Dân có nhu cầu không?
Dự án Bệnh viện đa khoa quy mô 700 giường bệnh được khởi công xây dựng từ tháng 11/2007 tại phường Lộc Hạ, thành phố Nam Định (Nam Định), hứa hẹn sẽ là công trình y tế trọng điểm của vùng Nam đồng bằng sông Hồng.
Ban đầu công trình có vốn đầu tư 598,5 tỷ đồng, nhưng đến cuối 2009 được tăng lên 850,8 tỷ đồng.
Theo hợp đồng xây dựng đã ký kết giữa chủ đầu tư và các bên trúng thầu gồm Tổng công ty đầu tư phát triển hạ tầng đô thị UDIC, Công ty cổ phần xây dựng 504 - VINACONEX, gói thầu này sẽ hoàn thành vào ngày 15/1/2011.
Nhưng sau 10 năm khởi công, nơi đây biến thành bệnh viện bỏ hoang khiến người dân vô cùng xót xa.
Trước thông tin về dự án trên, trao đổi với Đất Việt, ngày 14/8, ông Nguyễn Xuân Trường, Chánh Văn phòng Bộ Y tế cho biết: "Đây là dự án do UBND tỉnh chủ trương đầu tư, theo nguồn trái phiếu Chính phủ cấp cho Nam Định chứ không thông qua Bộ Y tế.
|
Bệnh viện 700 giường nằm ven Quốc lộ 10 xây dựng 10 năm chưa thành. |
Tất nhiên một công trình xây dựng phục vụ cho mục tiêu y tế mà để hoang mấy năm trời thì lãng phí ai cũng nhìn thấy, nhưng quan trọng là phải xem xét lý do là gì".
Bên cạnh đó, theo ông Trường, việc quan trọng đừng nghĩ tới mục tiêu đây sẽ là bệnh viện trọng điểm cho Nam đồng bằng sông Hồng, hãy phục vụ tốt được cho người dân tỉnh Nam Định. Hãy đặt câu hỏi dự án bệnh viện xây dựng xong có phục vụ được nhu cầu của dân hay không?
Trong khi, Bộ Y tế đã xây dựng Bệnh viện Việt Đức 2, Bệnh viện Bạch Mai 2 ở Nam Định, hai dự án trên khởi công xây dựng sau dự án Bệnh viện 700 giường, mà bây giờ đã sắp hoàn thành đi vào hoạt động.
"Mục tiêu của Bộ Y tế là giảm tải lượng bệnh nhân cho 2 bệnh viện tuyến trên, nếu bệnh nhân đi từ phía Nam lên thì chỉ cần đi qua thành phố Phủ Lý sang Nam Định chứ không cần phải lên Hà Nội.
Trước đây, bệnh nhân Ninh Bình, Nghệ An, Thanh Hóa cũng không cần phải lên Hà Nội, chỉ dừng lại ở Nam Định, khi đó gánh nặng bệnh viện trung tâm sẽ được giảm đi", ông Trường phân tích.
Đang gặp khó ở nguồn vốn
Trong khi đó, cũng chia sẻ thông tin với Đất Việt, ông Nguyễn Tất Sơn - Phó Giám đốc Sở Xây dựng Nam Định cho hay: "Tôi không theo dõi mảng này, nên không nắm chắc, dự án trên do Ban quản lý các dự án trọng điểm tỉnh Nam Định nắm trực tiếp, lãnh đạo UBND tỉnh trực tiếp chỉ đạo, không trực thuộc Sở nên cũng không biết rõ.
Nhưng thực tế việc chậm tiến độ ai cũng biết, lãng phí ai cũng biết nhưng vấn đề này không thuộc quyền quản lý của Sở Xây dựng".
Về phía UBND tỉnh, ông Trần Kha - Chánh văn phòng UBND tỉnh Nam Định lại nói: "Phó Trưởng Ban quản lý các dự án trọng điểm - Vũ Khắc Đông, cũng đã nêu rõ vấn đề tồn tại của dự án trên, hiện nay khó khăn vẫn nằm ở nguồn vốn".
Còn bên Sở Y tế, bà Bùi Thị Minh Thu - Giám đốc Sở Y tế Nam Định khẳng định: "Dự án bệnh viện 700 giường không thuộc phạm vi quản lý của chúng tôi, nó thuộc sự quản lý của Ban quản lý các dự án trọng điểm của tỉnh".
Trong một diễn biến liên quan, trao đổi với báo chí, ông Vũ Khắc Đông - Phó Trưởng ban - Ban quản lý dự án xây dựng các công trình trọng điểm tỉnh Nam Định cho biết: "Dự án ban đầu có tổng mức đầu tư 400 tỷ đồng, trong đó 220 tỷ tiền thiết bị từ nguồn vốn ODA và các nguồn xã hội khác; còn lại là nguồn ngân sách huy động bằng trái phiếu Chỉnh phủ.
Từ năm 2010, dự án được điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư lên 850 tỷ đồng. Dự án được xây dựng trên diện tích 9,3ha thuộc KĐT mới Mỹ Trung do Tập đoàn Nam Cường làm chủ đầu tư".
Theo ông Đông, tính đến thời điểm hiện tại, các nhà thầu đã thi công được 05 hạng mục, bao gồm gói san lấp; gói thi công BVH1 xây dựng khu hành chính, nghiệp vụ kỹ thuật, nội trú; các khoa Ngoại sản; Nội nhi; nhà tang lễ bệnh viện; khu truyền nhiễm…
Đối với các gói thầu do nhà thầu là Tổng công ty đầu tư phát triển hạ tầng đô thị UDIC trúng thầu thi công, đơn vị này đã ứng vốn với tổng số tiền 124 tỷ đồng
Lý giải nguyên nhân dự án thi công dang dở, để hoang trong suốt thời gian dài, ông Đông cho biết: "Do nguồn vốn ngân sách cấp cho dự án trong các năm vừa qua bị hạn chế nên các nhà thầu vừa làm cầm chừng vừa… chờ đợi vốn. Vì vậy dự án bị chậm tiến độ".
Theo ông Đông, tỉnh sẽ tìm nguồn vốn để tiếp tục đầu tư song chưa thể xác định thời gian cụ thể.
“Biết là lãng phí nhưng tỉnh chưa có giải pháp”, ông Đông nói.
Tại kết luận Thanh tra của Bộ KH-ĐT chỉ rõ, do chủ đầu tư phân bổ vốn thiếu hợp lý, thậm chí ứng trước tới 87,4% giá trị hợp đồng khi nhà thầu còn chưa có khối lượng xây dựng dẫn đến việc công trình bị “tuýt còi”, đẩy dự án bệnh viện 700 giường đứng trước nguy cơ “không ngày về đích”.
Theo Châu An/Đất Việt