Động cơ Phó Chủ tịch Hà Nội Chử Xuân Dũng nhận hối lộ?

Google News

Ông Chủ Xuân Dũng đã lợi dụng chức vụ quyền hạn vi phạm chủ trương cho các doanh nghiệp thực hiện các chuyến bay giải cứu, đưa công dân từ nước ngoài về nước cách ly tại Hà Nội.

Kỷ luật công chức có thể trước hoặc sau quá trình tố tụng hình sự
Ngày 22/12, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Chử Xuân Dũng (SN 1973), Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội về tội "Nhận hối lộ" trong vụ án “chuyến bay giải cứu” xảy ra tại Bộ Ngoại giao, Hà Nội và các tỉnh, thành phố.
Cùng ngày, Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội họp, biểu quyết thống nhất đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét khai trừ ra khỏi Đảng đối với ông Chử Xuân Dũng.
Trao đổi với PV Tri thức và Cuộc sống, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường – Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng mà Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã khởi tố trước đó với nhiều bị can, trong đó nhiều người có chức vụ quyền hạn. Quá trình mở rộng vụ án, cơ quan điều tra đã có những tài liệu chứng cứ chứng minh hành vi có dấu hiệu sai phạm của một số cán bộ ở Hà Nội và các cơ quan Ngoại giao, Lãnh sự, các doanh nghiệp liên quan nên đã tiến hành mở rộng điều tra, khởi tố đối với ông Dũng.
Dong co Pho Chu tich Ha Noi Chu Xuan Dung nhan hoi lo?
Ông Chử Xuân Dũng - Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội 
Theo quy định của pháp luật, nếu cán bộ, công chức, đảng viên vi phạm pháp luật thì sẽ bị xem xét xử lý kỷ luật đảng, kỷ luật công chức và đồng thời bị xem xét trách nhiệm pháp lý.
Việc xử lý kỷ luật đảng, kỷ luật công chức có thể được thực hiện trước, đồng thời hoặc sau quá trình tố tụng hình sự. Do đó, có những trường hợp cán bộ bị xử lý kỷ luật trước, sau đó mới bị khởi tố, xử lý hình sự. Cũng có trường hợp cán bộ bị xử lý hình sự, đồng thời, cơ quan, tổ chức sẽ xem xét xử lý kỷ luật về mặt chính quyền và kỷ luật đảng. Đối với một số trường hợp cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý hoặc những trường hợp cán bộ cao cấp sẽ xem xét xử lý kỷ luật trước rồi tiến hành xem xét trách nhiệm hình sự sau.
Hành vi vi phạm pháp luật đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự, cán bộ, công chức, đảng viên sẽ bị xử lý kỷ luật theo quy định.
Động cơ nhận hối lộ của Phó Chủ tịch Hà Nội?
Ông Chủ Xuân Dũng được cho đã lợi dụng chức vụ quyền hạn vi phạm trong quá trình chấp thuận chủ trương cho các doanh nghiệp thực hiện các chuyến bay giải cứu, đưa công dân từ nước ngoài về nước cách ly tại Hà Nội.
Để chứng minh ông Chử Xuân Dũng phạm tội, Cơ quan điều tra sẽ thu thập các tài liệu chứng cứ chứng minh ông Dũng đã lợi dụng chức vụ quyền hạn để có những thỏa thuận với các tổ chức, cá nhân có liên quan nhằm hưởng lợi ích vật chất hoặc lợi ích phi vật chất. Hành vi thực hiện với lỗi cố ý, mục đích là có yếu tố tư lợi, làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng và Nhà nước, ảnh hưởng đến tính đúng đắn của hoạt động công vụ.
Trường hợp ông Dũng thừa nhận hành vi phạm tội, lời thừa nhận tội phải phù hợp với các tài liệu chứng cứ mà cơ quan điều tra đã thu nhập được. Trường hợp ông Dũng không thừa nhận hành vi phạm tội, cơ quan điều tra phải chứng minh bằng chứng cứ xác đáng, phải thể hiện có sự thỏa thuận trực tiếp hoặc gián tiếp đối với việc nhận lợi ích để thực hiện theo yêu cầu của người đưa.
Trong vụ án này, số tiền đưa hối lộ và nhận hối lộ là bao nhiêu là tình tiết rất quan trọng để xác định khung hình phạt nếu có đủ căn cứ để kết tội. Trường hợp số tiền nhận hối lộ từ 1 tỷ đồng trở lên, người nhận hối lộ sẽ phải đối mặt với khung hình phạt cao nhất là 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình theo quy định tại khoản 4, Điều 354 Bộ luật Hình sự.
Đồng thời cơ quan điều tra cũng sẽ làm rõ người thực hiện hành vi đưa hối lộ cho ông Dũng, số tiền, tài sản đưa hối lộ và ông Dũng đã thực hiện công việc nào theo yêu cầu của người đưa hối lộ. Đây là những yếu tố quan trọng để xác định hành vi đưa hối lộ, hành vi nhận hối lộ và tính chất nghiêm trọng của vụ án. Người đưa hối lộ sẽ bị xử lý theo quy định tại điều 364 Bộ luật Hình sự, với mức chế tài cao nhất của tội danh này có thể tới 20 năm tù. Một số trường hợp người đưa hối lộ có thể được miễn trách nhiệm hình sự, không bị truy cứu trách nhiệm hình sự và có thể được trả lại một phần hoặc toàn bộ tài sản theo điều 364 BLHS.
