình & Xã hội nhận được nhiều ý kiến phản ánh của du khách và người dân khi đến chiêm bái, tham quan khu di tích Quốc gia đặc biệt Côn Sơn – Kiếp Bạc (thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương), bị chèo kéo xem bói toán bởi những người viết sớ trong khuôn viên chùa Côn Sơn.
Để mục sở thị sự việc, ngày 13/2, PV đã có mặt tại khu di tích khi đang có nhiều du khách về dự lễ hội mùa Xuân. Ở phía ngoài sân đá là hội thi vật truyền thống, còn phía trong sân chùa Côn Sơn có nhiều người vào thăm quan và lễ Phật.
|
Đường dẫn vào khuôn viên chùa Côn Sơn là một dãy dài các gian viết sớ. Ảnh: Đ.Tuỳ |
Chị Nguyễn Thị Phượng (huyện Ninh Giang, Hải Dương) cho hay, hàng năm cứ vào lễ hội mùa Xuân chị và người thân tìm về khu di tích này để vãn cảnh và cầu bình an. Tuy nhiên, khi vừa bước chân vào cổng chùa mấy người viết sớ đã mời chào vào mua đồ lễ, sau đó gợi ý xem bói.
“Khi tôi vừa bước chân vào khu bày bán hàng lễ, một người đàn ông khoảng trên 60 tuổi nhìn mặt và nói tôi có phúc, có quý nhân phù trợ. Đồng thời, bảo năm nay tôi gặp hạn và mời ngồi xuống xem bói. Khi tôi bảo không có nhu cầu thì người này cố nài nỉ xem bằng được”, chị Phượng cho biết.
Anh Trần Văn Tuấn (thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh) kể, khi anh vừa ở trong chùa Côn Sơn làm lễ xong, anh ra các gian hàng xem thì cũng bị những người ngồi viết sớ chèo kéo. Thấy vậy, anh đành ngồi xuống xem nhưng khi trả tiền thì những người đó không hài lòng vì do anh đưa ít.
|
Khi du khách vào mua lễ sẽ được những người viết sớ gợi ý xem bói. Ảnh: Đ.Tuỳ |
“Trước khi xem họ bảo tôi là cho bao nhiêu tuỳ tâm, nhưng khi tôi đưa 20 nghìn thì họ thay đổi hẳn thái độ, không niềm nở như trước. Tôi là người thường xuyên đi nhiều lễ hội ở các địa phương và ít thấy ở đâu còn tình trạng mời chào khách xem bói như ở đây. Thậm chí, trong khuôn viên còn có các gian hàng bày bán quần áo thành y như họp chợ”, anh Tuấn bức xúc.
Theo quan sát của PV Báo Gia đình & Xã hội, dọc tuyến đường bên trái vào chùa Côn Sơn là dãy hàng bày bán đồ lễ được BQL di tích đánh số thứ tự, cạnh đó là biển ghi “Viết sớ”. Đặc biệt, hầu hết người ngồi viết sớ đều là nam giới trên 60 tuổi. Khi thấy PV đưa máy chụp ảnh thì họ nhanh tay gấp quyển sổ tử vi và quay mặt ra chỗ khác.
Khi thấy bóng dáng du khách đi vào trong khuôn viên chùa, ngay lập tức những người viết sớ ra hiệu mời chào vào mua hương hoa và nhìn vào du khách đoán tướng mời xem bói. Thông thường giá xem bói dao động từ 30 - 50 nghìn đồng. Thậm chí, các đoàn học sinh của các trường đến tham quan cũng được mời chào đến với dịch vụ này.
Nói về vấn đề trên, ông Nguyễn Khắc Minh - Trưởng Ban quản lý di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc cho hay, thời gian qua BQL di tích đã triển khai nhiều biện pháp quyết liệt chống mê tín dị đoan, tuy nhiên tình trạng một số người lợi dụng để xem bói vẫn còn.
“Trước thì không nói làm gì nhưng thời gian gần đây chúng tôi siết chặt quản lý nhưng vẫn không giải quyết triệt để được hiện tượng bói toán. Thậm chí, có năm chúng tôi bắt phạt hành chính và kết hợp với chính quyền địa phương ký cam kết với các hàng quán không nâng ép giá và chèo kéo khách xem bói. Tuy nhiên vấn đề này vẫn không thể xoá hẳn”, ông Minh cho biết.
Trao đổi với PV Báo Gia đình & Xã hội, bà Nguyễn Thị Việt Nga – Giám đốc Sở Văn hoá thể thao và Du lịch tỉnh Hải Dương cho hay, tình trạng mê tín dị đoan, bói toán ở khu di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc và lễ hội đã giảm nhiều nhưng vẫn còn tồn tại khiến nhiều du khách không hài lòng.
“Khi đoàn chúng tôi đi kiểm tra thì không có vấn đề gì nhưng vừa ra khỏi một số người lại hoạt động nén lút sau lưng, trong khi lực lượng của BQL di tích số lượng ít không thể trực thường xuyên”, bà Nga thông tin thêm.
Theo tìm hiểu của PV, không chỉ xuất hiện tình trạng chèo kéo khách xem bói, cho bày bán nhiều gian hàng quần áo trong khu vực di tích chùa Côn Sơn, mà hơn 20 năm qua tỉnh Hải Dương vẫn duy trì thu phí thăm quan đối với du khách khiến cho phần lớn người đến đây không hài lòng.
Được biết, lễ hội mùa Xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc năm nay diễn ra từ ngày 6/2 đến 19/2 (ngày 10 đến 23 tháng Giêng). Đây là lễ hội truyền thống tưởng niệm 683 năm ngày mất của Đệ tam tổ Trúc Lâm Huyền Quang Tôn giả (1334-2017) và khánh thành tòa Cửu phẩm Liên hoa chùa Côn Sơn.
Theo Đức Tùy/Giadinh.net