Dong co Pho Chu tich Ha Noi Chu Xuan Dung nhan hoi lo?-Hinh-2
Ảnh minh họa. 
Cần thận trọng xử lý đúng người, đúng tội, không oan sai
Theo Luật sư Cường, đây là vụ án hình sự đặc biệt nghiêm trọng có liên quan đến nhiều tổ chức, cá nhân, nhiều người đã bị khởi tố và đang bị điều tra về nhiều tội danh khác nhau trong đó có tội nhận hối lộ, tội đưa hối lộ, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ và các tội danh khác. Trong đó, nhiều người có chức vụ quyền hạn, có địa vị trong xã hội nên việc điều tra, truy tố, xét xử đòi hỏi phải thận trọng sao cho vụ việc được giải quyết đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không oan sai.
Đặc biệt, đối với những hành vi nhận quà, phải làm rõ việc này là trường hợp nhận quà trái quy định, nhận hối lộ hay là hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Không phải trường hợp nhận quà nào cũng là vi phạm pháp luật và cũng không phải trường hợp vi phạm pháp luật nào cũng bị xử lý hình sự. Nếu việc nhận quà để làm trái công vụ hoặc để thực hiện công việc theo yêu cầu của người đưa quà đó có thể là hành vi vi phạm pháp luật.
Theo quy định của luật phòng chống tham nhũng và các văn bản có liên quan, cán bộ, lãnh đạo không được nhận quà của cấp dưới hoặc các đơn vị mà mình có trách nhiệm quản lý. Điều 25 Nghị định 59/2019/NĐ-CP quy định cán bộ, công chức, viên chức không được trực tiếp hoặc gián tiếp nhận quà tặng dưới mọi hình thức của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan đến công việc do mình giải quyết hoặc thuộc phạm vi quản lý của mình.
Trường hợp không từ chối được, phải báo cáo Thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị mình hoặc Thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp trên trực tiếp và nộp lại quà tặng để xử lý theo quy định trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quà tặng. Hành vi nhận quà trái định có thể bị xử lý kỷ luật theo Nghị định 112/2020/NĐ-CP về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức.
Nếu trường hợp vì được nhận quà mà làm trái công vụ gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước nhưng giữa người tặng quà và người nhận quà không có sự thỏa thuận thì đây là hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn, người thực hiện hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại điều 356 Bộ luật Hình sự.
Dong co Pho Chu tich Ha Noi Chu Xuan Dung nhan hoi lo?-Hinh-3
Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường. 
Trường hợp hành vi nhận quà có sự thoả thuận giữa người đưa quà và người nhận quà một cách trực tiếp hoặc gián tiếp để cho người nhận quả thực hiện công việc theo yêu cầu của người đưa quà, đó mới là hành vi nhận hối lộ và hành vi đưa hối lộ.
Trong quá trình điều tra vụ án này, các cơ quan tiến hành tố tụng cần phải làm rõ các bị can có nhận lợi ích vật chất hoặc lợi ích phi vật chất hay không, việc nhận lợi ích này có sự thỏa thuận với người đưa hay không và có thực hiện công việc theo yêu cầu hoặc làm trái công vụ hay không có gây ra thiệt hại hay không? Việc này để xác định hành vi có vi phạm pháp luật hay không, nếu có thuộc trường hợp nhận quà trái quy định, lợi dụng chức vụ quyền hạn hay là nhận hối lộ để xử lý đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không oan sai, không bỏ lọt tội phạm.
“Đây là vụ án phức tạp, có liên quan đến nhiều người, nhiều cơ quan, nhiều tổ chức và có ảnh hưởng đến uy tín của Đảng và Nhà nước, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của các bị can và những người khác có liên quan nên việc điều tra, xử lý vụ án này đòi hỏi cần phải thận trọng, phải căn vào cứ vào các chứng cứ được cơ quan tiến hành tố tụng thu thập hợp pháp và làm rõ ý nghĩa chứng minh của từng chứng cứ để xác định sự thật khách quan, làm căn cứ giải quyết đúng người, đúng tội, đúng pháp luật”, luật sư Cường nêu ý kiến.
>>> Mời độc giả xem thêm video 20 năm tù cho Chánh Thanh tra Quân đội nhận hối lộ

Nguồn: THĐT


Hải Ninh